"Chiến thần livestream" Võ Hà Linh bị cơ quan quản lý thị trường TP.HCM thẩm tra cáo buộc bán phá giá là ai?
V.N (tổng hợp)
23/05/2025 10:08 AM (GMT+7)
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đang tiến hành thẩm tra, xác minh thông tin Tiktoker Võ Hà Linh (chủ kênh Hà Linh Official) bị tố bán phá giá, giảm giá sâu bất thường trong các buổi livestream. Động thái này diễn ra sau khi có đơn phản ánh từ người tiêu dùng và đề nghị từ các cơ quan chức năng.
Ngày 22/5, Chi cục QLTT TP.HCM đã chính thức thông tin về việc tiếp nhận đơn phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động bán hàng của Tiktoker Võ Hà Linh.
Người tiêu dùng tố cáo bà Linh có dấu hiệu giảm giá sâu bất thường, bán sản phẩm với giá thấp hơn đáng kể so với giá thị trường, thậm chí thấp hơn giá niêm yết của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính hãng.
Trước đó, vào ngày 15/5, Chi cục QLTT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Đội QLTT trực thuộc thực hiện thẩm tra, xác minh đối với Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hà Linh Official.
Đây là công ty do bà Võ Thị Hà Linh làm người đại diện pháp luật, có trụ sở chính tại tỉnh Nghệ An và chi nhánh tại TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Hiện tại, vụ việc đang trong giai đoạn xác minh nên Chi cục QLTT TP.HCM chưa thể cung cấp thông tin chính thức về kết quả. Đơn vị này cho biết sẽ có văn bản thông tin đầy đủ đến các cơ quan báo chí khi có kết quả cụ thể.
Liên quan đến vấn đề này, vào tháng 3, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro) cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét hoạt động bán hàng trực tuyến của một số người có ảnh hưởng (KOL, KOC).
Trong đó, Võ Hà Linh (kênh Hà Linh Official) được đề cập với các phản ánh về hành vi nghi bán phá giá, cung cấp hàng hóa có dấu hiệu kém chất lượng và kêu gọi người dân tích trữ hàng hóa.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường trong nước (thuộc Bộ Công Thương) cũng đã có văn bản đề nghị Chi cục QLTT TP.HCM đốc thúc việc kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) đối với các phản ánh liên quan đến bà Võ Hà Linh.
Võ Hà Linh là ai?
Võ Hà Linh được biết đến như một beauty blogger, hot tiktoker, youtuber có lượng theo dõi khá lớn. Cô là cái tên quen thuộc đối với những người đam mê tìm hiểu về mỹ phẩm và các món đồ chăm sóc da.
Hà Linh gây được uy tín qua các clip đánh giá mỹ phẩm mà cô tự trải nghiệm thực tế, không nhận tiền quảng cáo của hãng và được cho là khen chê rõ ràng. Vì thế cô được người hâm mộ ưa thích, nhưng cũng gây nhiều tai tiếng với các Beauty blogger khác khi cô chê các sản phẩm mà họ đánh giá.
Võ Hà Linh hiện làm affiliate marketing (tiếp thị liên kết) - hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các sàn thương mại điện tử. Nói cách khác, cô đóng vai trò trung gian, giới thiệu người mua hàng tiềm năng đến với các sàn thương mại điện tử.
Nhờ giới thiệu những sản phẩm giá hời, Võ Hà Linh được mệnh danh "chiến thần" livestream. Cô từng sở hữu thành tích hơn 300.000 người xem livestream, 58.000 người mua hàng cùng lúc khiến Tiktok Shop Đông Nam Á sập sàn.
Năm 2023, Võ Hà Linh cũng khiến cộng đồng mạng choáng váng khi livestream bán hàng sản phẩm dầu gội và dầu xả Nguyên Xuân của Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh với lượng xem kỷ lục, có lúc vượt 300.000 người. Các sản phẩm liên tục cháy hàng.
Cô công bố giá các loại dầu gội của nhãn hàng dao động từ 11.000-18.000 đồng. Mức giá rẻ không tưởng này gây xôn xao trong cộng đồng kinh doanh dược phẩm. "Mình nhấn mạnh là chưa từng có với nhãn hàng, dầu gội xanh 18.000 đồng, nâu chỉ 11.000 đồng thôi", Hà Linh nói trong video.
Các kênh bán hàng truyền thống cho rằng hãng dược phẩm kết hợp Võ Hà Linh bán phá giá, gây khó dễ cho chính đại lý của mình. Bởi sản phẩm dầu gội của hãng được bán tại nhà thuốc với giá khoảng hơn 70.000 đồng.
Trước ồn ào, Võ Hà Linh giải thích cô giới thiệu đủ bộ dầu gội, dầu xả và tặng kèm kem đánh răng được bán với giá 158.000 đồng. Trong đó, kem đánh răng bán trên thị trường với giá tầm 70.000 đồng, dầu xả có giá khoảng 70.000 đồng. Như vậy, khi mua trọn bộ, giá của dầu gội chỉ còn 18.000 đồng.
Bị cộng đồng mạng phản đối vì hợp tác với TikToker quảng cáo không rõ ràng, nhãn hàng phải công khai gửi thư xin lỗi các nhà thuốc và nhà phân phối, khiến người tiếp cận thông tin bị hiểu lầm về giá của sản phẩm, gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh.
Thời điểm đó, chuyên gia đánh giá thực trạng "chiến thần" livestream bán hết cả kho hàng mấy chục tỷ doanh thu trong một buổi trở thành một hiện tượng. Nhưng cũng chính sự kiện ấy có thể gây ảnh hưởng lớn đến các bên bán hàng. Trong buổi livestream, nếu khách hàng mua trọn bộ sản phẩm mới được mức giá hời, nhưng TikToker lại "nói tắt" làm mọi người hiểu sản phẩm được bán lẻ với giá chỉ bằng 1/4 ngoài thị trường.
Dù mỗi phiên livestream thu hút cả trăm nghìn người xem, Võ Hà Linh cũng từng bị lên án vì giới thiệu sản phẩm kém chất lượng. Tháng 6/2021, người tiêu dùng phản ánh mua phải hàng giả theo link dẫn dưới video của nữ TikToker. Sản phẩm serum được giới thiệu là phiên bản Hàn nhưng trên bao bì khi xé ra lại có chữ Tiếng Việt. Vụ việc gây tranh cãi ầm ĩ, Võ Hà Linh phải làm việc với bên liên quan và yêu cầu nền tảng thương mại điện tử hoàn tiền lại cho khách hàng.
Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu thời trang Uniqlo tại Nhật Bản, cho biết mức thuế cao hơn của Mỹ sẽ bắt đầu tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh tại Mỹ từ cuối năm nay, và hãng dự kiến sẽ tăng giá bán để giảm thiểu thiệt hại.
Tập đoàn IHH Healthcare Bhd đang xem xét mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới như Indonesia và Việt Nam, trong bối cảnh tập đoàn này tiếp tục mở rộng quy mô nhằm bù đắp chi phí chăm sóc sức khỏe đang gia tăng trong khu vực.
Amazon Prime Day 2025 là một trong những sự kiện giảm giá được chờ đợi nhất. Theo dự báo của Adobe Analytics công bố ngày 7/7, chi tiêu trực tuyến dự kiến sẽ tăng vọt lên 23,8 tỷ USD trên khắp các nhà bán lẻ tại Mỹ trong sự kiện giảm giá này.
Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu thời trang Uniqlo tại Nhật Bản, cho biết mức thuế cao hơn của Mỹ sẽ bắt đầu tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh tại Mỹ từ cuối năm nay, và hãng dự kiến sẽ tăng giá bán để giảm thiểu thiệt hại.
Tập đoàn IHH Healthcare Bhd đang xem xét mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới như Indonesia và Việt Nam, trong bối cảnh tập đoàn này tiếp tục mở rộng quy mô nhằm bù đắp chi phí chăm sóc sức khỏe đang gia tăng trong khu vực.
Amazon Prime Day 2025 là một trong những sự kiện giảm giá được chờ đợi nhất. Theo dự báo của Adobe Analytics công bố ngày 7/7, chi tiêu trực tuyến dự kiến sẽ tăng vọt lên 23,8 tỷ USD trên khắp các nhà bán lẻ tại Mỹ trong sự kiện giảm giá này.