Thứ sáu, 20/12/2024

Dự báo tăng trưởng 2025: Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới

20/12/2024 11:26 AM (GMT+7)

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, tương đương mức phấn đấu thực hiện năm 2024 của Chính phủ. Mức phấn đấu tới 7,5% phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động kinh tế trong năm 2025.

Cơ sở cho dự báo tăng trưởng cao năm 2025

Thực tế cho thấy có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam đã chỉ ra rằng ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm 2023 một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan toả ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.

Dự báo tăng trưởng 2025: Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới - Ảnh 1.

Tàu container quốc tế làm hàng tại cảng Gemalink trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nguồn: Gemadept

Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý 3, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 7,0% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

Về lạm phát trong nước, diễn biến giá cả đang chuyển biến thuận lợi hơn từ nửa sau của năm nay. Áp lực đối với một số sản phẩm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Niño sang La Niña mang lại điều kiện thu hoạch thuận lợi hơn. Cân nhắc tất cả những điều này, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,6% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đối với năm 2025, nhóm Nghiên cứu Ngân hàng HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,0%.

Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những rủi ro được dự báo cho năm sau. Ngoài giá năng lượng toàn cầu, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt heo đã tăng cao do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo Châu Phi.

Bên cạnh đó, việc nhu cầu đối với hàng hóa có cải thiện hơn nữa hay không sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi của Việt Nam, vì các thị trường phương Tây chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Do đó, cần phải theo dõi chặt chẽ quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng ở phương Tây, theo khuyến cáo của HSBC.

Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền trong tháng 1/2025 cùng việc đảng Cộng Hoà chiếm đa số ở lưỡng viện Mỹ sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới bức tranh thương mại và kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá cụ thể những chính sách của chính quyền Trump 2.0, tuy nhiên bất kể chính sách nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới ASEAN, bao gồm Việt Nam, qua các hình thức khác nhau.

Cụ thể là các đề xuất của đảng Cộng Hòa trong quá trình tranh cử bao gồm áp dụng mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 10-20% đối với các nền kinh tế khác, theo HSBC.

Nhìn lại dữ liệu quá khứ, kể từ 2018 khi Mỹ bắt đầu áp đặt hàng rào thuế quan lên Trung Quốc, Việt Nam đã giành được thị phần đáng kể trên thị trường Mỹ. Xuất khẩu giày dép đã tăng từ 20% lên hơn 30% nhu cầu nhập khẩu của Mỹ. Quan trọng hơn, cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam tới Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt hơn 40% và 33%. Mặc dù Châu Âu là khu vực nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm này, nhưng thị trường của họ sẽ không thể hấp thụ hoàn toàn thị phần của Mỹ trong ngắn hạn.

Do đó, theo nhóm chuyên gia tại HSBC Việt Nam, các nhà xuất khẩu trong nước có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế nếu thuế quan trở thành vấn đề. Dù có thể khó chuyển sang các thị trường thay thế trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam có thể phòng ngừa rủi ro thuế quan tiềm ẩn từ Mỹ trong trung hạn đến dài hạn thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện tại, Việt Nam đã ký FTA với các đối tác thương mại lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.

Ngoài thuế quan, mối quan ngại về tỷ giá có thể tái diễn như một vấn đề đối với cơ quan điều hành. Việt Nam đã từng bị Bộ Tài chính Mỹ ghi là "quốc gia thao túng tiền tệ" tháng 12/2020 trước khi bị xóa khỏi danh sách này vào tháng 4/2021.

Dù không còn nằm trong danh sách này, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ.

Theo HSBC, việc có tên trong danh sách có ít tác động trực tiếp trong ngắn hạn nhưng có khả năng là giới chức Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại của Việt Nam. Bên cạnh các tác động từ chính sách điều hành của Fed (Cục dự trữ liên bang, tức ngân hàng trung ương của Mỹ), diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng là một những yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới.

Trong khi đó, với sự phục hồi vẫn chưa đồng đều cùng với mục tiêu tăng trưởng năm sau duy trì ở mức cao, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2025.

Chuyển đổi kép: động lực cho tăng trưởng

"Chuyển đổi kép – chuyển đổi xanh và chuyển đổi số" đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia, giúp họ hướng đến đồng thời các mục tiêu phát triển bền vững và số hóa, khai thác tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi kép này.

Dự báo tăng trưởng 2025: Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới - Ảnh 2.

Việt Nam tập trung nhiều nỗ lực cho chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Trong ảnh: Mảng xanh thiên nhiên tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM. Ảnh tư liệu

Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á cũng như thế giới, cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế này, lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển.

Điểm lại nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép để thấy động lực mới cho tăng trưởng.

Đơn cử, Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Năm 2025 sẽ là một năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm tới, chẳng hạn như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%.

Hưởng ứng những nỗ lực này, các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn.

Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư). Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh.

Theo khảo sát năm 2022 của tập đoàn tư vấn toàn cầu PwC, 40% doanh nghiệp Việt Nam đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Ngoài ra, 48,7% doanh nghiệp nói rằng cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân công bố năm 2024.

Thực tế, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để triển khai chuyển đổi kép. Thứ nhất, theo HSBC Việt Nam, những yếu tố nhân khẩu học như dân số 100 triệu với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%, gần 80% dân số sử dụng internet, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với thập kỷ trước… đã góp phần mở ra tiềm năng lớn về tiêu dùng số cho Việt Nam.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 (Google, Temasek và Bain & Company công bố tháng 11/2024), Việt Nam là một trong nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 16%. Xét về tổng giá trị hàng hóa giao dịch (gross merchandise value GMV), Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Là nước có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết, làm thế nào để nâng cao trình độ hiểu biết về chuyển đổi số của Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu, theo HSBC.

Đáng khích lệ là Chương trình chuyển đổi số quốc gia là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của Chính phủ tìm cách đóng vai trò tích cực để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Nhìn chung, số hóa mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Để tận dụng nhân khẩu học thuận lợi và đạt được tham vọng số của mình, theo nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, các khoản đầu tư cần được chuyển hướng không chỉ vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI) mà còn vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục số và cơ sở hạ tầng truyền thống.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đông Nam bộ: Dự án đường bộ lớn nhất đẩy nhanh tiến độ

Đông Nam bộ: Dự án đường bộ lớn nhất đẩy nhanh tiến độ

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, dự án giao thông rất quan trọng tại Đông Nam bộ, sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Vụ cựu cán bộ thuế nhận hối lộ: Án cao nhất 30 năm tù

Vụ cựu cán bộ thuế nhận hối lộ: Án cao nhất 30 năm tù

Hội đồng Xét xử (HĐXX) hôm nay 20/12/2024 đã tuyên án vụ nâng khống hóa đơn gây thiệt hại 14.000 tỷ. Hai cựu cán bộ thuế nhận hối lộ nhận mức án 15 năm tù.

Dự báo giá thuê văn phòng TP.HCM năm 2025 tăng mạnh

Dự báo giá thuê văn phòng TP.HCM năm 2025 tăng mạnh

Giá thuê trên thị trường văn phòng tại TP.HCM được dự báo tăng 5% trong năm 2025 nhưng lại có chiều hướng ổn định hơn từ 2026.

9 cầu bộ hành kết nối Metro 1 sẵn sàng phục vụ người dân

9 cầu bộ hành kết nối Metro 1 sẵn sàng phục vụ người dân

Đến nay, 9 cây cầu bộ hành kết nối với các nhà ga Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) đã hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân khi đi tàu.

Thêm khách hàng trúng ô tô trong chương trình "Tiết kiệm xanh cùng Pay"

Thêm khách hàng trúng ô tô trong chương trình "Tiết kiệm xanh cùng Pay"

Sau gần 3 tháng triển khai, chương trình "Tiết kiệm xanh cùng Pay" đã tìm ra tất cả chủ nhân các giải thưởng quan trọng, trong đó vừa có thêm 3 khách hàng may mắn nhất trúng VinFast VF3 và VF7 Plus.

Ngăn chặn lừa đảo: Những app của Chính phủ lần đầu tiên được xác thực trên Google Play

Ngăn chặn lừa đảo: Những app của Chính phủ lần đầu tiên được xác thực trên Google Play

Google hôm nay 20/12 công bố hai tính năng mới nhằm nâng cao khả năng chống lừa đảo và an toàn trực tuyến tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam hợp tác với Google để tăng cường bảo vệ người dùng.