Thứ hai, 25/11/2024

Đổi mới tư duy để có 1,5 triệu doanh nghiệp

16/10/2022 6:00 PM (GMT+7)

Khu vực hộ kinh doanh hiện đang chiếm tới hơn 30% GDP. Dùng mệnh lệnh hành chính hay bắt buộc các hộ kinh doanh đăng ký theo Luật Doanh nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả.

Khu vực hộ kinh doanh hiện đang chiếm tới hơn 30% GDP. Dùng mệnh lệnh hành chính hay bắt buộc các hộ kinh doanh đăng ký theo Luật Doanh nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả. Cách tiếp cận đúng đắn hơn là tạo ra loại hình doanh nghiệp phù hợp với hộ kinh doanh cá thể, để họ tự nguyện đăng ký hoặc đăng ký lại được dễ dàng, trên cơ sở tự cân đối về những lợi ích và chi phí của việc chuyển đổi.



Đổi mới tư duy để có 1,5 triệu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Sản xuất thiết bị tự động tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh minh họa: THU HÀ)

Để xây dựng và phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp.

Như vậy, mỗi năm cần phát triển khoảng 160 nghìn doanh nghiệp mới. Tuy nhiên với tỷ lệ doanh nghiệp giải thể hàng năm khoảng 60% như hiện nay, mỗi năm cần ít nhất 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, gấp gần 4 lần số lượng đăng ký hằng năm.

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi

Thách thức và khó khăn là vậy, nhưng cũng có thể trông chờ vào sự đóng góp của việc người dân lựa chọn mô hình cá nhân kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh hay sự chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Nhưng sự lựa chọn của người khởi nghiệp hay sự chuyển đổi và tham gia của họ cần được thúc đẩy bằng những biện pháp cải cách về quy định pháp luật mang tính đột phá, phù hợp với khoa học pháp lý, các quy luật của thị trường, thông lệ quốc tế và bản chất, đặc điểm của các hộ kinh doanh cá thể, thay vì quy định bằng biện pháp hành chính.

Cải cách hình thức pháp lý về loại hình doanh nghiệp tư nhân đang quy định trong Luật doanh nghiệp là một trong những chìa khóa chính để cải cách khu vực hộ kinh doanh, khuyến khích họ tự nguyện chuyển đổi thành doanh nghiệp, bảo đảm việc chuyển đổi này bền vững và hỗ trợ tốt hơn cho hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi.


Sự lựa chọn của người khởi nghiệp hay sự chuyển đổi và tham gia của họ cần được thúc đẩy bằng những biện pháp cải cách về quy định pháp luật mang tính đột phá, phù hợp với khoa học pháp lý, các quy luật của thị trường, thông lệ quốc tế và bản chất, đặc điểm của các hộ kinh doanh cá thể, thay vì quy định bằng biện pháp hành chính.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ (tức doanh nghiệp tư nhân theo cách gọi trong Luật Doanh nghiệp của Việt Nam) được ưa chuộng ở nhiều nước. Thí dụ như tại Liên minh châu Âu (EU), trong số 2,3 triệu doanh nghiệp được thành lập trong năm 2012, 1,6 triệu hay 70% được đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp cá thể (hay doanh nghiệp một chủ) hay cụ thể là hình thức doanh nghiệp tư nhân theo tên gọi đối với loại hình doanh nghiệp này tại Việt Nam. Tỷ lệ này đặc biệt cao tại một số quốc gia, thí dụ như tại Pháp là 92,3%, Ba Lan 86,9%, Hà Lan 86,4%, và Cộng hòa Séc là 86,1% (EuroStat).

Nhưng tại Việt Nam, hình thức doanh nghiệp tư nhân (bản chất là doanh nghiệp một chủ) như quy định trong Luật Doanh nghiệp ngày một mất đi sự hấp dẫn và không còn là sự lựa chọn đối với người dân khi khởi sự kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp.

Nếu như những năm đầu của Luật Doanh nghiệp 1999, gần một nửa các doanh nghiệp được đăng ký đều theo hình thức doanh nghiệp tư nhân (chiếm 44,7% và 39,5% trong các năm 2000 và 2001 và đã giảm rất mạnh xuống mức 3,9%, 2,47% vào các năm 2016, 2017 và nay chỉ còn 0,81% vào năm 2021. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách của việc đổi mới quy định về doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp.

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh tham gia chính thức vào cộng đồng doanh nghiệp dưới ngôi nhà chung của Luật Doanh nghiệp, cần thay đổi mạnh mẽ tư duy đối với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, đồng thời cải cách các quy định về doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể, cụ thể là hình thức “doanh nghiệp tư nhân” trong Luật Doanh nghiệp và trong các quy định pháp luật có liên quan nhằm hình thành một khung khổ pháp lý phù hợp cho hình thức cá nhân kinh doanh.

Luật doanh nghiệp và các luật có liên quan cần tách bạch các quy định áp dụng với cá nhân kinh doanh và loại hình doanh nghiệp một chủ trong Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác.

Việc đầu tiên cần làm là thay đổi thuật ngữ doanh nghiệp tư nhân thành doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, nhằm phản ánh đúng hơn bản chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, cần dành một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp cho các doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ (sau khi đổi tên theo quy định mới). Chương này sẽ quy định rõ khu vực doanh nghiệp này sẽ áp dụng các chế độ về kế toán, báo cáo tài chính theo các nguyên tắc đơn giản, chi phí thấp và các quy định pháp luật khác, phù hợp với bản chất của doanh nghiệp một chủ, thay vì họ phải tuân thủ toàn bộ các quy định giống như các công ty khác như hiện nay.

Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng sẽ quy định rõ các doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ sẽ được đăng ký ở cấp quận, huyện (thay vì tại phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh, thành phố như hiện nay), cùng cấp với nơi hộ kinh doanh cá thể hiện đang đăng ký kinh doanh.

Luật doanh nghiệp và các luật có liên quan cần tách bạch các quy định áp dụng với cá nhân kinh doanh và loại hình doanh nghiệp một chủ trong Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phân quyền về chức năng nhiệm vụ cũng như hệ thống quản lý kinh doanh trực tuyến xuống hơn 710 quận, huyện trên toàn quốc, để thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, giảm chi phí đi lại, chi phí đăng ký kinh doanh khi người dân, hộ kinh doanh đăng ký theo hình thức doanh nghiệp này.

Trong vòng 5 năm sau khi các quy định trên có hiệu lực, người dân có thể lựa chọn đăng ký thành lập theo hình thức hộ kinh doanh cá thể hoặc theo hình thức doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ theo quy định mới. Các hộ kinh doanh cá thể hiện tại không bị bắt buộc phải đăng ký lại hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp, trừ các hộ kinh doanh lớn và có rủi ro về thuế. Sau 5 năm, sẽ chỉ còn hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ để người dân lựa chọn khi đăng ký kinh doanh.

Những thay đổi này sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp. Quan trọng hơn, điều đó sẽ góp phần hỗ trợ quá trình chính thức hóa, nâng cao hiệu quả của khu vực hộ kinh doanh cá thể với các biện pháp phù hợp thực tiễn, thông lệ quốc tế và đặc điểm rất riêng của hộ kinh doanh cá thể Việt Nam.

Nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh

Nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh là gốc rễ để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu như thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam gần 40 năm trước đây dấn thân kinh doanh, lập nghiệp để mưu sinh, thoát nghèo thì thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay khởi nghiệp vì mong muốn làm giàu, vì khát vọng đổi mới sáng tạo, vươn ra thế giới với khát vọng một Việt Nam hùng cường.

Nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh là gốc rễ để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam.

Với khát vọng lớn hơn, rủi ro đi kèm cũng lớn hơn và do vậy rất cần nhiều hơn những thể chế, chính sách, và hành động nhằm tiếp tục củng cố lòng tin, tạo môi trường kinh doanh an toàn tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, doanh nhân khi khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, dấn thân vào các thị trường, vùng đất mới, với những mô hình kinh doanh, sản phẩm, công nghệ, tư duy chưa có tiền lệ.

Hơn hai năm đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh đặc biệt, Chính phủ buộc phải áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thậm chí là những chính sách chưa có tiền lệ để phục vụ mục tiêu phòng, chống dịch và hiện nay là phục hồi, phát triển kinh tế.

Nhiều giải pháp hành chính được ban hành, một mặt tạo hiệu ứng tốt cho thúc đẩy phục hồi kinh tế nhưng mặt khác cũng can thiệp nhiều hơn vào thị trường hay tạo ra những tâm lý trông chờ hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp.

Đã đến lúc tư tưởng này phải lùi lại, nhường chỗ cho việc điều hành theo nguyên tắc thị trường, lấy năng lực và khả năng sử dụng công cụ thị trường làm một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá hiệu quả chính sách và chất lượng điều hành của các cơ quan quản lý.

Chất lượng điều hành của các cơ quan quản lý cần được đánh giá bằng kết quả của mục tiêu chính sách thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành đó, bằng sự vận hành thông suốt của thị trường, bằng việc đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội, và bằng việc sử dụng nhuần nhuyễn, thành thục các công cụ thị trường thay là bằng các quyết định hành chính.

Điều đó sẽ nâng cao chất lượng quản trị công, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng tình thần kinh doanh, tinh thần doanh nghiệp và hỗ trợ một cách tốt nhất cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Nhân Dân

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Thuế rượu bia cao nhất thế giới, ta vẫn muốn tăng thêm

Thuế rượu bia cao nhất thế giới, ta vẫn muốn tăng thêm

Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.

Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá thế nào sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá thế nào sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.

Thị trường rung lắc theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Thị trường rung lắc theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?

Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia đều đồng thuận dự báo một kịch bản

Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia đều đồng thuận dự báo một kịch bản

Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?