Chủ nhật, 24/11/2024

Kỳ vọng nào cho giá cà phê nửa sau năm 2022?

06/06/2022 6:00 AM (GMT+7)

Suốt cả năm tháng trời, giá cà phê trên sàn phái sinh London bỏ đỉnh mà đi và chưa một lần quay lại. Chuyện gì đã xảy ra trên thị trường cà phê thế giới? Còn hy vọng nào cho giá cả phục hồi trên các sàn cà phê, nhất là London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu?

Kỳ vọng nào cho giá cà phê nửa sau năm 2022? - Ảnh 1.

Sau khi tăng một mạch lên mức cao nhất tính từ 11 năm vào cuối năm ngoái, giá cà phê robusta trên sàn London liền như muốn trốn chạy khỏi đỉnh ấy càng nhanh càng tốt. Mức cao nhất tính trên cơ sở giao dịch kỳ hạn tháng 7-2022 được lập vào ngày 23-12-2021 tại 2.306 đô la Mỹ/tấn đã hụp sâu xuống tận 1.990 đô la/tấn vào ngày 3-3-2022, tiếp sau đó là những bước đi loạng choạng để rồi sau năm tháng giao dịch chỉ còn lại 2.041 đô la/tấn khi đóng cửa ngày 23-5-2022.

Giá xoay quanh mức tâm lý quan trọng

Nếu như tính hiệu suất kinh doanh năm tháng đầu năm tính đến thời điểm viết bài này, giá robusta London mất 250 đô la/tấn (2.291-2.041) tương đương với giảm 10,91%, còn riêng tháng vừa qua (22/4-23/5/2022) mất 75 đô la/tấn hay giảm 2,54%. Tại New York, tuy thời điểm lập đỉnh có chệch sau vài tháng, sàn arabica cũng đi theo cách tương tự, lập đỉnh tại 258,80 cts/lb hay tương đương với 5.705 đô la/tấn thì đầu tháng 5-22, sàn này sụp nhanh về 202,45 cts/lb.

Giá cà phê thời gian qua hình như không muốn giấu giếm vùng chúng “đậu”: sàn robusta quanh 2.000 đô la/tấn và arabica 200 cts/lb, là mức tâm lý quan trọng của 2 sàn cà phê phái sinh chủ chốt trên thị trường thế giới.

Phía sau bức màn

Có thể thấy rằng rủi ro đã làm giá giai đoạn năm tháng đầu năm 2022 không thể thăng hoa chính là vì những đợt phong tỏa các thành phố lớn tại Trung Quốc và cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine. Tuy nhiên, hoạt động giá hai sàn thời gian gần đây cho thấy rằng yếu tố rủi ro này hình như đã được cấy vào giá phái sinh. Như vậy, mức 2.000 đô la/tấn của sàn London và 202 cts/lb trên sàn New York nên được xem là đáy cho giai đoạn vừa qua và trong một thời gian ngắn nữa sắp tới.

Mới đây, thị trường tiếp nhận hai dự báo về cung cầu với số liệu không mấy ủng hộ hướng tăng giá. Đó là Cục định mức thuộc bộ nông nghiệp Brazil (Conab) ước năm nay sản lượng Brazil tăng 12% so với năm trước, đạt 53,4 triệu bao (bao=60 ki lô gam). Tiếp theo là ngân hàng thương mại Hà Lan Rabobank ước lượng năm 2022 Brazil có thể đạt 64,5 triệu bao, tăng 14% so với năm trước. Như vậy, theo Rabobank, thế giới từ thiếu 5,1 triệu bao cà phê năm 2021 chuyển sang thừa 1,7 triệu bao năm 2022.

Một điều lý thú là Conab thường phát hành con số sản lượng cà phê Brazil cực kỳ thấp. Nhưng vừa qua, họ đã xác nhận cà phê năm nay của Brazil đến 12% nhiều hơn. Bất luận con số cụ thể như thế nào, thị trường có quyền tin Brazil năm nay có mùa cà phê bội thu. Mặt khác, con số được Conab thông báo thường thấp hơn các đơn vị khác chừng 10-15 triệu bao. Vậy cách biệt giữa hai con số của Conab và Rabobank càng hợp lý và đáng tin hơn để thị trường chịu lấy con số của Rabobank để làm giá, dù chỉ là tạm thời trong khi chờ dự báo từ các đơn vị khác.

Kỳ vọng nào cho giá cà phê nửa sau năm 2022? - Ảnh 2.

Diễn biến giá cà phê phái sinh robusta London, kỳ hạn tháng 7-2022 Nguồn: barchart.com

Con số sản lượng Brazil lớn, tại sao giá chưa giảm? Rất có thể giới kinh doanh đang tính đến một rủi ro khác, đó là Brazil sắp vào mùa đông, với rủi ro rét đậm rét hại tại các vùng cà phê Brazil.

Đã có một số tin đồn cho rằng rét đậm đến tại các vùng cà phê trọng điểm trong tháng 5-2022 vừa qua. Tuy nhiên, đến khi viết bài này, sương giá vẫn chưa xuất hiện nhưng nỗi lo lắng bồn chồn cho một thị trường giá tăng vì sương giá tại Brazil vẫn còn đó. Thật ra, rét hại cây cà phê tại Brazil vào thời điểm tháng 5 cực kỳ hiếm khi xảy ra. Nhưng các tin đồn này xem ra vẫn có lợi vì giúp cho người kinh doanh cà phê phải thận trọng hơn, không nên bán bừa bán khống cho đến khi mùa sương giá tan.

Cũng cần thấy rằng giá cà phê trên hai sàn phái sinh robusta và arabica dịp nửa cuối tháng 5 biến động rất mạnh. Giá dao động giữa mức thấp/cao nhất từ 50-90 đô la/tấn trên sàn London và 10-15 cts/lb trên sàn New York lặp lại nhiều ngày. Ngoài yếu tố tiền tệ, hiện tượng này có thể được giải thích là khi nghe tin có thể có rét đậm, giá tăng cực mạnh, khi thị trường biết tin ấy không đúng không chuẩn mà chỉ là tin đồn, giá rớt sâu thậm tệ.

Các tác động có thể làm thay đổi giá cà phê

Như vậy, vài tháng tới đây, giá phái sinh vẫn còn biến động từ mạnh đến rất mạnh trong từng phiên giao dịch. Có hai “biến số” quan trọng có thể làm thay đổi giá cà phê phái sinh từ nay đến cuối năm như sau: 1. Tỷ lệ tăng lãi suất điều hành đồng đô la Mỹ nhiều hay ít; 2. Yếu tố thời tiết tại Brazil.

Hai tác động này tỏ ra không tương thích mà còn triệt tiêu lẫn nhau. Vả lại, thời tiết tại các vùng cà phê Brazil nếu như có chuyện gì đó xảy ra, dù có thể mới là tin đồn, cũng sẽ kích giá hai sàn cà phê tăng mạnh. Nhưng tùy theo độ chính xác của tin thời tiết mà biến động giá có bền hay không. Kinh nghiệm hàng chục năm nay cho thấy giá dựa trên yếu tố thời tiết thường bấp bênh.

Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm tăng lãi suất điều hành đồng đô la Mỹ càng lúc càng rõ. Từ nay đến cuối năm, giới kinh doanh tài chính tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ còn tăng khoản 1,5% là ít nhất mới đủ sức khống chế lạm phát. Tăng lãi suất nhiều bao nhiêu, chi phí tài chính cho hoạt động kinh doanh càng lớn bấy nhiêu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thường dè dặt mỗi khi quyết định mua hàng, giảm trữ lâu mà chỉ mua đủ để giải quyết những hợp đồng tồn đọng.

Sau một thời gian dài dìm giá trong tháng 5-2022, sẽ có một đợt chỉnh mạnh theo hướng tăng. Tuy nhiên, giá cà phê phái sinh chỉ vượt đỉnh cũ khi thị trường xác nhận vùng cà phê Brazil bị rét hại là có thật. Nhưng có lẽ sức bật giá sẽ không quá mạnh vì họ phải luôn luôn sờ tay vào túi mình xem có đủ khả năng vay tín dụng và có đủ sức trả chi phí tài chính không. Nếu sương giá không xảy ra tại Brazil, giá sẽ đổ nhanh tìm về mức thấp. Nếu không may mất vùng đáy (1.990-2.000 đô la/tấn), giá mất thêm 100-150 đô la/tấn nữa là có thể xảy ra.

Cũng vì lẽ đó mà cần cẩn thận với giá chào xuất khẩu. Đã từng xuất hiện một số hợp đồng xuất khẩu bán với giá chênh lệch “âm” so với giá niêm yết ở mức rất thấp như trừ 400-450 đô la/tấn dưới giá London. Hiện một số nhà xuất khẩu đang hết sức chật vật để giải quyết các hợp đồng bán với giá rẻ ấy.

Càng về cuối năm, giá xuất khẩu hàng cà phê robusta chất lượng trung bình có lẽ sẽ xoay quanh mức trừ 200 đô la/tấn FOB và có lúc quay về mức lý tưởng trừ 150 đô la Mỹ/tấn một khi thị trường xuất hiện các ước báo sản lượng cà phê Brazil năm 2023, là năm mất mùa theo chu kỳ sinh trưởng cây cà phê arabica của nước này.

Khủng hoảng logistics không còn ảnh hưởng mấy lên thị trường cà phê Việt Nam vì nhiều nhà kinh doanh đã tránh đi hàng bằng container do giá cước quá cao. Phương án giao hàng bằng tàu rời đã dần ổn định với mức cước rẻ hơn nhiều.

Thị trường cà phê với tư cách hàng hóa không còn hoạt động như xưa. Độ bền tăng giá trước đây tính theo quí, theo năm thì nay theo ngày theo tuần; nói cho nhanh: rất ngắn hạn. Thị trường vốn và lãi suất bằng đô la Mỹ không cho phép trữ hàng lâu. Đó âu cũng là nguyên nhân làm giá cà phê và nhiều mặt hàng khác biến động mạnh và thất thường mà cho đến nay chưa thể đoán được lúc nào tình trạng này mới chấm dứt.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?

Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?

Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

TP.HCM tăng cường quản lý giá mặt hàng thiết yếu dịp Tết

TP.HCM tăng cường quản lý giá mặt hàng thiết yếu dịp Tết

Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra vàng miếng SJC

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra vàng miếng SJC

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.

Lại hết sạch vàng nhẫn lẫn vàng miếng

Lại hết sạch vàng nhẫn lẫn vàng miếng

Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.

Vàng giảm sức hấp dẫn, Hội đồng Vàng Thế giới tin vào dài hạn

Vàng giảm sức hấp dẫn, Hội đồng Vàng Thế giới tin vào dài hạn

Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.