Hai đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có những tác động rất mạnh tới thị trường tiền tệ, đặc biệt là trên thị trường 2 - thị trường liên ngân hàng.
Cụ thể, sau 2 đợt giảm lãi suất từ nhà điều hành, lãi suất cho vay chéo giữa các nhà băng đã giảm liên tục từ mức trên 6%/năm vào trung tuần tháng 3 xuống trên dưới 1%/năm hiện tại ở kỳ hạn qua đêm. Đánh dấu vùng lãi suất cho vay qua đêm thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2022 đến nay.
Việc giảm xuống mức trên dưới 1%/năm cũng khiến lãi suất cho vay qua đêm về vùng tương đương với thời kỳ “tiền rẻ” được NHNN duy trì suốt thời gian dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 - giai đoạn nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19.
Không chỉ giảm lãi suất ở các khoản cho vay chéo nhau với kỳ hạn siêu ngắn, các mức lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần trên kênh liên ngân hàng cũng đã giảm liên tục từ mức 6-7%/năm hồi tháng 3 xuống vùng 1-3%/năm hiện tại.
Lãi suất liên ngân hàng luôn là một chỉ báo quan trọng thể hiện tình trạng thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng. Việc liên tục giảm sâu và về vùng 1%/năm cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa lớn, tương tự giai đoạn năm 2020 đến giữa năm 2022.
Bên cạnh đó, việc NHNN liên tục ế vốn trên thị trường mở cũng cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống nhà băng.
Cụ thể, sau khi dừng hoạt động phát hành tín phiếu hút tiền từ trung tuần tháng 3, nhà điều hành chính sách tiền tệ vẫn duy trì công cụ mua giấy tờ có giá kỳ hạn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong nửa sau của tháng. Dòng tiền này cũng được NHNN nâng kỳ hạn từ 7 ngày lên 28 ngày để hỗ trợ thanh khoản dài hạn hơn cho các nhà băng.
Tuy nhiên, sau vài phiên giao dịch ghi nhận khối lượng thấp (khoảng vài trăm tỷ đồng/phiên), dòng vốn này của NHNN đã rơi vào trạng thái ế ẩm khi 2 tuần gần nhất không phát sinh giao dịch mới. Trong phiên gần nhất (3/4), dù đã nâng kỳ hạn bơm tiền lên 35 ngày nhưng vẫn không có ngân hàng nào tiếp nhận dòng tiền này từ NHNN.
Không chỉ những chỉ báo cho thấy các ngân hàng đang thừa tiền, chia sẻ tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý I mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cũng cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng đang có dư thừa lớn.
“Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa lớn. Điều này thể hiện qua 2 chỉ tiêu. Một là, số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN vượt xa mức dự trữ bắt buộc và diễn biến này đã kéo dài từ tháng 2 đến nay. Hai là, lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh, hiện lãi suất qua đêm chỉ còn khoảng 0,7-1,2%/năm”, ông Quang cho biết.
Chia sẻ lý do dẫn tới tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay, ông Quang cho rằng một trong những nguyên nhân đến từ việc tăng trưởng tín dụng không đạt kỳ vọng trong quý I.
Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế quý I chỉ đạt 2,06% so với cuối năm 2022, mức tăng thấp nhất 3 năm. Với mức tăng trưởng kể trên, toàn hệ thống ngân hàng đã cho vay ròng ra nền kinh tế khoảng 245.600 tỷ đồng trong quý đầu năm.
“Không thể nói ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên nhu cầu tín dụng đang rất khó khăn khiến ngân hàng khó đẩy vốn ra”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.
"NHNN đã điều tiết mua 4 tỷ USD trong quý I, đồng nghĩa bơm tiền Đồng ra để giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Còn theo Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú mức tăng trưởng tín dụng 2,06% của quý I đã không đạt kỳ vọng và đến từ nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan.
Cụ thể, trong quý I, các biến động của thị trường trong nước và thế giới đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới nhu cầu vốn tín dụng của một số doanh nghiệp, lĩnh vực chững lại. Bên cạnh đó, tín dụng tăng thấp quý vừa qua cũng do đây là giai đoạn đầu năm, nên một số dự án, hoạt động đầu tư bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Thông thường tăng trưởng tín dụng đầu năm đều thấp hơn so với các quý khác, nhưng mức tăng trưởng không đạt kỳ vọng trong quý I cũng là yếu tố để đánh giá những khó khăn của các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế hiện nay”, ông Tú cho biết.
Bên cạnh việc tín dụng tăng thấp, thanh khoản hệ thống dư thừa lớn cũng có nguyên nhân từ hoạt động mua ngoại tệ của NHNN trong quý đầu năm nay.
Theo số liệu mới được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ra "NHNN đã điều tiết mua 4 tỷ USD trong quý I, đồng nghĩa bơm tiền Đồng ra để giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản".
Tạm tính theo giá mua USD của Sở giao dịch NHNN ở mức 23.450 đồng/USD, việc nhà điều hành mua vào 4 tỷ USD tương đương với việc bơm gần 94.000 tỷ đồng ra thị trường trong quý I.
Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng cho biết hiện tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã tăng cao trở lại sau Tết Nguyên đán.
Trong giai đoạn 2020 đến giữa năm 2022 - khi lãi suất liên ngân hàng về gần 0%/năm - thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng liên tục được bổ sung tiền Đồng thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ nhà điều hành.
Theo Zing
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) vừa bày tỏ nguyện vọng tham gia những dự án đường sắt quan trọng tại Việt Nam, bao gồm cung cấp các dịch vụ và tư vấn.
Ngành đường sắt cho biết đã bán thành công hơn 62.000 vé tàu Tết sau 2 tuần mở bán. Hiện tại, vé tàu trước va sau Tết vẫn còn dồi dào.
Những HTX tiêu biểu được tuyên dương có nhiều HTX doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm. Tuy nhiên các HTX vẫn đang gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ trong quá trình sản xuất.
Ông Pawalit Ua- Amornwanit, Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam, luôn quan tâm đến chuyển động thị trường để củng cố hoạt động quản trị trong doanh nghiệp, chú trọng đến các hoạt động bền vững và có trách nhiệm với các hoạt động cộng đồng.
Cuộc thi gameshow kiến thức học sinh Olympia năm 2024, nam sinh người Huế bấm được nút giành quyền trả lời câu hỏi; chưa trả lời thì bạn đã la hét hò reo, lăn ra sàn ăn mừng chiến thắng. Dư luận có người khen nhưng cũng có người nghĩ khác.
Để phục hồi sản xuất sau bão số 3, nhiều nông dân mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn và được vay mới; khoanh nợ, giãn nợ, hoãn trả đối với những khoản vay đã bị cơn bão làm thiệt hại.