Công nhân không phải mối lo lớn
Ngày 4-10 khi chính thức hoạt động sản xuất trở lại, Công ty TNHH May mặc Dony (quận Tân Bình) đã đón hơn 90% người lao động (NLĐ).
Chia sẻ với ĐTTC, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Dony, cho biết trong suốt thời gian dịch bệnh công ty vẫn tiếp tục đẩy mạnh đàm phán hợp đồng với đối tác, nỗ lực duy trì sản xuất 3 tại chỗ để hoàn thành đơn cũ, làm hàng mẫu chào đơn mới, đồng thời duy trì kết nối với NLĐ. Đến nay, khi được quay lại sản xuất bình thường, công ty đang tập trung hoàn thành nhiều đơn hàng xuất khẩu và mọi thứ đang khá thuận lợi.
Không chỉ riêng Dony, hầu hết DN ở TPHCM đều rất háo hức khi được hoạt động sản xuất trở lại, và công nhân không phải mối lo lớn kể cả với những nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may.
Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết các DN đang từng bước trở lại, lực lượng lao động tương đối đủ, những lao động di chuyển về quê trong thời gian qua chủ yếu là lao động tự do, lao động trong các ngành dịch vụ, còn công nhân trong các nhà máy có về quê nhưng số lượng không nhiều hiện cũng muốn quay lại làm việc.
Một khảo sát gần đây của nhóm hợp tác công tư ngành dệt may - da giày với khoảng vài trăm công nhân trong 2 ngành này, chỉ ra rằng 89% NLĐ di cư và 96% NLĐ địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại.
Theo một số phân tích, NLĐ ngoại tỉnh làm việc ở TP tập trung ở 4 nhóm: DN FDI, DN sản xuất ở các khu công nghiệp, DN ngoài khu công nghiệp và nhóm DN dịch vụ, thương mại. Trong đó NLĐ tại các DN FDI, DN sản xuất tương đối ổn, chế độ cho NLĐ khá tốt, tính kỷ luật cao, nên số người về quê phần lớn trong nhóm dịch vụ hoặc lao động tự do.
Nói về câu chuyện lao động hiện nay, một số DN tại TPHCM do trở lại từng bước nên chưa gọi hết lao động trở lại làm việc, chứ không phải do thiếu lao động. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Meet More (công ty sản xuất cà phê trái cây), cho biết sau khoảng thời gian giãn cách dài DN phải phục hồi từng bước từ tái cấu trúc, đến tìm kiếm lại thị trường, khách hàng...
Vì thế chưa cần quá nhiều lao động, bởi nhiều người mà không có đầu ra cho sản phẩm, DN lại gồng mình chịu nhiều khoản phí.
Lao động tương đối ổn, song điều DN sản xuất lo lắng là yếu tố an toàn. Đơn cử, ngành may hiện phần lớn DN đều được phủ vaccine ít nhất 1 mũi, thậm chí 3/4 số công nhân đi làm lại đã tiêm vaccine mũi 2. Các DN cũng đẩy mạnh tiêu chí đảm bảo an toàn trong sản xuất. Thế nhưng cũng có vài DN đã có công nhân là F0.
Tuy không quá lo ngại như thời điểm trước nhưng cũng không tránh khỏi tâm lý bất an. Bởi giai đoạn này các DN đang tăng tốc hoàn thành đơn hàng trong mùa cao điểm cuối năm.
Năm nay nhu cầu mua sắm của các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ hay châu Âu đang tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, chi tiêu cho quần áo trong mùa Giáng sinh ở Mỹ dự kiến tăng 46% so với cùng kỳ 2020. Còn tại EU, tiêu thụ quần áo tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Theo khảo sát nhanh của ĐTTC, với các DN khó khăn hiện nay vẫn là chuyện đi lại của NLĐ và chuyên gia giữa TPHCM và các tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh.
Tuy nhiên, điều DN ngán ngại nhất hiện nay là phải có kết quả xét nghiệm âm tính có hiệu lực, tức 1 tuần phải xét nghiệm 2 lần. Trong khi hiện nay nhu cầu đi lại, đặc biệt giữa các vùng giáp ranh không nhỏ, nếu xét nghiệm như vậy chi phí của DN lại tiếp tục bị đội lên, đồng thời chuỗi cung ứng nguyên vật liệu giữa các tỉnh thành chưa thể thông suốt.
Nhiều DN đề xuất việc đi lại giữa các vùng giáp ranh, như Thủ Đức (TPHCM) với Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) nên bỏ yêu cầu xét nghiệm, như trong quy định của Bộ Y tế người đủ 2 mũi vaccine không cần xét nghiệm định kỳ.
“Việc mở cánh cửa đi lại giữa các tỉnh giáp ranh TPHCM không chỉ giúp DN thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh, còn hỗ trợ NLĐ có nhu cầu trở lại TP thuận lợi hơn” - ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết.
Bên cạnh khó khăn về việc di chuyển giữa các địa phương, nhiều DN đang đau đầu về giá nguyên vật liệu tăng mạnh thời gian gần đây. Điều này sẽ khiến DN bị ảnh hưởng khi phải hoàn thành các đơn hàng đã ký, cũng như khó khăn trong việc đàm phán các đơn hàng mới ở thị trường xuất khẩu.
Còn thị trường trong nước với sức mua yếu cũng khiến DN chưa thể tăng tốc sản xuất, nâng giá bán theo đà tăng của giá nguyên liệu. Chưa kể những ngày này xăng, dầu lại tiếp tục đà tăng giá mạnh sẽ khiến DN chịu thêm gánh nặng chi phí trong thời gian tới.
Dòng tiền khó khăn nhưng chi phí lại trên đà tăng liên tiếp, nhiều DN mong mỏi nếu có thể hỗ trợ giảm phí Nhà nước nên mạnh tay hỗ trợ DN. Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giảm thu phí giao thông đường bộ ít nhất 50%, hoặc miễn thu trong thời gian 2 năm, giúp DN giảm các chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu.
Với gói hỗ trợ tiền điện, nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và DN, sẽ hỗ trợ DN giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo HUBA, với chính sách gia hạn tiền nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hầu hết DN đủ điều kiện được hưởng. Tuy nhiên, tác động hỗ trợ của chính sách này đối với việc cải thiện dòng tiền và thanh khoản rất ngắn chỉ 5-6 tháng.
Các DN mong muốn được kéo dài các khoản nộp thuế đến hết quý I-2022, giúp họ có thêm dòng tiền cho phục hồi sản xuất trong quý IV-2021.
Cái khó cần gỡ cho DN hiện nay là việc di chuyển giữa các địa phương, thay vì chỉ tập trung vấn đề thiếu lao động.