Tập đoàn Sgroup Việt Nam (đơn vị tư vấn) vừa có báo cáo khởi động đề án xây dựng Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm). Đây là 1 trong 6 nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ vừa được Quốc hội thông qua ngày 11-1.
Điểm đến đa dịch vụ
Theo Tập đoàn Sgroup Việt Nam, Trung tâm này sẽ hướng đến mục tiêu một điểm đến đa dịch vụ. Nơi đây có vai trò gắn kết 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hình thành các kho lạnh cấp vùng, bảo đảm nguyên liệu đầu vào. Khi chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm...
Nông sản ở ĐBSCL cần được tiếp sức bằng các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ để nâng giá trị Ảnh: NGỌC TRINH
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết Trung tâm dự kiến rộng khoảng 2.000 ha nằm trong quy hoạch quần thể thành phố sân bay (diện tích 10.670 ha). Thành phố sân bay được quy hoạch các khu chức năng gồm khu kinh tế, dịch vụ, trung tâm logistics hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao gắn với không gian xung quanh sân bay quốc tế Cần Thơ, đường vành đai phía Tây cũng như trung tâm công nghiệp, năng lượng tại quận Ô Môn. Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng TP Cần Thơ) đề xuất Trung tâm có vị trí nằm trong khu vực ngã ba giáp quận Ninh Kiều, Bình Thủy và huyện Phong Điền.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng cần có những ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào Trung tâm nhằm sớm giải quyết đầu ra cho nông sản, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hệ thống logistics của vùng.
Tăng giá trị cho nông sản
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn (ĐH Cần Thơ), việc thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL là một tín hiệu đáng mừng cho nông sản trong khu vực.
Ngoài ra, Trung tâm đặt ở Cần Thơ là một lợi thế khi dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ (nằm trong chính sách đặc thù cho Cần Thơ) thì phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy rất thấp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và hàng hóa cạnh tranh hơn. "Trung tâm còn giải được bài toán "được mùa, rớt giá" - PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ phân tích.
Nông sản ở ĐBSCL cần được tiếp sức bằng các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ để nâng giá trị Ảnh: NGỌC TRINH
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành liên quan khi lập quy hoạch quần thể thành phố sân bay cần xác định khu vực sản xuất, chế biến, phân phối, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết nội vùng, liên vùng. Đồng thời, kết nối với logistics hàng không, logistics cảng Cái Cui, logistics Tân Cảng Thốt Nốt và kết nối với các trung tâm quận/huyện, nhằm khai thác hiệu quả đối với các khu vực chức năng, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển TP Cần Thơ.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng đề án thành lập trung tâm, tham mưu thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án. Theo đó, dự thảo đề án trình UBND thành phố trước ngày 10-3, trình xin ý kiến Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy dự thảo đề án trước ngày 15-3 và trình xin ý kiến bộ, ngành trung ương dự thảo đề án trước ngày 30-3; hoàn chỉnh đề án trình Văn phòng Chính phủ thẩm định trong tháng 4-2022.
Liên kết trong sản xuất lẫn tiêu thụ
Tại buổi họp mặt công tác đầu năm 2022 với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Ông cho rằng cần thoát dần tư duy mùa vụ, từng năm. Ngành nông nghiệp cần có chiều dài trong tư duy, định hướng để có những chiến lược giải quyết được các vấn đề nội tại. Bên cạnh đó, cần có nền nông nghiệp xanh, bền vững. Xu thế tiêu dùng trên thế giới chính là sử dụng nông sản khi được sản xuất không có sự tác động đến môi trường.
Cần phải nhận thức rõ rằng đất đai manh mún nhưng tư duy không được manh mún. Có những loại nông sản có mặt ở nhiều tỉnh trong vùng, trùng lặp nhưng lại nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất. Vấn đề là cần có sự liên kết trong cả sản xuất và tiêu thụ. Việc phát triển thị trường, kêu gọi doanh nghiệp cần được các địa phương làm cùng lúc với việc chuẩn hóa vùng sản xuất.
Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
Tạo cơ hội việc làm ổn định
Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ khuyến khích hình thành các mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, để thiết lập mối quan hệ sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần làm tăng lượng hàng hóa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trung tâm này tạo ra cơ hội việc làm ổn định cho người lao động, góp phần giải quyết tình trạng lao động bị mất việc. Từ đó, ĐBSCL sẽ là nơi để cho người lao động trở lại sau khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
TS TRẦN HỮU HIỆP, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL:
Cần tích hợp đa giá trị
Một Trung tâm nông sản vùng với những cơ chế, chính sách vượt trội được kỳ vọng không chỉ nhằm gia tăng sản lượng nông sản xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hay giải quyết nhiều lao động, mà cần được tích hợp đa giá trị. Trung tâm nông sản không thể là "một cái chợ nông sản vùng" theo tư duy vật lý.
Câu chuyện đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản vùng như chợ gạo ở Cần Thơ, chợ trái cây ở Tiền Giang với cách làm cũ, phải chuyển đổi công năng, không mang lại hiệu quả mong muốn, cần được rút ra bài học trách nhiệm cho hiện tại.
Các cơ chế chính sách mới cũng như việc có được một Trung tâm không phải là một phép mầu giải quyết tất cả các vấn đề. Nó chỉ tập trung giải quyết những khâu quan trọng về cơ chế, chính sách.
Trung tâm này đặt tại Cần Thơ nhưng có vai trò của cả ĐBSCL, nên cần phải được phát huy không gian kinh tế với những kết nối nội vùng ĐBSCL và liên vùng với các khu vực khác trong cả nước. Xây dựng Trung tâm cần gắn với bài học về thị trường, giải bài toán thị trường, rà soát quy hoạch phù hợp với những cơ chế mới.
Ông TRẦN ANH THƯ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:
Không nên gom tất cả vào
Vấn đề lớn nhất của nông sản ở ĐBSCL là rơi vào 3 điểm nghẽn. Thứ nhất: Chi phí logistics quá cao. Chưa có quốc gia nào, vùng nào chuyên sản xuất nông sản mà có chi phí logistics cao hơn 30%-40% như vùng ĐBSCL. Đây là lý do làm giảm đi sức cạnh tranh của nông sản vùng. Điểm nghẽn thứ hai là nông sản không tập trung theo vùng chuyên canh nên sản phẩm không đồng chất, đồng cỡ.
Thứ ba mới là việc thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Khi thành lập, chúng ta đừng quá kỳ vọng vào mỗi Trung tâm này, mà phải "gỡ" cũng lúc 3 điểm nghẽn thì mới mong chuyển biến sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, nhỏ lẻ sang kinh tế nông nghiệp hàng hóa.
Đối với cây ăn trái và rau củ quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phải ngồi lại với nhau để thống nhất các vùng chuyên canh ở từng tỉnh, thành trong khu vực. Từ vùng chuyên canh đó mới đưa ra tiêu chuẩn sàn cho nông sản khi vào Trung tâm.
Trung tâm này không thể gom tất cả nông sản ở vùng vào mà chỉ tập trung cho các nhóm sản phẩm. Ví dụ, An Giang đăng ký trung tâm về lúa gạo; Bạc Liêu trung tâm về tôm; Đồng Tháp trung tâm về cá tra... Gom nông sản từ các nơi gom về Trung tâm ở Cần Thơ, sau đó đưa đến các nhà máy chế biến rồi mới xuất khẩu thì vô tình "đẻ" ra thêm cái cửa, thêm chi phí logictics nữa.
Công Tuấn - Hiệp Thủy - Ca Linh ghi
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Đặc biệt, tội phạm đánh bạc trên mạng Internet tăng 105,22%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa chốt hai phương án 2% hoặc 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) với phân bón để đại biểu Quốc hội biểu quyết chọn một phương án vào chiều nay 26/11.
Ông Lê Hồng Minh được miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và vẫn tiếp tục điều hành các hoạt động chung của VNG với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị và đại diện pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử; bảo vệ sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên chủ tịch HĐQT tại 1 ngân hàng, bị Viện Kiểm sát đề nghị tổng hình phạt 28-29 năm tù về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Từ ngày 1/1/2025, tất cả các ứng dụng ngân hàng không được có chức năng ghi nhớ mật khẩu đăng nhập tài khoản của người dùng, theo Thông tư 50 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).