Trạng thái “bình thường mới”
Năm 2022 nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới” với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. GDP dự kiến tăng 7,5% với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện. Các yếu tố nền tảng vĩ mô tiếp tục được củng cố với thặng dư thương mại cao hơn, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối. Những yếu tố hỗ trợ này có thể giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong và bên ngoài, bao gồm áp lực lạm phát cao hơn, đồng USD mạnh lên và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn so với năm 2021.
Trong bối cảnh hiện tại, TTCK nhìn chung vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với nhà đầu tư (NĐT) cá nhân. Theo CTCK Vietcombank (VCBS), kỳ vọng dòng vốn từ NĐT nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022, nhưng sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021. Nguyên nhân, mặt bằng giá CP ở giai đoạn hiện tại nhìn chung được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021, cùng với đó là sự phục hồi chung của nền kinh tế mở ra thêm lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi.
Với nhận định trên, làn sóng NĐT mới chỉ tăng nhẹ trong 2022, thậm chí giảm dần khi đạt ngưỡng bão hòa. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, chất lượng NĐT sẽ tăng cùng với số lượng tiền đổ vào thị trường.
Bởi ở thời điểm hiện tại, CK vẫn là kênh có vòng quay thanh khoản cao nhất với tất cả quy mô đầu tư từ rất nhỏ đến rất lớn. “Thế giới đã có nhiều thay đổi sau đại dịch, NĐT theo xu hướng chung sẽ chọn kênh đầu tư có vòng quay vốn nhanh và TTCK sẽ là một trong các kênh đầu tư chính trong tương lai” - chuyên gia CK Nguyễn Duy Anh chia sẻ.
Trong năm 2021, NĐT nước ngoài duy trì xu hướng bán ròng chủ đạo, với tổng giá trị bán ròng trên cả 3 sàn đạt 54.928 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với tổng khối lượng bán ròng năm 2020. Trung bình mỗi tuần khối ngoại bán ròng 1.144 tỷ đồng, chỉ mua ròng trong tháng 4 và 7-2021 tương ứng với thời điểm VN Index vượt các mốc 1.200 và 1.400 điểm. Tuy nhiên, sau chuỗi ngày bán ròng miệt mài, NĐT nước ngoài đang đứng trước áp lực giải ngân trở lại, bởi họ không thể đứng ngoài “buổi tiệc” quá hấp dẫn của TTCK Việt Nam.
Theo dự báo, nếu Việt Nam thăng hạng thị trường trong năm 2022, khả năng cao khối ngoại sẽ quay lại với quy mô cực lớn. Trong kịch bản lạc quan, giới đầu tư kỳ vọng FTSE có thể thông báo đưa TTCK Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9-2022, nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch mới trong nửa đầu năm 2022.
Thanh khoản tiếp tục đứng ở mức cao
Hệ thống giao dịch mới của HoSE được chính thức đưa vào vận hành kể từ tháng 7-2021, đã giúp gỡ “điểm nghẽn” về thanh khoản khớp lệnh. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa thanh khoản trên thị trường khó ghi nhận mức tăng bùng nổ như giai đoạn nửa cuối năm 2021. Dù vậy, xu hướng tăng trưởng về thanh khoản sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022.
Cụ thể, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được dự báo tăng nhẹ so với 2021, đạt bình quân hơn 1 tỷ CP/phiên trên cả 3 sàn, tương ứng 8-10%. Giá trị giao dịch trung bình năm 2022 được kỳ vọng tăng trưởng 17-20% so với 2021, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 28.000-30.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN Index có thể đạt mốc 1.750 điểm
Đại dịch Covid-19 đặt nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn có nhiều biến động, xét về nội tại nền kinh tế cũng như bối cảnh kinh tế trên thế giới. Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp vừa phục hồi nền sản xuất trong bối cảnh “bình thường mới”, vừa đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang dần cải tổ lại “động cơ tăng trưởng” hướng đến mục tiêu tăng trưởng thân thiện hơn với môi trường, cũng như phục vụ số đông người dân tốt hơn.
Trong bối cảnh này, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ đối diện sự biến động cao trong năm 2022, với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên. Theo đó, VBSC dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của VN Index có thể tiến đến vùng điểm số 1.580-1.600 điểm, tương đương với mức tăng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021. Còn CTCK VNdirect (VND) dự báo VN Index có thể đạt 1.700-1.750 điểm trong năm 2022.
Theo dữ liệu của Bloomberg, VN Index đang giao dịch ở mức P/E trượt 12 tháng là 16,7 lần, thấp hơn so với mức P/E hồi đầu năm 2021 ở mức 17,3 lần. Mức P/E này cộng với dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE trong năm 2022 và 2023 ở mức 23% và 19% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành xuất khẩu, dầu khí và bất động sản. Do đó, VND cho rằng định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt ở mức 13,4 lần và 11,5 lần (thấp hơn P/E trung bình 3 năm gần nhất là 16,1 lần).
Một số gợi ý đầu tư được các chuyên gia CK khuyến nghị NĐT trong năm 2022: doanh nghiệp bất động sản có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính, đồng thời có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng; ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của ngành, đặc biệt các ngân hàng có quy mô nhỏ; doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội và thích nghi “bình thường mới”; nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước là dầu khí, xi măng, khai thác và chế biến kim loại màu; các mã CP vốn hóa lớn… có thể đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của chỉ số chung trong một số giai đoạn nhất định với sóng tăng ngắn.