Giá cả leo thang từ quán phở nhỏ đến chuỗi thương hiệu lớn
Hồng Minh
12/04/2025 1:15 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều biến động,
giá cả các mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng tăng mạnh, gây áp lực lớn lên cả
doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Từ bát phở
bình dân đến ly cà phê quen thuộc, chi phí sinh hoạt ngày càng trở thành nỗi lo với nhiều người dân, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh hàng thiết yếu, trong đó có dịch vụ ăn uống đứng trước nguy cơ sụt giảm doanh thu hoặc thậm chí
đóng cửa.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Tại Hà Nội,
một quán phở ở khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai) mới đây đã thông báo tăng giá 5.000 đồng mỗi bát, đưa mức giá thấp nhất lên 40.000 đồng
và cao nhất tới 70.000 đồng. Người chủ của quán phở chia sẻ rằng
việc tăng giá là bất đắc dĩ do chi phí nguyên liệu, thuê mặt bằng và nhân viên
tăng cao. Tuy nhiên, hậu quả là lượng khách giảm rõ rệt khi người tiêu dùng thắt
chặt chi tiêu, tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn. Nếu doanh thu tiếp tục giảm, người chủ này lo lắng khó trụ được lâu dài. Trường hợp quán phở ở Linh Đàm chỉ là một góc nhỏ của bức
tranh kinh doanh mặt hàng ăn uống.
Không chỉ
các quán nhỏ lẻ, những thương hiệu lớn cũng không thoát khỏi vòng xoáy chi phí.
Chuỗi cà phê Starbucks, The
Coffee House cũng liên tục cắt giảm cửa hàng. Thậm chí gần đây, The Coffee
House đã về tay Golden Gate; VNDirect muốn thoái vốn khỏi chủ chuỗi King BBQ,
Thái Express,...
Theo
iPOS, 49,2% doanh nghiệp kinh doanh ăn uống dự kiến tăng giá trong năm 2025 để
đối phó với áp lực chi phí, nhưng đây không phải là giải pháp dễ dàng khi sức
mua thị trường đang suy yếu.
Báo cáo từ
Học viện Concepts chỉ ra rằng giá nguyên vật liệu năm 2024 tăng do lạm phát
toàn cầu, chi phí vận chuyển leo thang vì bất ổn chính trị và giá nhiên liệu biến
động. Biến đổi khí hậu cũng làm giảm nguồn cung nông sản như cà phê, đường, gạo,
đẩy giá cả lên cao. Riêng giá thịt lợn trong quý I/2025 tăng 10-15% so với cùng
kỳ năm trước do dịch bệnh, gián đoạn nguồn cung sau Tết và các quy định mới về
chăn nuôi.
Trong khi
đó, người tiêu dùng ngày càng thận trọng. Theo iPOS, mức chi tiêu phổ biến cho
bữa sáng hiện chỉ từ 21.000-30.000 đồng, bữa trưa 31.000-50.000 đồng và đồ uống
dưới 35.000 đồng. Xu hướng này khiến các quán ăn, cà phê bình dân đối mặt với sự
cạnh tranh khốc liệt từ những cửa hàng giá rẻ, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng
để thu hút khách.
Báo cáo từ
Bộ Công Thương cho
biết, thị trường hàng hóa quý I/2025 tương đối ổn định, nguồn cung
các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy
nhiên, giá một số mặt hàng như thịt lợn, bánh mứt tăng nhẹ do chi phí đầu vào.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024,
nằm trong mức kiểm soát. Dù vậy, các nhóm hàng như thực phẩm (tăng 4,19%), dịch
vụ y tế (tăng 14,4%) và nhà ở (tăng 5,11%) đang tạo áp lực lên chi tiêu của người
dân.
Tổng mức
bán lẻ hàng hóa quý I đạt 1.708.252 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ, nhưng nếu
loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng thực chỉ đạt 7,5%. Điều này phản ánh sức mua
thực tế chưa phục hồi mạnh mẽ. Trong khi đó, xuất khẩu tăng 10% và nhập khẩu
tăng 16,6%, giúp duy trì xuất siêu, nhưng biến động giá cả thế giới và chính
sách thuế quan, đặc biệt từ Mỹ, có thể tác động tiêu cực đến thị trường nội địa
trong thời gian tới.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp và người tiêu dùng?
Trước áp
lực chi phí, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần linh hoạt hơn thay vì
tăng giá đồng loạt. Theo đó cần tối ưu chi phí bằng
cách đàm phán với nhà cung cấp, điều chỉnh công thức chế biến hoặc định lượng sản
phẩm. Nếu tăng giá là không thể tránh khỏi cần áp dụng
chiến lược theo khu vực, nhóm khách hàng và nâng cao giá trị sản phẩm để giữ
chân người tiêu dùng.
Về phía
cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng,
hỗ trợ sản xuất trong nước và kiểm soát thị trường. Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày
4/4/2025 nhấn mạnh việc kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại và khuyến khích
người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Đồng thời, các địa phương được yêu cầu tăng
cường kiểm soát giá cả, ngăn chặn găm hàng và buôn lậu qua biên giới, đặc biệt
với mặt hàng thịt lợn.
Dù đối mặt
với nhiều thách thức, ngành kinh doanh ăn uống được dự báo tăng trưởng 9,6%
trong năm 2025, với doanh thu chuỗi F&B ước đạt 55.208,9 tỷ đồng, tăng
14,4% so với năm 2024. Nhu cầu trải nghiệm ẩm thực và du lịch dự kiến sẽ thúc đẩy
thị trường phục hồi. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt và chi phí vận hành
tăng cao đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược dài hơi để tồn tại và phát triển.
Với người tiêu dùng, việc
giá cả tăng là một thực tế khó tránh. Trong bối cảnh này, sự linh hoạt trong
chi tiêu và lựa chọn các sản phẩm chất lượng, giá hợp lý sẽ là chìa khóa để vượt
qua giai đoạn biến động. Còn với doanh nghiệp, cân bằng giữa lợi nhuận và sức
mua của khách hàng sẽ là bài toán quyết định sự sống còn trong năm 2025.
Giá cả leo thang không
chỉ là câu chuyện của một bát phở hay ly cà phê, mà là biểu hiện của những biến
động của tình hình kinh
tế thị trường.
Để vượt qua giai đoạn này, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cần đồng hành,
thích nghi và tìm kiếm những giải pháp bền vững hơn.
Các hãng hàng không đang gấp rút tăng tải trên nhiều đường bay từ TP.HCM, Hà Nội đến nhiều địa phương để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp 30/4-1/5.
Còn 2 tuần nữa sẽ đến kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5 và được dự báo là cao điểm du lịch nội địa. Trước nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, Bộ Xây dựng đã yêu cầu tăng chuyến, kiểm soát giá vé và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho người dân.
Tỷ phú Ray Dalio cho biết cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã đẩy nước Mỹ đến gần suy thoái — hoặc thậm chí là "điều gì đó tồi tệ hơn".
Các hãng hàng không đang gấp rút tăng tải trên nhiều đường bay từ TP.HCM, Hà Nội đến nhiều địa phương để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp 30/4-1/5.
Còn 2 tuần nữa sẽ đến kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5 và được dự báo là cao điểm du lịch nội địa. Trước nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, Bộ Xây dựng đã yêu cầu tăng chuyến, kiểm soát giá vé và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho người dân.
Tỷ phú Ray Dalio cho biết cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã đẩy nước Mỹ đến gần suy thoái — hoặc thậm chí là "điều gì đó tồi tệ hơn".