Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu và những tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về chuyển đổi mô hình phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó có mục tiêu hình thành và xây dựng các khu công nghiệp theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như các cam kết của Việt Nam về thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và mới đây nhất là cam kết về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Xu hướng tất yếu
Chia sẻ tại chuỗi hội thảo tập huấn về triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức mới đây, các chuyên gia quốc tế nêu bật xu hướng phát triển mạnh mẽ của chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu.
Ông Disk Van Beers, chuyên gia UNIDO cho biết, mô hình khu công nghiệp sinh thái là việc tạo ra các khu công nghiệp hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, có tính cạnh tranh cao hơn, hấp dẫn hơn và có khả năng chống chịu với những rủi ro cao hơn. Với mô hình này, các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa được không gian vận hành, giảm thiểu được các nguy cơ khác về kinh tế, về môi trường và xã hội. Các doanh nghiệp có thể cộng sinh sẽ được sắp xếp gần nhau để dễ dàng liên kết phối hợp, tương hỗ lẫn nhau nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và hướng đến sản xuất sạch hơn. Ðiển hình thành công của một số khu công nghiệp sinh thái trên thế giới đã làm tốt vai trò cộng sinh công nghiệp là khu công nghiệp Kwinana (Australia), khu công nghiệp Map Ta Phut (Thái Lan), khu công nghiệp Kalundborg (Ðan Mạch)...
Ông Disk Van Beers dẫn chứng: Tại khu công nghiệp Kwinana đã tạo ra 50 đơn vị cộng sinh dịch vụ hỗ trợ, 33 đơn vị cộng sinh phụ phẩm, 15 đơn vị cộng sinh tiện ích. Nhờ đó, bụi lò vôi của một doanh nghiệp trước đây phải chôn lấp vì được phân loại là rác thải thì nay được một doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp sử dụng để khử lưu huỳnh. Một doanh nghiệp sản xuất xi-măng có thể dễ dàng tìm được đầu ra nhờ hình thành mối quan hệ cộng sinh trong chuỗi cung ứng, có thể bán sản phẩm cho các doanh nghiệp xây dựng trong khu công nghiệp... Những lợi ích đó không chỉ giải quyết tốt bài toán kinh tế mà còn hướng tới những mục đích lớn hơn về bảo đảm môi trường, phát triển bền vững.
Bắt kịp xu hướng của thế giới, từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã phối hợp với UNIDO thực hiện dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Một trong những nội dung quan trọng của dự án là thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Theo đó, đến năm 2020 đã có sáu khu công nghiệp được lựa chọn để tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn và tăng cường năng lực, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng, Ninh Bình, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Cần Thơ. Các doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Từ đó tiết kiệm điện, nước, nguyên liệu hóa chất đầu vào và giảm chất thải trong quá trình sản xuất, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Thúc đẩy bằng cơ chế, chính sách
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng số khu công nghiệp được chuyển đổi hoạt động theo mô hình khu công nghiệp sinh thái trong cả nước còn quá nhỏ. Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết, đến nay cả nước có 369 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 114 nghìn ha. Trong đó có 284 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 70,2% và 85 khu công nghiệp đang xây dựng.
Bên cạnh đó còn có 26 khu kinh tế cửa khẩu và 18 khu kinh tế ven biển. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút 10.528 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 220,18 tỷ USD và 9.995 dự án đầu tư trong nước với quy mô vốn 2.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 45% đến 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Bên cạnh việc thu hút được quy mô vốn lớn bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế cũng góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp của các khu công nghiệp, khu kinh tế đã tăng từ 38% năm 2015 lên 54% vào năm 2020, từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh của các khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua đã bộc lộ rõ nhiều hạn chế, bất cập và đặt ra những yêu cầu cấp bách về vấn đề môi trường cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ðó là tình trạng nhiều khu công nghiệp sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên, chưa hoàn thành khu xử lý nước thải tập trung, làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là tình trạng thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp là một sự lãng phí lớn vì không tận dụng được lợi thế của nhau. Những hạn chế, bất cập này sẽ được khắc phục trong mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Quản lý các khu kinh tế, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thật sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước với sự hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan. Ghi nhận từ thực tiễn cho thấy quá trình xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam còn rất nhiều thách thức do thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện, thiếu bộ tiêu chuẩn đánh giá để xem xét và công nhận khu công nghiệp sinh thái.
Hiện Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NÐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có nội dung về khu công nghiệp sinh thái và các tiêu chí chuyển đổi, nhằm khuyến khích và đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu công nghiệp sinh thái trong tương lai.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.
Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.
Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ
Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?
Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?