Tỷ phú Bernard Arnault hiểu rằng quá trình chuyển giao quyền lực có thể khiến một công ty tổn thương và chia rẽ. Trong quá khứ, chính người giàu nhất thế giới cũng từng tận dụng điểm yếu trong các doanh nghiệp gia đình khác để giành lợi thế khi thâu tóm họ.
Hiện tại, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc 73 tuổi của LVMH đang vận dụng những kiến thức đó để củng cố quyền kiểm soát của gia đình trong đế chế hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, đồng thời ngăn các con đấu đá lẫn nhau nhằm giành thừa kế. Nhiều năm qua, Arnault đã âm thầm chuẩn bị cho việc chuyển giao.
Trọng tâm kế hoạch là một công ty mới, với quyền kiểm soát chia đều cho 5 người con của người giàu nhất thế giới. Công ty sẽ có quyền tác động lên các quyết định lớn của LVMH. Đây là công cụ mà người giàu nhất thế giới kỳ vọng ngăn mâu thuẫn giữa các con và đảm bảo LVMH vẫn nằm trong quyền kiểm soát của gia đình họ thêm vài thập kỷ nữa.
Dù vậy, kế hoạch không chỉ ra liệu ai trong 5 người con của ông sẽ thay thế Arnault làm Tổng giám đốc LVMH. Arnault hiện có Delphine (47 tuổi), Antoine (45 tuổi) là con với người vợ đầu, và Alexandre (30), Frederic (28 tuổi), Jean (24 tuổi) với người vợ hiện tại.
LVMH là đế chế người giàu nhất thế giới tạo ra hồi thập niên 80 bằng cách sáp nhập nhiều công ty. Họ đang sở hữu 75 thương hiệu, từ Dom Perignon, Fendi đến Louis Vuitton và Tiffany & Co. Sức tăng trưởng nhanh, nhờ nhu cầu của thế giới lên cao, đã giúp LVMH trở thành công ty giá trị nhất châu Âu, với hơn 400 tỷ euro (433 tỷ USD).
Những đồn đoán về cuộc chiến thừa kế tại LVMH đã dấy lên tháng trước, khi Delphine được bổ nhiệm vào chức giám đốc điều hành Christian Dior Couture và Antoine làm giám đốc điều hành một công ty kiểm soát LVMH. Cả hai đều đã làm việc hàng chục năm ở LVMH. 3 người em của họ cũng đang dần tham gia sâu vào công ty, tạo ra viễn cảnh một cuộc đua quyền lực.
"Thời kỳ chuyển giao luôn là giai đoạn dễ tổn thương với các công ty gia đình", Raffi Amit – Giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton nhận định. Ông đã nghiên cứu nhiều trường hợp chuyển giao tài sản tại các công ty gia đình. "Những gia đình mà các thành viên hiểu được vai trò của họ là tạo ra tài sản, thay vì sử dụng tài sản, sẽ tồn tại lâu hơn nhiều", ông nói.
Arnault không có kế hoạch nghỉ hưu sớm. Hồi tháng 4, LVMH nâng giới hạn tuổi với các chức vụ của ông lên 80. Giới quan sát cho rằng điều này phản ánh sức khỏe và trí tuệ của Arnault vẫn còn rất tốt. Trong buổi công bố báo cáo tài chính tháng trước, Arnault vẫn rất chỉn chu và minh mẫn, né tránh các câu hỏi về sự kế nhiệm. Những người thân quen của ông cho biết Arnault có thể tiếp tục nâng giới hạn tuổi. Một số thậm chí nêu ra khả năng ông sẽ giữ các chức vụ này cho đến khi qua đời.
Arnault chưa bao giờ xem phim truyền hình Succession (Kế nghiệp) của HBO. Nhưng ông biết rất rõ các cuộc nội chiến gia tộc là nguồn cảm hứng cho series này.
Gia đình trùm truyền thông Rupert Murdoch (Mỹ) từng chứng kiến cuộc đấu đá gay gắt giữa các con trai của ông để tranh giành quyền lực. Nhà Ambani (Ấn Độ) thì rơi vào tình cảnh người cha Dhirubhai Ambani qua đời năm 2002 mà không để lại di chúc, khiến hai con trai tranh giành đế chế Reliance suốt nhiều năm. Charles Koch - một trong những người giàu nhất thế giới - cũng là người chiến thắng trong cuộc chiến thừa kế Koch Industries với 3 anh em trai năm 1967. William Koch đã bị đánh bật khỏi công ty năm 1980. 3 năm sau, Charles và David đưa William và Frederick quay trở lại, nhưng cuộc chiến pháp lý của 4 anh em còn kéo dài gần 20 năm sau đó.
Với nhà Arnault, nếu các con của ông có mâu thuẫn, việc này có lẽ vẫn được giấu kín với công chúng. Đến nay, chưa ai tỏ ra là không muốn tham gia vào công ty.
Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Arnault năm nay đã tăng gần 34 tỷ USD, lên 196 tỷ USD. Năm ngoái, Arnault đã tái cấu trúc công ty Agache của ông để duy trì quyền lực gia đình. Công ty này hiện kiểm soát Christian Dior. Christian Dior lại sở hữu 41% cổ phần LVMH. Gia đình Arnault thì sở hữu 48% cổ phần LVMH và 64% quyền biểu quyết. Điều này khiến khả năng đế chế bị bên ngoài thâu tóm gần như bằng 0.
"Điều quan trọng là những người thừa kế phải hiểu được nếu họ bất đồng, việc kinh doanh của tập đoàn sẽ chịu ảnh hưởng", Philippe Pele-Clamour – Giáo sư tại Trường kinh doanh HEC Paris cho biết. "Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn nhiều ở thế hệ sau đó nữa", ông nói thêm.
Ông chủ LVMH sẽ vẫn là người đứng đầu Agache cho đến khi công ty mới - Agache Commandite - quyết định thay thế ông. Cổ phần trong Agache Commandite sẽ được chia đều cho 5 người con. Trên giấy tờ, những người thừa kế này sẽ có quyền lực. Nhưng trên thực tế, có lẽ sẽ có điều khoản bí mật về trường hợp nào sẽ bắt đầu chuyển giao. Tức là Arnault vẫn sẽ nắm quyền lớn nhất trong thời gian tới.
Agache Commandite quy định chức chủ tịch luân phiên mỗi 2 năm, bắt đầu từ Delphine. Hội đồng quản trị 5 thành viên sẽ đảm bảo cân bằng quyền lực giữa các con của Arnault. Những quyết định chủ chốt, như sẽ làm gì với Agache sau khi người cha qua đời, hay các thay đổi chiến lược lớn ở Christian Dior và LVMH sẽ cần cả 5 người cùng chấp thuận.
Arnault vẫn thường xuyên họp với các con tại trụ sở LVMH để thảo luận về việc kinh doanh. Dù nắm quyền lực tại Agache, "một số quyết định quan trọng", như chiến lược của LVMH, bổ nhiệm hoặc sa thải thành viên HĐQT, lãnh đạo cấp cao và mức cổ tức vẫn sẽ được Arnault bàn bạc với các con thông qua Agache Commandite. Việc này sẽ kéo dài ít nhất đến hết thập kỷ tới, hoặc đến khi ông không còn là người chịu trách nhiệm chính.
Các con của Arnault cũng không được bán cổ phần trong Agache Commandite trong 30 năm mà không được cả hội đồng thống nhất. Và kể cả sau thời điểm này, chỉ những hậu duệ trực tiếp của Bernard Arnault mới được nắm cổ phần.
Trong quá khứ, chính Arnault đã tận dụng các mâu thuẫn về thừa kế để thâu tóm doanh nghiệp khác. Một hậu duệ của nhà Hermes đã gọi ông là "sói già mặc cashmere" sau khi tỷ phú thất bại trong cuôc chiến thâu tóm hãng này.
Trên thế giới không có nhiều gia đình duy trì được khối tài sản trong nhiều đời. Gia đình sở hữu tập đoàn làm nông Cargill-MacMillans - đã thừa kế đến đời thứ 5. Còn nhà Mars đến đời thứ 7.
Và kể cả khi anh em hòa hợp, công ty chưa chắc có lợi nhuận. Quỹ đầu tư Carmignac đã nghiên cứu cổ phiếu hàng trăm doanh nghiệp gia đình. Họ nhận thấy giai đoạn 2004 - 2022, các hãng này vượt trội các doanh nghiệp khác. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng sinh lời giảm dần. Có nhiều nguyên nhân cho việc này, từ việc các thế hệ sau không tái đầu tư lợi nhuận đủ lớn, đến triết lý kinh doanh thay đổi so với người sáng lập, theo nhà phân tích Obe Ejikeme.
Về mặt điều hành, các con của Arnault vẫn chưa được tin tưởng lãnh đạo những công ty đóng góp phần lớn lợi nhuận cho LVMH. Tỷ phú hiện vẫn giữ lại các phó tướng thân thiết là người bên ngoài gia đình. Trong nhiều trường hợp, họ còn đào tạo cho những người thừa kế của ông.
Doanh thu tại Louis Vuitton – thương hiệu lớn nhất của LVMH – năm ngoái vượt 20 tỷ USD. Một thập kỷ qua, thương hiệu này được điều hành bởi Michael Burke và chuẩn bị được thay thế bằng Pietro Beccari – cựu CEO Dior. Việc này được thông báo sau khi con gái Arnault – Delphine được bổ nhiệm vào vị trí của Beccari tại Dior.
"Câu hỏi hiện tại là liệu có ai trong 5 người con muốn làm CEO LVMH không. Hay là họ coi trách nhiệm của mình là giữ quyền kiểm soát tập đoàn mà không nhất thiết phải làm CEO. Có thể một trong số họ sẽ làm chủ tịch", Pele-Clamour nói.
Nếu Arnault chọn một CEO bên ngoài công ty, Antonio Belloni (68 tuổi) có thể là một lựa chọn. Ông gia nhập công ty năm 2001 và hiện là thành viên HĐQT.
"Bernard Arnault có lẽ nên chỉ định một người thay thế. Như vậy sẽ tránh được xích mích. Nhưng có vẻ ông ấy chưa vội làm điều này", Amit cho biết. Amit cho rằng điều quan trọng hiện tại là làm giảm mâu thuẫn giữa những người thừa kế.
Một số người cho rằng giữa Alexandre và Frederic - hai người tuổi sàn sàn nhau - có sự cạnh tranh. Tuy nhiên, số khác cho rằng đây là sự cạnh tranh lành mạnh, theo góc nhìn của cha họ. Arnault luôn cổ vũ các thương hiệu trong LVMH có sự cạnh tranh ở một mức độ nhất định.
"Tôi không có thương hiệu yêu thích nào cả", Arnaul trả lời khi được hỏi về thương hiệu yêu thích trong LVMH hồi tháng 10 năm ngoái. "Làm sao một người có thể nói mình thích đứa con nào hơn được", nói thêm.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.
Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.
Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ
Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?
Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?