Thứ ba, 03/12/2024

Lục bình trôi

11/11/2022 7:00 AM (GMT+7)

Về Cần Thơ vài bữa, dự Liên hoan Truyền hình - Phát thanh Công an Nhân dân, đúng nghĩa là được liên hoan thực sự. Bao nhiêu đồng nghiệp, bao nhiêu bạn bè quen, từ mọi miền đất nước tụ về thủ phủ miền Tây nên sau giờ làm việc là y như rằng hẹn hò nhau "kéo ghế".

Được cái lạ là không trận nào phải say, không cữ nào thấy mệt. Có lẽ nào cũng bởi thay đổi không khí, môi trường chăng? Hay vì vui quá mà quên hết cả cái mệt mỏi của những cuộc nhậu tưng bừng?

Cần Thơ thay đổi nhiều so với lần đầu tiên tôi chạm mặt thành phố 22 năm trước. Hiện đại hơn, khang trang hơn nhiều. Nhưng Cần Thơ cũng vẫn giữ được những nét cũ kỹ đáng yêu của mình. Con người thì khỏi nói, vẫn hào sảng, dễ thương như thế. Con nước thì vẫn vậy, có chăng là mùa nước nổi năm nay "tưng bừng" hơn với đợt triều cường. Công viên Lưu Hữu Phước, công viên có lẽ là duy nhất ở Việt Nam mang tên một nhạc sỹ cũng nên, vẫn như xưa; sân khấu đại học Cần Thơ vẫn còn hồn cũ, với cái hố nhạc khiến dân chơi đàn cứ nhìn vào là lại thấy bâng khuâng.

Lục bình trôi - Ảnh 1.

Trưa của bữa cuối ở Cần Thơ, những đồng đội địa phương mời đi ăn bữa cơm thân mật. Vẫn những món đơn giản, rất miền Tây như cá kho, lẩu cá… bên cạnh thố cơm và dĩa bún. Toàn những thứ tự nhiên và hồn nhiên sẵn có của vùng miền. Và có ăn bữa cơm ở Cần Thơ mới thấy lắm người hiểu lầm ẩm thực miền Tây lắm, nhất là người từ miền Bắc, miền Trung. Họ cứ mặc định cho rằng ẩm thực miền Tây ngọt quá mà thực tế đâu phải thế. Người miền Tây không nấu quá ngọt. Cái ngọt, có chăng, là những món nấu lai theo kiểu Miên mà thôi. Còn nấu theo kiểu Việt, thuần Việt, ừ thì có hơi ngọt chút xíu nhưng vẫn ở cái cữ ngon miệng thực lòng.

Và trên mâm cơm bữa trưa trong cái chòi lộng gió ven sông Hậu ấy, có một dĩa đồ xào khiến tôi ngỡ ngàng. Ấy là đọt lục bình xào tép tươi. Trời ơi, nói đúng theo giọng Nam bộ, nó phải gọi là "ngon nhức nách". Cái đọt lục bình giòn giòn, bùi bùi, ngọt rau (chứ không phải ngọt đường) sao mà bắt với mớ tép đồng tươi rói. Gắp một gắp bỏ miệng, nhấp thêm chung rượu chuối hột, không thể nào "khà" một tiếng cho quá đã được bởi phải với đũa gắp thêm gắp nữa. Và dĩa lục bình xào chẳng mấy chốc mà hết veo. Chủ tiệc cười hồn nhiên, rổn rảng chỉ xuống dòng sông "lục bình dưới đó đó anh. Muốn ăn nữa xuống cắt tiếp, xào ăn tiếp".

Lục bình trôi - Ảnh 2.

Thực sự, sống gần năm mươi năm trên đời, đấy là lần đầu tiên tôi ăn lục bình xào. Nhìn đám lục bình, hay còn gọi là bèo Nhật Bản, tôi chỉ nhớ những ngày hè thơ ấu về Đà Nẵng với ngoại. Tôi và ngoại, hai ông cháu hai cái xe đạp đi vớt bèo Nhật Bản về để băm trộn thức ăn cho gà. Chẳng bao giờ tôi nghĩ cái thứ bèo đó lại tạo ra một món ngon "nhức nách" như vậy.

Đúng là chỉ có người sông nước, người gắn liền với thiên nhiên mới có thể phát kiến ra những món ngon từ những thứ dân dã đến thế. Đó là còn chưa kể đến hoa lục bình có thể nhúng lẩu, nấu canh nữa. Bảo sao người miền Tây phóng khoáng thế. Bởi vì họ kiếm tìm được tất cả những gì ngon nhất, lạ nhất ở những thứ bình dị quanh mình. Hoặc cũng có thể nói ngược lại, bởi vì họ phóng khoáng, nên họ chấp nhận mọi thứ đơn sơ xung quanh và biến hóa chúng thành món ngon mà không phân biệt sang hèn.

Lục bình trôi - Ảnh 3.

Lại nhớ tới con cá mó miền Trung. Ngày xưa có câu "cá mú chú xơi, cá mó chó xơi", vì chẳng ai ăn cá mó cả. Nhưng giờ thì cá mó lại là món ngon, bắt mồi bắt cơm dễ sợ. Nhưng nghe nói, thú ăn cá mó của người Trung bắt đầu từ khi con cá ấy xuất khẩu được. Còn lục bình, người miền Tây ăn nó tự bao giờ, chắc không ai biết. Nhưng cũng như điên điển, hoa súng, rau đắng…, người miền Tây đưa nó vào mâm cơm, mâm cỗ một cách hồn nhiên kể từ khi họ khẩn hoang lập ấp cũng nên.

Nhẩn nha ăn lục bình, nghĩ về sự đơn sơ, chân thành của miền Tây, tôi mới giật mình. Dòng sông chảy ngang Cần Thơ là dòng Hậu Giang, chung tên một tỉnh miền Tây khác. Nó cũng giống như dòng Tiền Giang, chung tên một tỉnh, chảy ngang An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long chẳng hạn.

Lục tỉnh miền Tây ngày xưa giờ đã là 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương nhưng sự đồng nhất vẫn chưa bao giờ bị phá vỡ. Người ta chỉ nói "tôi ở miền Tây, tôi người miền Tây" là chủ yếu và nếu có nói thêm xuất xứ từ địa phương nào đi nữa, họ vẫn không có ý phân biệt mình với địa phương khác trong vùng. Có lẽ, miền Tây Nam Bộ là nơi duy nhất ở Việt Nam không có sự tự nhìn nhận nhau khác biệt giữa dân các tỉnh như những nơi khác. Miền Bắc, người Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… vẫn tự phân biệt với nhau; miền Trung, người Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vẫn có những phân biệt nhất định.

Lục bình trôi - Ảnh 4.

Các phân biệt ấy cũng có cái hay của nó, khi minh định các thuộc tính riêng của tỉnh nhưng nhiều khi, cực đoan quá, nó lại thành cái dở. Còn miền Tây, con người cũng dễ dàng mà sống như lục bình, có thể trôi từ đây qua đó, như cái cách những phận người trên ghe đi xuyên từ đây qua đó trên những con rạch, con kênh, dòng sông… Có vất vả hay không, tùy theo năm, theo mùa, họ vẫn hồ hởi với đời. Đó chính là cái chất miền Tây chung nhất, và duy nhất.

Nhấp thêm chung rượu, ăn thêm miếng lục bình xào nóng hổi vừa được tiếp thêm từ chính mớ lục bình xanh non mới được hái từ dưới sông, tiện tay tôi lại rút điện thoại. Không phải để chụp ảnh, mà để lên google kiếm tìm thông tin về lục bình. Lạ quá, trên wikipedia viết rằng lục bình du nhập vào Việt Nam từ 1905. Không biết thông tin ấy có chính xác hay không nhưng lục bình đã gắn với miền Tây như một phần không thể tách rời. Và nó ở ngay đây, dưới lòng sông, trên mâm cơm, dung dị, gần gũi như cọng rau muống của người miền Bắc, cọng rau má của người Thanh Hóa, xơ mít của người Quảng hay rau lang của người ở bất kỳ miệt nào.

Lục bình trôi, trôi tới nơi nào, nơi đó người ta cũng đều có thể tận dụng được chúng. Người còn ăn được, huống chi là gà qué, heo bò. Và xơ lục bình còn được bện thành thừng, đan thành giỏ, làm đồ thủ công mĩ nghệ. Cái phận bèo ấy mà không bèo chút nào. Lục bình cũng chẳng khác gì người cần lao vậy, đơn sơ, nhưng thực ra, góp phần rất nhiều vào đời sống xã hội hôm nay.

Ai có về miền Tây, nhớ kêu một dĩa lục bình xào tép, mà thực ra là xào tỏi cũng đủ rồi. Và nhấm nháp thêm ly rượu chuối hột như tôi. Nhớ kiếm một chỗ ngồi bên con sông. Vì ở đó, thưởng thức lục bình đúng nghĩa là dân dã nhất mà đủ đầy nhất với cả vị, cả hình ảnh lập lờ trôi và cả mùi con nước mà lẫn trong đó, chắc chắn có những góp phần của những đám lục bình.

Theo An ninh thế giới

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Hấp dẫn chợ hoa xuân Bến Bình Đông Tết Ất Tỵ 2025

Hấp dẫn chợ hoa xuân Bến Bình Đông Tết Ất Tỵ 2025

Chợ hoa xuân Bến Bình Đông Tết Ất Tỵ 2025 sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết nhờ những tiểu cảnh được thiết kế độc đáo, mang đậm sắc xuân và nét đẹp văn hóa.

Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần 4: Nhiều hoạt động đặc sắc

Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần 4: Nhiều hoạt động đặc sắc

Tuần lễ Du lịch TP.HCM năm 2024 (diễn ra từ ngày 5 - 12/12) nhằm lan tỏa tinh thần gắn kết cộng đồng với 6 hoạt động đặc sắc và đa dạng.

Nhộn nhịp khi giới trẻ nô nức chụp ảnh Tết sớm

Nhộn nhịp khi giới trẻ nô nức chụp ảnh Tết sớm

Giáng sinh vẫn chưa đến và Tết Nguyên đán 2025 còn gần 2 tháng nữa nhưng giới trẻ TP.HCM đã lên đồ đẹp để chụp ảnh Tết sớm. Những điểm check-in khắp thành phố đã rộn ràng và nhộn nhịp với những tà áo dài thướt tha.

"Vua tiêu" cùng khát vọng lan tỏa giá trị hội họa

"Vua tiêu" cùng khát vọng lan tỏa giá trị hội họa

Triển lãm "Khoảnh khắc mùa thu" của "vua tiêu" Phan Minh Thông không chỉ là hành trình khám phá nghệ thuật mà còn thể hiện niềm đam mê, tâm huyết của một nhà sưu tập, người tiên phong trong việc đưa hội họa đến gần hơn với công chúng.

Hấp dẫn mùa du lịch cuối năm, nhiều tour được tổ chức miễn phí

Hấp dẫn mùa du lịch cuối năm, nhiều tour được tổ chức miễn phí

Tuần lễ du lịch TP.HCM diễn ra đồng loạt nhiều hoạt động từ trung tâm thành phố đến các quận huyện. Đáng chú ý, năm nay, nhiều công ty lữ hành tổ chức một loạt tour khám phá TP.HCM hoàn toàn miễn phí.

Ấn tượng triển lãm ảnh chụp mặt trời bằng điện thoại của nữ doanh nhân Sài Gòn

Ấn tượng triển lãm ảnh chụp mặt trời bằng điện thoại của nữ doanh nhân Sài Gòn

Những tấm ảnh chụp mặt trời bằng điện thoại ở nhiều địa điểm, nhiều thời gian trong ngày hết sức sống động khiến khách tham quan thích thú. Chủ nhân những bức ảnh là một nữ doanh nhân, bà có niềm yêu thích chụp mặt trời bất tận.