Thứ sáu, 29/03/2024

Dấu hiệu lạc quan về thị trường ô tô

31/10/2021 7:00 PM (GMT+7)

Với đà phục hồi ở tháng 9/2021, cùng với việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước sẽ là cú hích để đưa thị trường ô tô Việt Nam sôi động trở lại.

 Với đà phục hồi ở tháng 9/2021, cùng với việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước sẽ là cú hích để đưa thị trường ô tô Việt Nam sôi động trở lại.

Lượng xe bán ra tăng

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, chỉ 15 ngày đầu tháng 10 cả nước chi hơn 175 triệu USD nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô. Qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tính từ đầu năm lên gần 3,9 tỷ USD, tăng tới 36,2% (mức tăng tương đương hơn 1 tỷ USD) so với cùng kỳ 2020. Điều này được xem là dấu hiệu cho sự phục hồi ngành sản xuất lắp ráp trong nước khi trạng thái bình thường mới đang trở lại ở nhiều tỉnh, thành.

Dấu hiệu lạc quan về thị trường ô tô - Ảnh 1.

Thị trường ô tô được dự báo sớm sôi động trở lại khi giảm lệ phí trước bạ.

Cùng lúc, báo cáo bán hàng mới nhất của Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy, trong tháng 9/2021, tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc VAMA đạt 13.537 xe các loại, tăng 52% so với tháng 8/2021. Trong đó, sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 7.316 xe, tăng 37%; số lượng bán ra của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.221 xe, tăng 76%.

Như vậy, sau 5 tháng giảm liên tiếp, số lượng ôtô bán ra tại Việt Nam đã có sự tăng trở lại. Lũy kế, tính đến hết tháng 9/2021 tổng số lượng ô tô bán ra của toàn thị trường đạt 188.937 xe, tăng 5% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, số liệu bán hàng của 2 doanh nghiệp không thuộc VAMA (TC Motor và Vinfast) cũng ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng bán hàng. Tính đến hết tháng 9/2021, VinFast đã bán được tổng cộng 25.527 xe; còn TC Motor bán tới 44.327 xe ô tô các loại.

Số liệu thống kê cũng cho thấy thị trường ô tô đang có dấu hiệu hồi phục trở lại trong tháng 9/2021 khi số lượng bán ra của toàn bộ các hãng xe đều có sự tăng trưởng so với tháng 8/2021. Trong đó Suzuki, Ford có sự tăng trưởng vượt trội. Cụ thể, Suzuki tăng từ mức 111 xe lên mức 727 xe (tăng gần 7 lần), Ford tăng từ 477 xe lên 1.359 xe, gần gấp 3 lần, đứng thứ 3 là TC Motor với mức tăng gần gấp đôi so với tháng trước (từ 2.182 xe lên 4.079 xe).

Thaco vẫn là nhà sản xuất dẫn đầu về doanh số với 5.145 xe, tiếp đến là TC Motor với 4.079 xe, Toyota ở vị trí thứ 3 với 2.942 xe còn VinFast tụt xuống vị trí thứ 4 với 2.565 xe. Ford tăng trưởng doanh số trở lại và đứng ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng các nhà sản xuất đạt doanh số lớn nhất thị trường, trong khi Mitsubishi ở vị trí thứ 6 và Suzuki đứng ở vị trí thứ 7.

Thị trường sẽ sôi động cuối năm

Khảo sát của PLVN với một số đại diện showroom ô tô đều cho rằng, với đà phục hồi ở tháng 9, cùng với việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ (LPTB) cho ô tô sản xuất trong nước sẽ là một cú hích để đưa thị trường ô tô cuối năm sôi động trở lại. Nguồn cung đang sẵn cộng với chính sách hợp lý, nhiều hãng xe cũng đang kỳ vọng vào sức tiêu thụ trong thời gian tới.

Đại diện Ford Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, trong quý IV/2021, Ford sẽ trình làng một mẫu xe mới nhưng không kỳ vọng doanh số ngay trong năm nay mà chờ đợi sự trở lại mạnh mẽ của thị trường ô tô trong năm 2022 bởi hiện nay, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến sự phục hồi kinh tế. Đại diện Ford tỏ ra dè dặt: “Có một chút lạc quan hơn trong giai đoạn từ đây đến cuối năm do cả nước đã mở cửa trở lại”.

Tuy nhiên, đại diện hãng này lại khẳng định, đây là thời điểm vàng cho những khách hàng có ý định mua xe. Bởi, hiện nay, chi phí logistics đang tăng cao, vận chuyển đi lại khó khăn sẽ tác động đến giá các mặt hàng, ô tô không phải ngoại lệ.

“Việt Nam có độ trễ về tác động kinh tế hơn so với thế giới nên hiện các hãng vẫn còn hàng tồn để sẵn sàng xuất ra cho khách hàng khi đặt mua. Nhưng trên thế giới việc thiếu chip đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ. Năm ngoái chỉ thiếu các loại chip lớn nhưng năm nay thiếu cả các loại chip nhỏ. Không loại trừ việc sẽ thiếu nguồn cung hoặc xe sẽ tăng giá trong thời gian tới” - đại diện Ford Việt Nam nói.

Vị này phân tích thêm, ở Mỹ đang thiếu chip sản xuất, cuộc cạnh tranh mua các loại linh kiện sản xuất ô tô đang rất gắt gao và giá xe bắt đầu tăng. Ở Đông Nam Á, nhiều hãng sản xuất đã phải đóng cửa vì đứt gãy chuỗi sản xuất. Nhiều hãng xe của Nhật cũng công bố sẽ giảm số lượng sản xuất. Hãng sản xuất ô tô Pháp cũng dự báo sản lượng ô tô của hãng năm nay sẽ giảm 500.000 chiếc so với dự báo trước đó do tình trạng thiếu hụt linh kiện điện tử trên toàn cầu.

Chưa kể hiện nay nhiều nhà máy trên thế giới phải đóng cửa do thiếu linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là chất bán dẫn. Bên cạnh đó, làn sóng về công nghệ cũng đang chuyển biến mạnh mẽ trên toàn cầu cùng với cuộc đua sản xuất các loại xe tự hành nên nguy cơ thiếu các loại nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất rất cao. Do đó, mặt bằng giá cả thị trường ô tô có thể có sự thay đổi lớn trong giai đoạn tới.

Dấu hiệu lạc quan về thị trường ô tô - Ảnh 2.

Ô tô sản xuất trong nước sẽ được giảm lệ phí trước bạ.

Giảm 50% lệ phí trước bạ có ảnh hưởng tới thu ngân sách?

Được biết Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô, rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo dự thảo Nghị định, mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành. Bộ Tài chính đề xuất chính sách này thực hiện từ ngày 15/11/2021 đến hết ngày 15/5/2022. Trường hợp nghị định được Chính phủ ban hành sau ngày 15/11/2021, thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành nghị định từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Trước đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) sản xuất lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch bệnh, ngày 28/6/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Theo đó, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu LPTB đối với ô tô quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP.

Theo Bộ Tài chính, giải pháp hỗ trợ này đã mang lại nhiều tác động tích cực. Đối với người tiêu dùng, việc giảm LPTB đã góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó kích cầu tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa áp dụng chính sách), lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký LPTB lần đầu là 102.924 xe, bình quân hơn 17,5 nghìn xe mỗi tháng. 6 tháng cuối năm khi được hưởng chính sách ưu đãi này, số lượng xe đăng ký lên tới 209.584 xe, bình quân gần 35 nghìn xe/tháng, tăng 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.

Đối với nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, việc điều chỉnh giảm 50% LPTB đã góp phần hỗ trợ các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho khi gặp dịch bệnh, nối lại chuỗi cung ứng và gia tăng sản xuất.

Theo báo cáo của VAMA cuối tháng 6/2020, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng đều qua các tháng. Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm 2020, sản lượng ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước bán ra tăng mạnh. Trong 2 tháng 11 và 12 tăng lần lượt là gần 15% và 25% so với các tháng liền kề trước đó.

Theo tính toán, việc giảm LPTB đã tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Liên quan đến số thu ngân sách, Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm LPTB có thể giúp tăng tổng thu NSNN. Theo đó, mặc dù việc giảm 50% mức thu LPTB sẽ làm giảm số thu LPTB theo chính sách, nhưng sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên, từ đó làm tăng số thu về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo thống kê, nhờ thực hiện giảm 50% LPTB theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP nên số thu 6 tháng cuối năm 2020 được đánh giá là giảm tương ứng 7.314 tỷ đồng, tuy nhiên, tổng thu thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 12.671 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm đạt 25.167 tỷ đồng, tăng khoảng 12.500 tỷ đồng.

Như vậy, tác động đến tổng thu NSNN từ thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước làm cho tổng thu NSNN năm 2020 đạt 50.852 tỷ đồng; trong đó, tổng thu 6 tháng đầu năm 2020 là 18.371 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm là 32.481 tỷ đồng, tăng hơn 14 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,76 lần so với 6 tháng đầu năm.


Giảm lệ phí trước bạ là cần thiết

Trao đổi tại Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trường Vụ Quản lý Thuế DN lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) phân tích: “Giảm 50% LPTB, tưởng là giảm thu ngân sách nhưng thực tế là tăng được thuế vì tiêu dùng tăng lên. Năm 2020 chúng ta đã làm rất tốt việc này. Tiêu dùng tăng lên, kinh tế Quý IV/2021 bật lên. Do vậy, việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp trong nước lúc này là cần thiết”- ông Phụng nói.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.