Để bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chủ động rà soát cung-cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng. Đặc biệt, tất cả các đơn vị đều chuẩn bị cho phương án cung ứng hàng hóa trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm mục tiêu cao nhất không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người dân.
Theo Bộ Công Thương, từ kinh nghiệm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân khi dịch bệnh bùng phát kéo dài thời gian vừa qua, Bộ Công Thương sẽ cùng các Sở Công Thương địa phương, các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều phương thức bán hàng thay thế trong thời gian các chợ tạm dừng hoạt động như mô hình "mang chợ ra phố"; bố trí các điểm bán hàng, xe bán hàng lưu động, các điểm bán hàng bình ổn giá, điểm bán hàng cố định, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; mô hình "siêu thị 0 đồng" để cung ứng hàng hóa và góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Tại các chợ đầu mối, khi xảy ra bùng phát dịch bệnh, chính quyền địa phương tổ chức phương án cho người dân đi chợ bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch như phát phiếu đi chợ theo ngày để giảm tần suất và kiểm soát số lượng người vào chợ, tổ chức lực lượng đi chợ hộ…
Các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như: Saigon Co.op, Satramart, Big C, Vincommerce, Mega Market, Aeon Việt Nam, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh... sẽ cùng chung tay với địa phương, bảo đảm duy trì hoạt động trong điều kiện thực hiện các biện pháp phòng dịch, giữ bình ổn giá hàng hóa thiết yếu. Các hình thức bán hàng theo combo, bán hàng trực tuyến, các "tổ đi chợ hộ", ứng dụng công nghệ giao hàng… sẽ được các doanh nghiệp vận dụng linh hoạt để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các giải pháp nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu như: Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa; phối hợp với Bộ Quốc phòng hỗ trợ về nguồn nhân lực (bán hàng, giao hàng, kho vận, tài xế); phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn phương án xử lý trong trường hợp có ca F0 tại cửa hàng, kho hàng...
Bên cạnh đó, những chương trình hàng năm sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương đẩy mạnh như: Chương trình bình ổn thị trường, chú trọng nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; kết nối cung-cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; đôn đốc các địa phương sớm có phương án mở lại chợ truyền thống khi đã kiểm soát được dịch bệnh với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung-cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Cơ quan này cũng đưa ra dự báo sức mua trong các tháng cuối năm 2021 sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất cho mùa mua sắm cuối năm
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh đang khôi phục trở lại, sức tiêu thụ hàng hóa, lương thực tại các siêu thị, chợ truyền thống đã gia tăng.
"Dự báo sắp tới nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp, đầu mối đều đã có sự chuẩn bị nguồn hàng phong phú. Đặc biệt TP.HCM đã có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông, Tây Nam Bộ sẵn sàng cung ứng hàng nông sản với giá hợp lý cho Thành phố", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, các doanh nghiệp chủ lực đều đã hoạt động sản xuất trở lại. Trong đó, nhóm sản phẩm ăn liền như bún, mì phở,… có thể đáp ứng năng lực sản xuất đến 70-80%; nhóm chế biến rau củ quả, sữa, thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm… có thể đáp ứng công suất lên 100%. Các doanh nghiệp sẽ làm việc tối đa công suất để phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất trong các tháng còn lại của năm.
Tại Hậu Giang, Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà phân phối chủ lực trên địa bàn tỉnh để chốt các phương án cụ thể chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm. Hiện nay, hàng hóa tại Hậu Giang dồi dào, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cho người dân.
Tương tự, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sở đã rà soát tình hình dự trữ hàng hóa và khả năng cung ứng hàng hoá tại các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ và có kế hoạch nguồn hàng bình ổn thị trường để đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu theo từng cấp độ dịch bệnh.
Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2022 trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.
TP. Hà Nội xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch gồm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm: Nông, lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch: Khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn.
Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, TP. Hà Nội đã có phương án sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu (các địa điểm này do UBND các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp đề xuất) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, các Sở Công Thương địa phương và doanh nghiệp nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian vừa qua nên cuối năm người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12. Các nhóm hàng mua sắm tập trung vào quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm cho trẻ em… vì nỗi lo dịch bệnh trở lại, lo ngại thiếu hụt hàng hóa hay giao hàng gián đoạn. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa trái sẽ được mua vào khoảng thời gian cận Tết hơn.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.
Những ngày qua, các cơ sở làm đẹp phun môi, phun chân mày, chăm sóc da, trị nám… tại TP.HCM đang khá nhộn nhịp nhờ các khách hàng nữ tranh thủ đi làm đẹp sớm đón Tết.
Dịp lễ Nhà giáo Việt Nam 20/11, các thương hiệu sách, hoa, quần áo, giày dép… đồng loạt tung các chương trình tri ân hấp dẫn dành cho thầy cô.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tuyệt đối không được quảng cáo thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh; không thổi phồng công dụng của sản phẩm.