Rolex Milgauss là một trong những chiếc đồng hồ được bán với giá cao nhất trong cuộc đấu giá đồng hồ của Phillips Auctioneers hôm 13/5 ở Geneva (Thụy Sĩ), SCMP đưa tin.
Chiếc đồng hồ này được sản xuất vào năm 1958, làm bằng thép không gỉ, được thiết kế chống lại từ trường, có mặt số tổ ong màu đen, khung bezel xoay và kim giây hình tia chớp.
“Chẳng có ai nổi tiếng mà đeo Milgauss cả. Đó là chiếc đồng hồ dành cho các nhà khoa học. Đó là chiếc đồng hồ cho dân mọt sách”, Tony Traina, biên tập viên của Hodinkee, tạp chí và nhà bán lẻ đồng hồ trực tuyến có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Mức giá chưa từng thấy
Món phụ kiện được mua lại với giá 2,24 triệu franc Thụy Sĩ (2,5 triệu USD) bởi một khách hàng tham dự đấu giá.
Mức giá này đạt kỷ lục chưa từng thấy đối với bất kỳ chiếc Milgauss nào, đồng thời gấp đôi mức ước tính 1 triệu franc Thụy Sĩ (CHF) trước khi đấu giá.
Một phiên bản tương tự được bán tại Christie's vào năm 2013 với giá 317.000 CHF, trong khi chiếc được bán tại Phillips Auctioneers năm 2022 chỉ thu được hơn 300.000 CHF.
Nhà đấu giá chiến thắng được cho là thay mặt hãng Rolex để mua chiếc đồng hồ. Thương hiệu Thụy Sĩ này từ chối bình luận thêm, SCMP đưa tin. Trên thực tế, không ít công ty đồng hồ hàng hiệu mua lại sản phẩm của mình tại những cuộc đấu giá nhằm bổ sung vào bộ sưu tập lưu trữ hoặc trưng bày bảo tàng.
Đồng hồ cho "mọt sách"
Bên cạnh đó, các nhà sưu tập đồng hồ vẫn sẵn sàng trả giá kỷ lục cho những chiếc đồng hồ Rolex cổ điển, quý hiếm trong tình trạng tốt nhất, theo Traina, cũng là người đồng dẫn chương trình podcast về những cuộc đấu giá đồng hồ và thị trường thứ cấp có tên là Significant Watches.
Rolex đã ngừng sản xuất phiên bản mới nhất của Milgauss vào tháng 3. Chiếc đồng hồ kháng từ trường này vốn được tạo ra cho những người làm việc trong phòng thí nghiệm và chưa bao giờ phổ biến như các mẫu chuyên dụng khác cùng thuộc hạng mục “Professional” của Rolex, như đồng hồ cho thợ lặn biển sâu, phi công hoặc tay đua xe hơi.
Đầu những năm 1950, các nhà khoa học tại Conseil Européen pour la Recherche Nucléaire của Geneva, nay được biết đến nhiều hơn với cái tên Cern, đã tiếp cận hãng chế tác đồng hồ và bày tỏ mong muốn một chiếc đồng hồ đeo tay cho biết thời gian chính xác ngay cả khi gặp từ trường mạnh.
Năm 1956, Rolex đã sản xuất chiếc Milgauss đầu tiên. Với lồng sắt mềm bao quanh bộ chuyển động bên trong vỏ, chiếc đồng hồ được đặt tên theo khả năng chịu được mức phơi sáng lên tới 1.000 gauss, hoặc “mille gauss” trong tiếng Pháp.