Trong báo cáo chiến lược năm 2025 với nhan đề “Kỷ nguyên mới”
do Công ty Chứng khoán SSI công bố hôm nay 9/1, công ty nhận định năm 2025 hứa
hẹn sẽ mở ra các yếu tố hỗ trợ mạnh sau thời gian dài chờ đợi và kỳ vọng thay đổi.
Nhiều động lực mới cho thị trường chứng khoán
Theo đó, kỷ nguyên mới đồng nghĩa với việc Việt Nam chuẩn bị
cho những thay đổi chưa từng thấy từ trước tới nay. Những cải cách đang được thực
thi bắt đầu từ cuối năm 2024, bao gồm thực hiện tinh gọn bộ máy Chính phủ, quyết
tâm đẩy nhanh đầu tư công vào hạ tầng, và giải quyết những vấn đề tồn đọng
trong lĩnh vực bất động sản, nếu thành công, sẽ là ba yếu tố trong nước có thể
giúp thúc đẩy tăng trưởng năm 2025, theo quan điểm của SSI.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ tăng
trưởng tốt hơn năm 2024. Ảnh: T.H.
Việt Nam đang cần vốn cho kế hoạch phát triển tổng thể trong
5 năm tới. Do đó, báo cáo chiến lược dài 120 trang nói trên cho rằng những yếu
tố này đang định hình nền tảng cho thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt được
mức tăng trong năm 2025.
“Chúng tôi tin rằng các cải cách hiện tại đang hướng tới việc
tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn ở Việt Nam, với tầm nhìn rút ngắn thủ tục
hành chính và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng”, SSI cho biết.
Dù đầu tư công là một chủ đề đã quá quen thuộc với các nhà đầu
tư, nhưng đã có những tiến triển gần đây có thể mang đến góc nhìn khác biệt so
với trước đây, theo SSI.
Đơn cử, một số dự án quy mô lớn đang được bổ sung vào danh
sách đầu tư công, bao gồm: dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM); Đường
vành đai 5 TP.HCM; Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh); Đường sắt Lào Cai - Hà
Nội - Hải Phòng; Đường sắt đô thị số 2 Hà Nội; và các dự án đường cao tốc: Hữu
Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải
Phòng, Mộc Châu - Sơn La, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Thủ
Dầu Một - Chơn Thành, Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Ngoài ra, phương thức đầu tư BT (xây dựng & chuyển giao)
sẽ được tái triển khai vào năm 2025. Điều này rất quan trọng để thu hút sự tham
gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Thêm vào đó, việc tinh gọn bộ máy sẽ giảm được chi tiêu thường
xuyên của Chính phủ và giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư công.
Đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, việc triển khai NPS
(non pre-funding solution: giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền) và
việc tái khởi động hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX trong năm 2025 sẽ là
những bước quan trọng để Việt Nam được nâng hạng lên thành “thị trường mới nổi”
từ “thị trường cận biên” và thu hút dòng vốn nước ngoài mới.
Tất cả những cải cách nói trên nhằm tối ưu hóa môi trường đầu
tư sẽ có lợi cho sản xuất và thu hút thêm dòng vốn FDI từ nước ngoài, theo báo
cáo chiến lược 2025 của SSI.
Bất động sản cũng là 1 lĩnh vực quan trọng được SSI phân tích
trong báo cáo chiến lược 2025. Công ty nhận định các chính sách hỗ trợ dự kiến
sẽ giúp tăng cường nguồn cung bất động sản đáng kể trong năm 2025, không chỉ tại
Hà Nội và TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành khác.
Chính phủ vẫn đang nỗ lực giảm thời gian cấp phép cho các dự
án bất động sản mới và giải quyết những vướng mắc pháp lý của các dự án hiện tại.
Tại Hà Nội và TP.HCM, lượng cung bất động sản có thể tăng 44%
trong năm 2025, theo ước tính của SSI. Tuy nhiên, sự hồi phục tăng giá đáng kể
của bất động sản tại Hà Nội và một số khu vực TP.HCM trong năm 2024 có thể tạm
thời khiến thanh khoản bị giảm.
Báo cáo nhấn mạnh: “Đây là yếu tố cần theo dõi vì cần phải đảm
bảo các chủ đầu tư có khả năng thu hồi vốn sau khi tung ra nguồn cung lớn mà
không tạo thêm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng”.
Môi trường chính sách có khả năng duy trì thuận lợi cho ngành
bất động sản. Trong đó, SSI cho rằng lãi suất sẽ không tăng quá nhiều từ mức hiện
tại và tăng trưởng tín dụng sẽ được đẩy mạnh với định hướng tăng trưởng tín dụng
là 16% trong năm 2025 cùng với việc dần gỡ bỏ mức trần tăng trưởng tín dụng
hàng năm.
Một yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất
động sản, đó là việc đẩy nhanh đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng sẽ giúp
hỗ trợ tăng giá bất động sản.
Thách thức thị trường chứng khoán phải đối mặt
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên mới, thuận lợi cũng đi kèm với
thách thức. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đang được
thu hút mạnh mẽ để hỗ trợ cho kế hoạch phát triển đa dạng của đất nước, xuất khẩu
cũng có thể phải đối mặt với rủi ro thuế quan cao hơn và áp lực về tỷ giá vẫn
tiếp tục.
Năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải thuế quan
cao hơn. Trong ảnh: tàu container quốc tế của hãng Maersk làm hàng tại cụm cảng
Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh TL
Đồng thời, động lực tiêu dùng trong nước, vốn đã bị ảnh hưởng
đáng kể bởi thị trường bất động sản trì trệ trong một thời gian dài, có thể cần
thêm thời gian để người tiêu dùng hồi phục niềm tin và tiêu dùng trở lại.
Vì vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam dự kiến sẽ
chủ yếu đến từ đầu tư và sản xuất, thay vì từ tiêu dùng trong ngắn hạn, theo nhận
định của SSI trong báo cáo.
Việc đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là nâng cấp cơ sở hạ tầng,
và sự phục hồi của ngành bất động sản, sẽ là hai chủ điểm đầu tư trong năm
2025.
Từ đó, báo cáo cho biết: “Đây là lý do tại sao chúng tôi lạc
quan hơn về các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở và công
nghệ thông tin trong năm nay, trong khi việc nâng hạng chứng khoán lên thị trường
mới nổi sẽ tạo động lực cho các cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngành bán lẻ tiếp tục là
ngành mà chúng tôi ưu tiên lựa chọn trong năm 2025, với kỳ vọng tiêu dùng nội địa
sẽ dần hồi phục và tăng trưởng về dài hạn”.
Dựa trên 84 công ty được SSI nghiên cứu, báo cáo của công ty
dự báo tăng trưởng lợi nhuận của thị trường ước đạt 16,4% trong năm 2025, cao
hơn mức 13,2% của năm 2024.
Với việc khởi động các cải cách mạnh mẽ đã đề cập ở trên và kỳ
vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, SSI kỳ vọng định giá thị trường sẽ không
bị điều chỉnh giảm trong năm đầu tiên của kỷ nguyên mới (tức năm 2025) và dự
báo VN-Index có thể chạm mức 1.450 điểm vào cuối năm 2025.
Dựa trên phân tích của mình, SSI khuyến nghị danh sách 10 cổ
phiếu cho năm 2025 là HPG (Tập đoàn Hòa Phát), MWG (Thế giới di động), FPT (Tập
đoàn FPT), DPR (Cao su Đồng Phú), CTD (Xây dựng Coteccons), NT2 (Điện lực Dầu
khí Nhơn Trạch 2), CTG (Ngân hàng VietinBank), TCB (Techcombank), ACV (Tổng
Công ty Cảng Hàng không Việt Nam) và KDH (Nhà Khang Điền).
Thái Lan cũng là một trong những quốc gia nằm trong top đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/6/2024 trên 14 tỷ USD.
Cổ phiếu toàn cầu tăng nhẹ vào thứ Hai trước thềm một tuần tràn ngập dữ liệu kinh tế của Mỹ, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập kỳ vọng về lãi suất, mặc dù bất ổn chính trị gia tăng đã kìm hãm mọi sự nhiệt tình đón năm mới.
Quốc hội đã phê duyệt mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791 nghìn tỷ đồng (bằng 6,4% GDP) cho năm 2025, năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025,
Thái Lan cũng là một trong những quốc gia nằm trong top đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/6/2024 trên 14 tỷ USD.
Cổ phiếu toàn cầu tăng nhẹ vào thứ Hai trước thềm một tuần tràn ngập dữ liệu kinh tế của Mỹ, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập kỳ vọng về lãi suất, mặc dù bất ổn chính trị gia tăng đã kìm hãm mọi sự nhiệt tình đón năm mới.
Quốc hội đã phê duyệt mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791 nghìn tỷ đồng (bằng 6,4% GDP) cho năm 2025, năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025,