Điều này được Chủ tịch FPT Telecom - ông Hoàng Nam Tiến, cho biết tại buổi trò chuyện với chủ đề "Mặt trời ló dạng ở đâu?", trong khuôn khổ diễn đàn Vietnam CEO Forum do Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM tổ chức.
Theo ông Tiến, trong quá trình phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp của ông đang đối mặt nhiều khó khăn. Tự nhận mình là người có cái nhìn lạc quan, dí dỏm ở các buổi trò chuyện nhưng ông cho biết, doanh nghiệp vẫn thẳng thắn nhìn ra những khó khăn để tìm cách khắc phục.
Chẳng hạn, hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề. Trước đây, trung bình thời gian hàng vận chuyển về Việt Nam khoảng 3-4 tuần nhưng hiện tăng gấp đôi, lên đến 8 tuần. Đặc biệt, nhóm hàng thiết bị công nghệ cao thì không thể cam kết thời gian hàng về.
Các điều kiện nghiêm ngặt đối với chuyên gia khi vào Việt Nam hiện cũng chưa dễ, việc cách ly 2 tuần khiến chi phí tăng vọt nên các chuyên gia cao cấp cũng không vào Việt Nam.
Thứ ba, theo ông Tiến, hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển hợp đồng sang quốc gia khác, nhiều công ty khác e ngại vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp cũng đã quyết định tạm dừng hợp tác với doanh nghiệp Việt, họ đang đặt ra nhiều câu hỏi liên quan chính sách hiện nay.
Khó khăn tiếp theo, theo ông chính là thiếu hụt lực lượng lao động. Không chỉ do người lao động đổ về quê mà suốt 1 năm qua hàng nghìn người trẻ được đào tạo từ các trường đại học ra trường, đáng lẽ được cọ xát nhưng phải tạm gác.
Ông cũng nói thêm, trong nhiều trường hợp, làm online cũng không thể bù cho làm việc đối mặt trực tiếp. Từ đó ảnh hưởng tâm lý nặng nề.
Lãnh đạo FPT Telecom cũng cho hay thời gian qua, các tỉnh thành trên cả nước cách ly xã hội vì Covid-19, khi đó doanh nghiệp đối mặt tình trạng "trên thông dưới tắc".
"Nghị quyết 128 là quyết định rất mạnh mẽ khi Chính phủ hiểu rõ khó khăn của người dân, doanh nghiệp nhưng ngay lập tức có những "giấy phép con" khác. Mỗi địa phương cạnh nhau mà áp dụng khác nhau thì không người dân, doanh nghiệp nào đối phó nổi", ông Tiến thẳng thắn.
Ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài Chính của NovaGroup, cho rằng thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể mất, đứt đơn hàng giao vào tháng 12 khi đây là mùa lễ hội tại nước ngoài.
Nhưng theo ông, vẫn chưa có sự dịch chuyển cả dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI, bởi việc di chuyển cả dây chuyền này tốn rất nhiều chi phí.
Theo ông Phiên, làn sóng người lao động về miền Tây và các tỉnh phía Bắc là điều có thể thông cảm bởi hiện họ đang gặp nhiều khó khăn, có tâm lý muốn về quê. Nhưng ông cho rằng có thể 1-2 tháng tới, hoặc muộn hơn nữa là qua Tết, người lao động có thể sẽ quay trở lại Bình Dương, Long An, Đồng Nai, TP.HCM làm việc.
Ông Phiên tin việc TP.HCM đã nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10 thì thành phố cũng sẽ như chiếc lo xo bị nén sau 4-5 tháng, bật dậy và tăng trưởng mạnh.
"Dù khó khăn nhưng tôi vẫn tin "mặt trời" sẽ tới với mọi doanh nghiệp. Ánh mặt trời này sẽ đến sớm hơn với các doanh nghiệp công nghệ, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, bán lẻ và du lịch".
Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến
"Qua khúc cua này sẽ là chặng đường thẳng để chờ khúc cua tiếp theo", ông Phiên nói và ví các doanh nghiệp như "xe công thức 1", Covid-19 vừa qua như một khúc cua phải đối mặt.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng dành lời khuyên cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh hiện nay, việc quản trị doanh nghiệp thậm chí phải chuyển sang thành chỉ huy doanh nghiệp, bởi không còn nhiều thời gian như trước. Thứ hai, là công nghệ. Doanh nghiệp bắt được công nghệ khi gặp khó vẫn tiếp tục hoạt động.
Thứ ba là văn hóa doanh nghiệp. Ông cho biết giai đoạn dịch vừa qua thậm chí phải làm việc cật lực, có thời điểm số lượng người lao động F0, F1 nhiều nhưng người lao động vẫn gắn bó.
"Nếu văn hóa không tốt thì nhân viên cáo ốm ở nhà ngay", ông Tiến nói và cho rằng, cuối cùng, người lãnh đạo phải nhìn xa trông rộng, thích ứng trong bối cảnh hiện nay.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.