Chủ nhật, 28/04/2024

Chuỗi bán lẻ điện máy thua lỗ

19/11/2023 10:24 AM (GMT+7)

Cuộc đua giảm giá, tăng khuyến mại để giành giật thị phần khiến nhiều nhà bán lẻ điện máy, công nghệ không còn lợi nhuận

Sức mua hàng điện máy, công nghệ đã sụt giảm từ cuối năm ngoái và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Đồng loạt lỗ

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2023 đạt gần 39 tỉ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 78 tỉ đồng, giảm đến gần 97% so với cùng kỳ và mới thực hiện chưa đến 2% mục tiêu cả năm. Riêng quý III/2023, tổng doanh thu từ bán máy tính, điện thoại, hàng điện lạnh của Thế Giới Di Động đạt 20.800 tỉ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và giảm 4% so với quý II.

Chuỗi bán lẻ điện máy thua lỗ - Ảnh 1.

Hệ thống bán lẻ điện máy Thế Giới Di Động tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ để kích thích sức mua, bù đắp việc giảm biên độ lợi nhuận

Báo cáo của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT cho thấy doanh thu quý III/2023 của chuỗi FPT Shop đạt 4.104 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sức nóng ngay từ ngày đầu mở bán iPhone 15 và bổ sung sản phẩm điện gia dụng vào các cửa hàng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của chuỗi FPT Shop chỉ đạt 12.222 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ do thị trường nhìn chung chưa phục hồi.

Tương tự, Công ty CP Thế Giới Số ghi nhận doanh thu thuần quý III/2023 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng doanh thu mảng điện thoại giảm đến 26%, doanh thu mảng thiết bị điện gia dụng giảm 20%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 22% và lợi nhuận giảm 48% so với cùng kỳ.

Với CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống, cho biết nhiều tháng qua, tình hình kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, không có lợi nhuận. Nhiều chuỗi bán lẻ quy mô lớn khác tại TP HCM cũng thừa nhận từ đầu năm đến nay, do sức mua quá yếu nên phải giảm giá hầu hết sản phẩm, kéo theo giảm biên lợi nhuận. Thậm chí, nhiều mặt hàng điện máy như tivi, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt... phải bán thấp hơn giá nhập.

Cuộc chiến giá rẻ

Trước khi bước vào cuộc chiến về giá, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động, từng cảnh báo các đối thủ "sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian tới và kéo dài". 

Tuy xác nhận cuộc chiến giá rẻ khiến lợi nhuận mất đi nhưng ông Tài cho rằng doanh nghiệp có thể kéo khách hàng quay trở lại, từ đó tăng thị phần. Do đó, doanh nghiệp này khẳng định tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ.

Theo ông Nguyễn Lạc Huy, CellphoneS khó có thể đứng ngoài cuộc chiến giá rẻ. Trong quý II/2023, quý đầu tiên của cuộc chiến này, CellphoneS đã chịu không ít tổn thất khi doanh số giảm tới 20% so với quý trước và không có lợi nhuận. 

Để ứng phó, CellphoneS tập trung duy trì hiệu quả của hệ thống hơn 100 cửa hàng, bảo đảm quy mô có thể xoay chuyển nhanh. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong quản trị cũng giúp CellphoneS thích ứng nhanh, giảm chi phí mà vẫn có thể tăng cường trải nghiệm mua sắm cho khách hàng. 

Bên cạnh đó, CellphoneS cũng nhanh chóng bổ sung một số nhóm sản phẩm mới như điện gia dụng, chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp... để tăng doanh số của các cửa hàng.

Ông Lạc Huy nhìn nhận sẽ có giới hạn nhất định về thời gian và quy mô của cuộc chiến giá rẻ. Thực tế cho thấy sau 6 tháng lao vào cuộc chiến này, đã có dấu hiệu rõ ràng về tổn thất lớn của các "đại gia" bán lẻ khi chi phí vận hành lớn mà hiệu suất lại giảm. Bước sang quý IV/2023, một số nhà bán lẻ đã bắt đầu đóng cửa khá nhiều cửa hàng, dự báo xu hướng này tiếp diễn tới đầu năm 2024. "Cuộc chiến về giá chưa dừng ngay nhưng một số nhóm mặt hàng sẽ tăng giá trở lại để giữ lợi nhuận" - ông Huy nhận định.

Trong khi đó, hệ thống Di Động Việt tỏ ra không ngán cuộc chiến về giá. Bà Phùng Phương, đại diện Di Động Việt, khẳng định hệ thống vẫn "đang hít thở đều, vận động nhanh" và rút ngắn khoảng cách với những ông lớn trong ngành. Một trong những lý do giúp hệ thống này sống khỏe trong lúc các ông lớn lao đao là bởi thế mạnh về giá cùng nhiều chính sách bán hàng, hậu mãi vượt trội.

Theo tính toán của các trung tâm, siêu thị điện máy tại TP HCM, số lượng hàng tồn kho hiện khá lớn - ước tính mỗi dòng hàng tồn khoảng 400.000 - 800.000 sản phẩm. Các trung tâm, siêu thị dự báo cuộc chiến giá rẻ để giải phóng hàng tồn sẽ còn kéo dài đến năm 2025.

Theo Người Lao Động

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Hệ thống KRX lần thứ 8 "lỗi hẹn" với thị trường chứng khoán Việt

Hệ thống KRX lần thứ 8 "lỗi hẹn" với thị trường chứng khoán Việt

Kể từ khi triển khai hệ thống KRX với thị trường chứng khoán Việt Nam, HoSE đã có 8 lần dời lịch vận hành vào những năm 2015, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và mới đây nhất là ngày 2/5/2024.

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Tỷ giá USD/VND hiện nay đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 10 năm qua. Các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND.

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (ngày 25/4) tiếp tục bị huỷ. Ngân hàng Nhà nước thông báo nguyên nhân do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Tạm biệt trường chuyên cấp 2: Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Tạm biệt trường chuyên cấp 2: Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Rào cản lớn nhất hiện nay là những góc nhìn không đồng thuận với sự tồn tại của "trường chuyên, lớp chọn" từ cấp THCS. Nhưng đừng quên nhu cầu giáo dục trong một xã hội đang phát triển là rất đa dạng.

Vì sao tỉ giá chưa hạ nhiệt dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bán USD can thiệp?

Vì sao tỉ giá chưa hạ nhiệt dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bán USD can thiệp?

Giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lập đỉnh mới sau thông tin Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ngoại tệ can thiệp thị trường từ 19-4

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã

Giá cà phê nhân đã thiết lập kỷ lục mới khi đạt mức hơn 123.000 đồng/kg. Nguyên liệu tăng giá nhưng qua khảo sát, các sản phẩm chế biến sâu phục vụ khách hàng vẫn “nằm im’.