Thời gian gần đây, dòng tiền đang gây áp lực lên thị trường chứng khoán Việt, tạo ra những cơn sóng giảm điểm (có lúc chỉ số VN-Index giảm xuống dưới mức 1.000 điểm), nhiều nhà đầu tư cá nhân rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia đều có chung nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn và khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, không nên rơi vào vòng xoáy bán lấy được.
Nhiều lý do khiến thị trường giảm điểm
Chị Ngọc Hương (quận 3, TP.HCM), nhân viên văn phòng, bắt đầu chơi chứng khoán từ cuối năm 2021, thời điểm thị trường tăng trưởng mạnh mẽ, hoạt động nhộn nhịp. Chị cũng kiếm kha khá tiền trong giai đoạn này khi thị trường trong xu hướng tăng nhưng gần đây thị trường ngày càng khó chơi, dù có thời điểm tăng nhưng nhìn chung là đi xuống.
“Tôi đã mất 30% số tiền có trong tài khoản nên đã quyết định xóa app (ứng dụng đầu tư chứng khoán), không theo dõi, giao dịch nữa. Chờ một thời gian nữa xem sao rồi tính tiếp” - chị Hương chia sẻ.
Chị Hương không phải là nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường (F0) duy nhất gặp tình trạng này. Nhiều F0 hiện nay đang trong tình trạng thua lỗ, có tâm lý nghe ngóng hoặc rút hẳn khỏi thị trường.
Trước đó, chính các nhà đầu tư cá nhân đã từng tạo ra những cơn sóng tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường. Thậm chí làn sóng giao dịch khủng đã khiến sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có lúc nghẽn lệnh, giá trị giao dịch được đẩy lên mức bình quân 1 tỉ USD/ngày, điều chưa từng diễn ra trước đó.
Nhưng hiện nay, với tình hình chứng khoán không mấy tích cực, nhà đầu tư giảm mạnh. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư trong nước chỉ mở mới 102.244 tài khoản chứng khoán trong tháng 9, giảm 34% so với tháng trước.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu Tập đoàn VinaCapital, nhận định: Sau khi thị trường chứng khoán thanh lọc một số công ty và cá nhân có vi phạm đã mang lại môi trường đầu tư lành mạnh hơn và tăng tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư chuyên nghiệp và quốc tế. Nhưng một số nhà đầu tư cá nhân lại có tâm lý lo lắng thể hiện qua dòng tiền và thanh khoản suy giảm rất nhiều trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán hiện còn gặp một số yếu tố bất lợi khác. Đầu tiên là những căng thẳng địa chính trị đang phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu tạo ra chuỗi đứt gãy trong chuỗi cung, thúc đẩy giá hàng hóa tăng lên. Việc lạm phát tăng lên ở khắp nơi trên thế giới thúc đẩy ngân hàng trung ương các nước đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ thay vì nới lỏng như những năm dịch COVID-19 vừa qua. Thắt chặt tiền tệ không có lợi cho thị trường chứng khoán, vì làm tăng chi phí vốn vay khiến lợi nhuận của các công ty bị co hẹp, giá cổ phiếu bị chiết khấu mạnh.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt vẫn còn đi ngang và chưa xuất hiện cơ hội lướt sóng cho số đông, mà nguyên nhân là dòng tiền. Từ tháng 4 trở về trước năm 2021, dòng tiền lên đến hơn 20.000 tỉ đồng mỗi phiên. Số tiền này một phần đến từ “nhóm cá mập” giao dịch để tạo sóng thị trường. Nhưng những động thái mạnh mẽ làm trong sạch thị trường của cơ quan quản lý nhà nước khiến các cá mập phải lặn hết, giao dịch tạo sóng hết đất diễn khiến dòng tiền giảm.
Ngoài ra, lãi suất huy động tăng mạnh khiến nhiều người rút tiền khỏi chứng khoán để gửi tiết kiệm. “Nhìn chung một khi dòng tiền rẻ không còn, chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Tiền yếu, cổ phiếu không lên giá được. Xét trong ngắn hạn vẫn là cung cầu, có nghĩa tiền ít mà cổ phiếu nhiều, thị trường vẫn sẽ lình xình” - ông Hiển nhận xét.
Chứng khoán Việt Nam đang rẻ
Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty WiGroup, chuyên phân tích dữ liệu tài chính, cho biết dòng tiền vẫn sẽ là yếu tố quyết định đến tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Do đó, năm 2022 là năm đẹp về kinh tế vĩ mô với mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ, lạm phát thấp nhưng lại không đẹp về tiền tệ vì lãi suất tăng, dòng tiền rẻ không còn.
Bước sang năm 2023, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt tần suất tăng lãi suất sẽ hỗ trợ tốt cho chính sách tiền tệ của Việt Nam. Từ đó khiến áp lực hút ròng tiền không còn mạnh, dòng tiền kỳ vọng sẽ phục hồi dần, qua đó giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu Tập đoàn VinaCapital, cho rằng nhìn ở góc độ định giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rẻ so với khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế của 200 công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay tăng 22% so với cùng kỳ. Các công ty niêm yết trên sàn được dự báo tăng trưởng lợi nhuận lên đến 19% trong năm 2023 với nhiều lĩnh vực tăng trưởng vượt trội như ngân hàng, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp… Vì vậy, triển vọng thị trường chứng khoán trong dài hạn là tích cực.
Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ tăng trưởng khá nhanh so với các nước cùng mức độ phát triển với mức dự báo trong dài hạn vẫn tăng trưởng 6%-7%. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng đánh giá triển vọng Việt Nam ở dạng “tích cực” trong trung hạn, tỉ lệ nợ chính phủ trên GDP thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
“Nếu nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn thì dù phía trước vẫn có những khó khăn liên quan đến địa chính trị, lạm phát tăng cao trên thế giới… nhưng đây là thời điểm hấp dẫn để giữ cổ phiếu” - bà Thu đánh giá.
Nhà đầu tư cần bình tĩnh
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo cho biết việc thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu (lo không bán được), sẵn sàng bán bằng mọi giá, từ đó kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
Tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường, bởi cơ cấu nhà đầu tư ở Việt Nam có điểm khác biệt khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch, trong khi tỉ lệ này ở những quốc gia phát triển chỉ khoảng 40%-50%. Đặc điểm của nhóm nhà đầu tư cá nhân là đưa ra quyết định đầu tư đôi khi không dựa trên lý trí hay phân tích tài chính kỹ lưỡng, mà chủ yếu theo đám đông, thậm chí là tin đồn.
“Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, không nên rơi vào vòng xoáy bán lấy được; không nên dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông, mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng của doanh nghiệp; đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy và kiên trì nâng cao kiến thức, kinh nghiệm đầu tư chứng khoán là rất cần thiết” - nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Theo PLO
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tỷ lệ hài lòng chung của phụ huynh và học sinh ở TP.HCM đối với dịch vụ giáo dục công năm 2024 cao hơn so với năm 2023, theo kết quả khảo sát của Sở Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) thành phố
TP.HCM vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bé gái tử vong do mắc sởi. Trước tình hình đó, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đầy nhanh việc tiêm vaccine cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi để kiểm soát dịch sởi.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia nhiều hành vi phạm tội, một lúc phạm nhiều tội, xâm phạm nghiêm trọng tới hoạt động tài chính ngân hàng. Cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình là đúng người, đúng tội, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo này.
TP.HCM triển khai kế hoạch sắp xếp lại đơn vị hành chính, giảm 39 phường, nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu vùng Đông Nam Bộ phải tiếp tục làm mới lại 3 động lực tăng trưởng. Trong đó tập trung vào đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, động lực thứ 2 là xuất khẩu, động lực thứ 3 là tiêu dùng.