Thứ năm, 14/11/2024

Điểm mặt tác nhân đẩy nền kinh tế số Việt Nam lên mốc 36 tỷ USD

12/11/2024 4:11 PM (GMT+7)

Nền kinh tế số Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng hai con số trong năm với tổng quy mô lên tới 36 tỷ USD, và thương mại điện tử là động lực chính cho kết quả này, theo 1 báo cáo kinh tế số mới nhất.

Google, Temasek và công ty tư vấn toàn cầu có tên Bain & Company vừa công bố báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 9 với chủ đề "Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á", cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 nước Đông Nam Á: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Báo cáo do Google công bố tại Việt Nam hôm nay 12/11 khảo sát 6 lĩnh vực: Thương mại điện tử, dịch vụ giao đồ ăn, vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính.

Điểm mặt tác nhân đẩy nền kinh tế số Việt Nam lên mốc 36 tỷ USD - Ảnh 1.

Quy mô nền kinh tế số Việt Nam qua các năm: 25 tỷ USD năm 2022, 31 tỷ USD năm 2023 và 36 tỷ USD năm 2024

Trong đó, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến tăng ở mức 16% tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR), chạm mốc 36 tỷ USD trong năm 2024. Báo cáo trên nhấn mạnh: Thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy kinh tế số Việt Nam tăng trưởng trong năm 2024 (18% CAGR), theo sau là ngành du lịch trực tuyến (16% CAGR).

Đáng chú ý, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến, đạt mức 14% CAGR.

Google, Temasek và Bain & Company cho biết năm 2024, thương mại điện tử đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2023, với mức GMV chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam.

Trong toàn khu vực, tăng trưởng của lĩnh vực này được thúc đẩy thần tốc bởi video thương mại (video commerce). Đây là mô hình sử dụng video trực tuyến để quảng bá sản phẩm và bán hàng. Không chỉ đóng góp vào GMV và thu hút khách hàng mới, hình thức video thương mại đã tăng nhanh trong năm qua. Dù tác động toàn bộ của video commerce trong việc giữ chân khách hàng lâu dài vẫn chưa rõ nét, mô hình này mang lại tiềm năng xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và thúc đẩy lòng trung thành lâu dài với thương hiệu.

Báo cáo do 3 công ty hàng đầu cùng thực hiện cho biết người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2023 có xu hướng mở rộng phạm vi khám phá, những từ khóa tìm kiếm không chứa tên thương hiệu chiếm 68% tổng lượng tìm kiếm, trong khi đó tìm kiếm về các thương hiệu cụ thể chiếm 32% còn lại. Các thương hiệu đang tiếp cận khán giả thông qua việc hợp tác với nhà sáng tạo nội dung ở đa dạng lĩnh vực hơn ngoài danh mục cốt lõi của họ và thậm chí nhiều nhãn hàng tự trở thành nhà sáng tạo nội dung.

Bên cạnh thương mại điện tử, du lịch trực tuyến của Việt Nam tăng đến 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 5 tỷ USD năm 2024, đóng góp đáng kể vào tổng giá trị hàng hóa (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam.

Thống kê của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy du lịch trực tuyến tiếp tục duy trì việc tạo ra doanh thu thông qua tăng tỷ lệ hoa hồng trên từng chuyến bay, trong khi đó các kênh bán lẻ trực tiếp góp phần lớn nhất vào tổng doanh thu. Sự tăng trưởng này được đóng góp bởi quá trình phục hồi du lịch của nhóm khách trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm 52% tổng chi tiêu du lịch tại Việt Nam.

Trong khi đó, người Việt cũng chi tiêu cho du lịch nhiều nhất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu du lịch nước ngoài của người Việt, tương đương 36%. Đáng chú ý, chi tiêu của du khách Việt ở nước ngoài tăng trưởng 290% kể từ nửa đầu 2020, với 58% chi tiêu dành cho mua sắm.

Ông Fock Wai Hoong, Trưởng ban Đông Nam Á, Temasek nhận định: "Nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn nhờ các yếu tố nội tại vững chắc như dân số trẻ, am hiểu công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Temasek cam kết triển khai vốn xúc tác cho nền kinh tế số của Việt Nam để đạt được tăng trưởng bền vững". Temasek là tập đoàn đầu tư tài chính quốc tế do Chính phủ Singapore sở hữu.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Năm 2024, GMV ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam trên đà chạm mốc 6 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng kép tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán đạt mức 11 tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trong mảng phát triển game tại khu vực Đông Nam Á, với đội ngũ nhà phát triển tài năng đông đảo cùng hệ sinh thái mang tính hỗ trợ, năng động góp phần đưa Việt Nam trở thành cái nôi cho sự đổi mới trong lĩnh vực game di động, theo 3 công ty hàng đầu nói trên.

Đối với thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, nghiên cứu trên khẳng định thị trường trở nên cạnh tranh hơn với các hãng xe nội địa và xe điện.

GMV của Việt Nam cho hai lĩnh vực vận tải và thực phẩm dự kiến đạt 4 tỷ USD (tăng trưởng 12%) trong năm nay. Không chỉ vậy, lĩnh vực gọi xe của Việt Nam đang trải qua thời kỳ cạnh tranh gay gắt với sự xuất hiện của các hãng xe nội địa và xe điện. Bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng dẫn đến sự rút lui của một số công ty trong khu vực.

Google, Temasek và Bain & Company cho rằng khi lĩnh vực này tiếp tục phát triển, dự kiến sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, định hình lại ngành và có khả năng đẩy nhanh sự lấn sân của xe điện.

Điểm mặt tác nhân đẩy nền kinh tế số Việt Nam lên mốc 36 tỷ USD - Ảnh 2.

Xe điện đã làm cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực gọi xe tại Việt Nam gay gắt hơn. Ảnh TL

Quan tâm về trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã được khảo sát. Theo đó, mối quan tâm và nhu cầu về AI dẫn đầu ở các khu vực đô thị tại Việt Nam, điển hình là TP.HCM và Đà Nẵng.

Theo báo cáo, TP.HCM và Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ quan tâm và nhu cầu về AI. Các lĩnh vực giáo dục, marketing và chăm sóc sức khỏe là ba ngành tạo ra nhiều lượng tìm kiếm nhất về AI tại Việt Nam. Ngoài ra, AI cũng đang đóng vai trò chuyển đổi trong sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo. Với sự phổ biến của các công cụ cùng nền tảng tạo nội dung dễ tiếp cận và sử dụng, điều này đã tạo đà cho kinh tế sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, có hơn 22% lượt tải xuống các ứng dụng di động tích hợp những tính năng AI như hiệu ứng ảnh, tạo dựng nội dung và chỉnh sửa video.

Đáng chú ý, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã công bố lộ trình kỹ thuật số đầy tham vọng, trong đó nhấn mạnh vào AI và công nghệ bán dẫn cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện các dịch vụ công.

"Cách tiếp cận chủ động này của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng kể về công nghệ số bất chấp những hạn chế trước đây trong đầu tư cơ sở hạ tầng", nghiên cứu năm nay của 3 công ty trên cho biết.

Đáng lưu ý không kém, một xã hội không tiền mặt đang nhanh chóng được hình thành tại Việt Nam, thúc đẩy bởi việc áp dụng rộng rãi các phương thức thanh toán kỹ thuật số và các sáng kiến của Chính phủ.

Trong báo cáo, Google, Temasek và Bain & Company cho biết Việt Nam đang nhanh chóng phổ biến hình thức không dùng tiền mặt. Sự phát triển của ví điện tử cùng với việc áp dụng rộng rãi thanh toán bằng mã QR đã làm giảm đáng kể các giao dịch tiền mặt. Các sáng kiến của Chính phủ đã tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán và nâng cao khả năng tương tác, khuyến khích hơn nữa việc chuyển đổi sử dụng không tiền mặt.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

TS. Đinh Thế Hiển: Thị trường bất động sản 2025 tiếp tục 'tan băng', thanh khoản phục hồi

TS. Đinh Thế Hiển: Thị trường bất động sản 2025 tiếp tục 'tan băng', thanh khoản phục hồi

TS. Đinh Thế Hiển nhận định, thị trường bất động sản 2025 tiếp tục hồi phục, rõ rệt nhất tại các thành phố lõi như Hà Nội, TP.HCM và vùng ven - những nơi mà có xu hướng tích tụ dân.

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

Ủng hộ đề xuất mở rộng nguồn đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, song, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn nếu thí điểm dùng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp để làm nhà ở thương mại sẽ tạo "cơn sốt" đất, gây rào cản cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất vào sản xuất, kinh doanh.

Temu "tung chiêu" ép khách chỉ được mua đơn hàng từ 887.000 đồng đến không quá 1 triệu đồng

Temu "tung chiêu" ép khách chỉ được mua đơn hàng từ 887.000 đồng đến không quá 1 triệu đồng

Temu bất ngờ thay đổi chính sách bán hàng ở thị trường Việt Nam, theo đó giới hạn đơn hàng từ 887.000 đồng đến không quá 1 triệu đồng

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng mạnh, đạt 97,2%

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng mạnh, đạt 97,2%

Chính phủ chỉ đạo từ nay đến cuối 2024, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia... Tập trung thực hiện các giải pháp giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy, gỡ các “điểm nghẽn”

Chính phủ yêu cầu khẩn trương đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy, gỡ các “điểm nghẽn”

Chính phủ giao Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/11

Nhiều quy định mới về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường

Nhiều quy định mới về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường, theo quy định mới của Chính phủ.