Thuộc địa phận thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), quán cháo của chị Sáu nằm trên đoạn đường văng vắng. Người qua kẻ lại mấy khi để ý quán nhỏ xíu, khuất sau hàng cây này. Tự nhiên vài tuần nay, quán của chị… nên thơ lắm, ai đi ngang cũng nhìn một chút.
Dưới gốc bằng lăng, mấy bộ bàn ghế lúc nào cũng tim tím, phủ đầy hoa. Bóng mát của cây đủ rộng, đủ níu chân khách phương xa dừng lại, nương nhờ chút thảnh thơi giữa khoảng không xanh ngắt nắng trời.
Nồi cháo lòng ban sáng vừa kịp vơi theo độ gắt của nắng. Chị Sáu cũng bớt việc, trò chuyện cùng khách quen. Cuộc sống ở xứ nửa chợ nửa quê này, với phụ nữ trung niên như chị, có gì vui bằng chuyện con cái thành đạt, yên bề gia thất, ngày ngày trôi qua trong bình lặng. Chút tiền chợ của cả nhà trông vào nồi cháo chị đang vét cho gọn. Chỉ vậy thôi, chị không mong muốn gì hơn!
Rồi câu chuyện bị cuốn theo sắc tím bằng lăng lúc nào không hay. “Mấy hôm trước, người ta mé bớt nhánh cây để thoáng tầm nhìn, chứ nếu không, còn đẹp hơn nữa kìa. Nhớ hồi lúc Tỉnh lộ 943 mới vừa làm xong, nhà nước trồng phượng vĩ một bên, bên còn lại trồng bằng lăng. Cây bằng lăng trước nhà bé xíu. Sợ nó không sống nổi, tôi vừa bán quán, vừa coi chừng, chăm sóc nó. Sáng thì tưới nước, chiều thì quét dọn. Thoắt cái, 4-5 năm, cây lớn chừng này, bông ra nhiều hết biết. Mà cũng phải, mấy chỗ khác, cây ít được tưới nước, đâu tươi tốt như ở đây!” - chị Sáu “khoe”.
Có lẽ, 5 năm trước, khi dành chút tình cảm cho cây, chị chưa từng mong chờ kết quả. Nhưng cây lại hiểu lòng người, chia ngọt sẻ bùi cùng chị. Cây vươn mình, che chắn từng giọt nắng, ôm cái quán cóc ven đường vào bóng râm. Nhờ vậy, chị không cần phải làm mái hiên, đỡ tốn kém mà cũng không ảnh hưởng mỹ quan.
Mùa hoa nở rộ, tím man mác khoảng trời. Hoa rơi đến đâu, tím lan đến đó. Có khi, hoa rơi trên tóc khách, rơi cạnh tô cháo, rơi vào lòng người yêu hoa. Chị Sáu chia sẻ thêm: “Khách vô ăn cháo, ai cũng khen hoa đẹp hết biết, rồi chụp hình đủ kiểu. Hoa rơi rụng suốt ngày, vừa mới quét xong, quay lại thấy đầy trên đất. Thành ra, tôi cứ để mặc, tới chiều tối quét một lần luôn”.
Bây giờ, đang vào hạ. Sắc tím bằng lăng nhanh chân hơn sắc đỏ của phượng, “thống trị” khắp nơi, từ quê đến phố. Có lẽ, con đường bằng lăng ấn tượng nhất lúc này là Tỉnh lộ 943, đi từTP. Long Xuyênvào thị trấn Núi Sập (huyệnThoại Sơn). Phía đối diện, hoa phượng còn thủng thỉnh trụi lá, thi thoảng mới nở một vài bông đỏ một cách ơ hờ.
Còn bên này, đi đến đâu, chùm hoa tím kiêu hãnh vươn lên nền trời đến đó, bung sức nở để kịp mùa. Nhưng nếu có thời gian nhìn ngắm, khách đường xa sẽ phát hiện rằng, không phải lúc nào bằng lăng cũng tím đơn điệu. Chúng đa dạng như cuộc sống muôn màu. Lúc tím dằn vặt hoa cà. Lúc lại tím nhạt nhòa trong nắng gió. Khi thì điểm thêm màu trắng, nửa hư, nửa thực. Rồi có cây sống tách biệt, một mình một góc hồng phai.
“Kế bên nhà tôi có cây bằng lăng màu hường (màu hồng - PV) lạ lắm. Bữa nay cây chưa có hoa, hơi tiếc. Mỗi lần hoa trổ, tụi thanh niên kéo về chụp hình liên tục” - một phụ nữ ngồi cạnh tôi, khoe.
Dẫu mang màu sắc gì đi chăng nữa, mỗi bông hoa bằng lăng đều mang 6 cánh mỏng manh. Chúng có chút tương tự mai vàng, nhưng “thắng” ở chỗ… đông đúc chen nhau trên cành hơn, tạo thành cụm hoa trải dài xao xuyến. Hoa sống đủ cuộc đời ngắn ngủi của mình rồi, sẽ nhường lại cho quả sinh sôi. Quả cũng sống trọn vẹn cho cây, từ lúc tròn trịa xanh non, đến khi già nua, héo sạm, ngả màu nâu. Đến lúc ấy, người ta chẳng còn thấy sắc tím thương nhớ ngày nào…
Nhưng sau đó lại là chuyện của… lá bằng lăng. Chúng được ghi tên vào danh sách những loại lá cây ăn ngon hết sẩy, “hạp” với món bánh xèo, bánh khọt. Hôm đi tác nghiệp món bánh quê ở nhà chị Khưu Thanh Kiều Em (sinh năm 1977, ngụ xã Thoại Giang), chị kể, mấy cây ở xung quanh nhà chị trước kia đã được mua để đem ra trồng ngoài đường lớn. Giờ, mỗi lần muốn ăn, chị phải đi hơi xa. Chị chở tôi trên chiếc xe Honda cũ. Giữa trưa nắng, 2 chị em tôi đi… tìm lá bằng lăng, chuẩn bị cho món bánh khọt sắp đổ. Cây mọc dày đặc 2 bên đường, nhưng vừa được mé nhánh trụi lủi. Lá non thì cao khỏi tầm với của chúng tôi. Còn lá già, đong đưa là đà trước mặt, lại không ai cần.
Rồi chúng tôi vẫn có bữa ăn ngon, dân dã như ý định. Thật ra, với tôi, lá bằng lăng không có vị gì đặc biệt. Nhưng có lẽ, chính điều đó làm nó trở nên đặc biệt, khi “tôn trọng” tuyệt đối hương vị của món ăn kèm. Chúng làm tăng thêm chút giòn, chút thanh đạm trong khoang miệng, làm cho bột bớt ngấy, cho dưa bớt chua, cho ớt bớt nồng. Vậy thôi, mà chúng trở thành nếp, thành danh trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ!
Ít ngày nữa thôi, bằng lăng sẽ phai sắc. Cuộc sống cứ tiếp diễn, lại có nhiều mùa hoa, màu hoa khác thay thế, cuốn tâm trí con người mải miết nhìn theo. Nhưng với chị Sáu, với vị khách ngồi cạnh tôi, với những ai trót thương màu tím day dứt ấy, bằng lăng vẫn tồn tại trong tâm trí, nào dễ phai nhạt bao giờ.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.
Vượt qua 4 ứng viên sáng giá trong Top 5, mỹ nhân tóc vàng Đan Mạch Victoria Kjær Theilvig đã xuất sắc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe 2024.