“Chờ” là động từ mà các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội lo lắng nhất lúc này. Nhiều đơn vị mòn mỏi chờ đợi hơn nửa năm để nhận được sự phê duyệt, cấp phép từ phía chính quyền địa phương.
Những rào cản về thủ tục hành chính cùng sự chưa quyết liệt ở một số địa phương có thể làm chậm lại mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030 mà Chính phủ đề ra.
Mòn mỏi chờ thủ tục
Hơn 300 ngày là khoảng thời gian mà Tập đoàn Hòa Bình phải chờ đợi UBND TP Hà Nội trả kết quả chấp thuận chủ trương đầu tư. Thậm chí, con số này còn đang tiếp tục tăng lên khi UBND TP Hà Nội vẫn chưa có tín hiệu phản hồi doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, cho biết doanh nghiệp có gần 9.000 m2 đất ở phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), mong muốn xây dựng dự án nhà ở xã hội với quy mô trên 1.700 căn hộ. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp sở hữu đất ở quận nội thành, muốn xây nhà ở xã hội bán với giá chỉ khoảng 12-18 triệu đồng/m2, nhưng sau gần một năm chờ đợi, dự án vẫn chưa được UBND TP Hà Nội cấp chủ trương đầu tư.
"Chúng tôi bỏ ra hơn 2.400 tỷ đồng đầu tư cho dự án này, đất thì đã có sổ đỏ, chỉ mong muốn xây dụng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng gặp muôn vàn khó khăn ngay ở khâu thủ tục. Mọi hoạt động đầu tư đều phải đình trệ, đếm từng ngày chờ cơ quan chức năng", ông Đường nói.
Được biết, trong báo cáo 252/2022 ngày 26/5 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, cơ quan này đánh giá đề xuất xây nhà ở xã hội tại khu đất hoàn toàn phù hợp chủ trương về phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ. Quy hoạch lô đất H2-4 thuộc sở hữu của Tập đoàn Hòa Bình hoàn toàn phù hợp xây nhà ở cao tầng. Công ty này cũng có kinh nghiệm làm lĩnh vực bất động sản.Đây không phải đơn vị duy nhất gặp phải tình trạng trên. Nửa năm trôi qua, khu dân cư Nguyên Sơn tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, vẫn chỉ là bãi đất trống. Nguyên nhân là vì doanh nghiệp này vẫn phải đang chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Từ tháng 4, dự án nhà lưu trú cho công nhân tại khu chế xuất Linh Trung II, TP Thủ Đức đã làm lễ động thổ. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được thành hình vì phải chờ Ban quản lý các Khu chế xuất - Công nghiệp TP.HCM thực hiện thủ tục thẩm định, báo cáo nghiên cứu khả thi.
Chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội còn kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng mong muốn cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, đã đề nghị rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục dự án nhà ở xã hội, từ khoảng 600 ngày như hiện nay xuống còn 90 đến 120 ngày.
Thủ tục phát triển nhà ở xã hội phải nhanh gọn nhưng đúng luật, không ‘đánh đố’, làm nản lòng các nhà đầu tư
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
“Thủ tục phát triển nhà ở xã hội phải nhanh gọn nhưng đúng luật, không ‘đánh đố’, làm nản lòng các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chia sẻ với Zing.
Theo ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group, doanh nghiệp của ông đã triển khai xây dựng nhà ở xã hội gồm 12 tòa ở Bàu Tràm, Đà Nẵng. Dự án này đã hoàn thiện 100% pháp lý và đang bắt đầu bàn giao nhà. Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục cho nhà ở xã hội, ông Lê Xuân Nga thừa nhận đơn vị đã mất rất nhiều thời gian. Tại thị trường miền Nam, BHS vẫn đang gặp những khó khăn nhất định trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý cấp phép cho dự án.
Ngoài ra, ông Lê Xuân Nga cũng cho biết quỹ đất tại các thành phố lớn chưa có nhiều. Các doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội, đặc biệt là những khu vực cận Hà Nội, không nhận được hướng dẫn về những chính sách ưu tiên.
“Khi làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp đều không nhận về nhiều lợi nhuận vì đã bị khống chế giá bán, mức chi phí. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn làm để thực hiện trách nhiệm xã hội, xây dựng thương hiệu và giải quyết nhu cầu nhà ở thực tế của người dân. Mong chính quyền quan tâm nhiều hơn tới vấn đề pháp lý, các cơ chế cần được thông thoáng hơn”, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group, chia sẻ với Zing.
Chính phủ đã đề ra mục tiêu thực hiện 1 triệu nhà ở xã hội. Trong thời gian qua, các địa phương đã xây dựng được 450.000 căn. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ là 571.000 căn, năm 2030 sẽ là 1,4 triệu căn.
Chính quyền 'bình chân'
"Nhiều địa phương, đặc biệt người đứng đầu là chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, các địa phương có thể không quá “mặn mà” với nhà ở xã hội vì loại hình này không mang lại nguồn thu cho ngân sách khi bị giảm trừ nhiều loại thuế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh chính quyền địa phương không nên “quên” rằng Chính phủ đang thúc đẩy rất mạnh mẽ việc phát triển nhà ở xã hội.
“Các địa phương nghĩ phát triển nhà ở thương mại cao cấp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, thị trường nhà ở cao cấp đang ‘đóng băng’. Nhà ở xã hội mới có lực hấp thụ mạnh. Khi các dự án được triển khai, công nhân viên sẽ có việc làm, guồng quay sản xuất của xã hội sẽ được kích hoạt”, ông Nguyễn Văn Đính cho biết.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho biết chưa có trường hợp lãnh đạo của UBND cấp tỉnh, thành phố bị khiển trách hay kỷ luật về vấn đề chậm triển khai nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông hy vọng câu chuyện "trách nhiệm" sẽ sớm được nhìn nhận nghiêm túc trong thời gian tới.
“Điều quan trọng nhất là phải thay đổi cơ chế về thủ tục đất đai. Tất cả hãy số hóa đi! Thủ tục ra sao, thời hạn như nào, nếu không được thì khởi kiện ở đâu? Hãy hướng dẫn doanh nghiệp về tất cả các khâu trên hệ thống số”, ông Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Theo thống kê của Công ty DKRA Việt Nam, tình trạng thị trường đang bị lệch pha về phân khúc. Điều đó được thể hiện rất rõ trong 2 năm gần đây khi nhà ở phân khúc giá bình dân chỉ chiếm 1% trong nguồn cung nhà ở mới năm 2020.
Đến năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nhà ở bình dân đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường trong khi nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỉ lệ áp đảo. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhà ở cao cấp chiếm 80% thị trường, tăng hơn 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc trung cấp chiếm gần 20% nguồn cung, giảm hơn 34% so với cùng kỳ.