Theo Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, với GDP ước tăng 6,42%, cao hơn cùng kỳ so sánh của năm 2020 và 2021, riêng GDP quý II/2022 tăng tới 7,72% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 10 năm qua.
Củng cố niềm tin
Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra khá đồng đều trên cả ba khu vực và ở hầu hết các tỉnh, thành, địa phương trên cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất với 7,7%, khu vực dịch vụ tăng 6,6% và khu vực nông nghiệp tăng 2,78%.
Đặc biệt, hoạt động ngoại thương có sự gia tăng mãnh liệt, với xuất khẩu đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% và nhập khẩu đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5%, tức mức tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu và cả nước vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu hàng hóa 710 triệu USD.
Ngoài ra, trong khi lạm phát cao đang là xu hướng chủ đạo hoành hành trên thế giới, mức CPI trong nước vẫn trong tầm kiểm soát, với CPI bình quân sáu tháng năm 2022 chỉ tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi kinh tế dựa trên phục hồi tổng cầu thị trường tiêu thụ trong nước, thể hiện qua mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tăng tới 11,7%, đạt trên 2.717 nghìn tỷ đồng); sự bùng nổ của và các hoạt động dịch vụ vận tải và du lịch, trong đó, vận chuyển hành khách tăng 6,2%, luân chuyển 86,2 tỷ khách, tăng 15,2% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,6% và luân chuyển 199,9 tỷ tấn.km (đơn vị khối lượng hàng hoá vận chuyển và cự ly vận chuyển thực tế), tăng 16%; thu hút khách du lịch quốc tế tăng 582,2% so cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi kinh tế cũng được thúc đẩy bởi mức tăng tổng vốn đầu tư xã hội tới 9,6% và tăng ở cả ba khu vực vốn nhà nước (tăng 9,5%), vốn ngoài nhà nước (tăng 9,9%) và vốn FDI (tăng 8,9%).
Hơn nữa, sự phục hồi kinh tế còn được khẳng định và thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới (76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6%) và quay trở lại hoạt động (40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6%); tổng vốn FDI đăng ký mới (14,03 tỷ USD) và FDI thực hiện (10,06 tỷ USD) đều tăng cao.
Đặc biệt, Việt Nam đang có cơ hội phục hồi tích cực từ cải thiện môi trường đầu tư quốc tế và tuân thủ các cam kết hội nhập, giúp cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên đã chính thức được bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (moderately free) nhờ cải thiện Chỉ số tự do kinh tế, cũng như nằm trong Khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hợp quốc.
Đồng thời, ngày 26/5 vừa qua, Việt Nam còn được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”.
Phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững
Với phương châm hành động năm 2022 mà Chính phủ xác định là “Phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững”, động lực phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước hết đến từ sự thành công của chiến lược tiêm phủ vaccine Covid-19 trên cả nước, tạo tiền đề cho sự nới lỏng và dỡ bỏ các giãn cách xã hội diện rộng kéo dài, giúp các hoạt động kinh tế trở về trạng thái bình thường trong bối cảnh mới.
Động lực tăng trưởng còn được tiếp nối và khai thác từ sự kế tục thành quả đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như nhờ xuất khẩu tăng trưởng, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế điểm đến hàng đầu Đông Nam Á về thu hút FDI, các quan hệ đối ngoại mở rộng vững chắc; chính sách tài khóa, nợ công linh hoạt và hiệu quả.
Động lực tăng trưởng kinh tế 2022 còn tiếp tục gia tăng từ sự thúc đẩy các quá trình tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực kinh tế và quản lý nhà nước đối với xã hội.
Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí...
Động lực phục hồi kinh tế năm 2022 còn được bổ sung từ thực tiễn triển khai Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua chiều 11/1/2022, với tổng quy mô gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng và quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công gắn với chống tham nhũng, lãng phí, sử dụng các nguồn lực hiệu quả và kiểm soát an toàn nợ công, lạm phát và nợ xấu, nới lỏng chính sách tiền tệ và cơ cấu lại nợ…
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, động lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022 cũng được hội tụ từ việc kích thích cả tổng cung và tổng cầu; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cả về thể chế hành chính, về tín dụng và về tài chính cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các FTA quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP.
Ngoài ra, chính sách khuyến khích các mô hình kinh tế mới và mở rộng không gian kinh tế trong nước, cũng như tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Động lực và triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 cũng tùy thuộc quan trọng vào sự ổn định chung thị trường dầu mỏ, sự cân bằng khả năng kiểm soát lạm phát thế giới với yêu cầu giữ lãi suất cơ bản, lãi cho vay tín dụng ngân hàng không tăng cao và sự cải thiện các quan hệ căng thẳng địa chính trị thế giới, nhất là sự đối đầu toàn diện giữa các cường quốc lớn cả về quân sự và kinh tế…
Về tổng thể, kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc quyết định vào sự chủ động dự báo, thông tin, giữ vững lòng tin, hài hòa lợi ích, tránh cực đoan và cứng nhắc cả trong nhận thức và trong hành động vượt qua khủng hoảng; bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp hài hòa cả bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính hai mặt của các giải pháp chính sách hỗ trợ toàn diện, thích hợp, kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp từ tất cả các cấp, ngành đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị…
Đối tác công tư (PPP) là phương thức được đề xuất cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng).
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, tương đương mức phấn đấu thực hiện năm 2024 của Chính phủ. Mức phấn đấu tới 7,5% phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động kinh tế trong năm 2025.
Nhìn về triển vọng tích cực trong năm 2025, các chuyên gia phân tích đưa ra dự báo nhóm ngành có khả năng mang lại cơ hội đầu tư tốt ngay từ thời điểm hiện tại.
Rạng sáng hôm nay 19/12 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp từ tháng 9/2024. Nhưng Fed dự kiến chỉ cắt giảm 2 lần trong năm tới, khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ tuột dốc.
Dù lãi suất huy động tăng trong những tháng cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo nhiều khả năng lãi suất huy động năm 2025 sẽ đi ngang; nếu tăng, sẽ chỉ tăng nhẹ. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay có thể vẫn duy trì ở mức thấp.
Nhiều người tin giá Bitcoin sẽ tiếp tục tăng dù hiện nay đã vượt mốc 100.000 USD. Có chuyên gia còn cho rằng Bitcoin có thể lên tới 200.000 USD trong vòng 12 tháng tới.