CNBC đưa tin theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 2/12, tăng trưởng việc làm tại Mỹ vượt xa dự kiến bất chấp những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Để kìm chế lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động.
Nhưng trong tháng 11, tổng số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ vẫn tăng 263.000 việc làm, vượt mức ước tính 200.000 việc làm của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,7% như dự kiến.
Thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ
Nếu tính cả những người trong độ tuổi lao động nhưng không muốn làm việc và các lao động bán thời gian, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 6,7%.
Hồi tháng 10, tổng số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ tăng 284.000 việc làm. Thị trường lao động giảm tốc tăng trưởng vì các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed, nhưng vẫn ở mức cao nhất trong hơn 40 năm.
Thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ sau báo cáo mới. Tính đến 10h ngày 2/12 (theo giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 259,96 điểm, tương đương 0,76%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lao dốc lần lượt 40,38 điểm (0,99%) và 152,11 điểm (1,32%).
Nước Mỹ vẫn có thêm 263.000 việc làm dù lãi suất điều hành đã tăng 3,75 điểm phần trăm. Đây không phải chuyện đùa
Bà Seema Shah - chiến lược gia thị trường trưởng toàn cầu của Principal Asset Management
Trước đó, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ nhờ những tín hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Điều này sẽ cho phép Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Trong tháng 11, thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao gấp đôi ước tính của Dow Jones. CNBC nhận định đây là đòn giáng mạnh vào nỗ lực chống lạm phát của Fed.
Tiền lương của người Mỹ cũng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo 4,6%.
Kể từ đầu năm đến nay, Fed tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
"Nước Mỹ vẫn có thêm 263.000 việc làm dù lãi suất điều hành đã tăng 3,75 điểm phần trăm. Đây không phải chuyện đùa", bà Seema Shah - chiến lược gia thị trường trưởng toàn cầu của Principal Asset Management - bình luận.
"Thị trường lao động vẫn rất nóng. Và điều này sẽ gây áp lực cho Fed trong việc tăng lãi suất", bà nói thêm.
Áp lực tiền lương
Trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng số lượng việc làm tăng "vượt xa mức cần thiết để theo kịp tốc độ gia tăng dân số". Ông khẳng định áp lực tiền lương đang góp phần tạo ra sức ép lạm phát.
"Rõ ràng, tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ là điều tốt. Nhưng để tiền lương tăng trưởng một cách bền vững, nó cần phù hợp với mức lạm phát 2%", ông khẳng định.
Thời gian qua, đã có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 1/12, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - trong tháng 10 đã tăng 0,2% so với một tháng trước đó và 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của giới quan sát.
Còn theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng là 0,4% so với tháng trước và 7,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo 0,6% và 7,9% từ Dow Jones.
Tuy nhiên, ông Powell cho rằng xét về ngắn hạn, các dữ liệu có thể đánh lừa. Vị chủ tịch khẳng định ông cần nhiều dữ liệu hơn nữa.
"Cần nhiều bằng chứng hơn nữa để khẳng định rằng lạm phát đang thực sự hạ nhiệt. Xét trên bất cứ tiêu chuẩn nào, lạm phát vẫn còn quá cao", ông nhấn mạnh.
"Đã có những bước tiến đầy hứa hẹn, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước để bình ổn giá cả", ông Powell nói thêm.