Thứ sáu, 19/04/2024

Người gửi tiền tại ngân hàng Việt Nam được bảo vệ ra sao?

18/03/2023 8:00 AM (GMT+7)

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức duy nhất cung cấp dịch vụ bảo hiểm khoản tiền gửi của người dân tại tổ chức tín dụng, với mức trả tối đa theo quy định là 125 triệu đồng.

Ngày 10/3, Cục Bảo vệ và Đổi mới Tài chính California tuyên bố đóng cửa ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), giao Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý tài sản. FDIC nhanh chóng thành lập Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara (DINB), một ngân hàng bắc cầu, để trực tiếp xử lý các khoản tiền gửi được bảo hiểm của SVB.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của SVB ước đạt 209 tỷ USD với tổng giá trị tiền gửi lên đến 175 tỷ USD. Tuy nhiên theo các nguồn tin, tỷ lệ tiền gửi nằm ngoài diện được bảo hiểm, tức có giá trị gửi lớn hơn 250.000 USD, dao động 90-96%.

Trong thông báo hôm 12/3, các quan chức Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin J. Gruenberg cam kết đảm bảo toàn bộ tiền gửi tại nhà băng này, kể cả các khoản không được bảo hiểm. Toàn bộ người gửi được bảo hiểm được tiếp cận khoản tiền được bảo hiểm chậm nhất vào ngày 13/3.

Mặt khác, nhóm khách hàng ngoài diện được bảo hiểm sẽ nhận chứng chỉ tiếp nhận tiền gửi đối với số tiền còn lại trong khoản tiền không được bảo hiểm. FDIC dự kiến tiếp tục thanh toán cho người gửi sau khi bán tài sản của nhà băng.



Người gửi tiền tại ngân hàng Việt Nam được bảo vệ ra sao? - Ảnh 1.

Giới chức Mỹ tuyên bố bảo vệ tiền gửi cho khách hàng của SVB. Ảnh: iNews.

Bảo hiểm tiền gửi ra đời từ thế kỷ XIX

SVB là ngân hàng đổ vỡ đầu tiên trong năm nay, đồng thời là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai lịch sử Mỹ nếu xét về quy mô tài sản lẫn tiền gửi. Nếu không ngân hàng nào đứng ra mua lại, tiếp nhận tài sản lẫn nghĩa vụ nợ, FDIC sẽ là tổ chức đứng ra giải quyết các khoản tiền gửi trong ngân hàng.

Bảo hiểm tiền gửi là cam kết công khai của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia về việc trả tiền gửi cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bị chấm dứt hoạt động và không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền.

Trên thực tế, bảo hiểm tiền gửi được phát triển rất sớm ở Mỹ. Hình thức này lần đầu tiên công khai với tên gọi “Chương trình bảo hiểm trách nhiệm ngân hàng” và áp dụng tại New York vào năm 1829. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trách nhiệm trong chương trình đề cập đến tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ huy động tiền gửi.

Giai đoạn năm 1831-1858, các bang gồm Vermont, Indiana, Michigan, Ohio và Iowa cũng bắt đầu thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi với sự tham gia tự nguyện của các ngân hàng. Hệ thống hướng tới mục tiêu bảo vệ cộng đồng khi có ngân hàng đổ vỡ, bảo vệ người gửi tiền cá nhân và người giữ các công cụ huy động tiền gửi.



Người gửi tiền tại ngân hàng Việt Nam được bảo vệ ra sao? - Ảnh 2.

Bà Lydia Lobsiger là người đầu tiên được FDIC giải ngân khoản bảo hiểm tiền gửi sau vụ sụp đổ của ngân hàng Fond Du Lac. Ảnh: UPI.

Trong những năm 1920 và đầu năm 1930, làn sóng phá sản của các ngân hàng tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc gia và khiến nhiều người Mỹ mất sạch tiền tiết kiệm.

Năm 1933, chính phủ Mỹ quyết định thành lập FDIC. Tổ chức bắt đầu hoạt động vào ngày 1/1/1934 và trở thành mô hình bảo hiểm tiền gửi công khai đầu tiên trên thế giới.

Giai đoạn 1929-1933 khi FDIC chưa xuất hiện, nước Mỹ chứng kiến 4.000 vụ đổ vỡ ngân hàng. Kể từ thời điểm thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi, con số này vào năm 1934 chỉ ghi nhận 9 trường hợp. FDIC cũng tuyên bố không người gửi tiền nào mất một xu trong số tiền được bảo hiểm vì ngân hàng đổ vỡ.

Nếu không xét đến giá trị đồng USD, hạn mức bảo hiểm tiền gửi tại Mỹ đã tăng 100 lần. Số tiền được bảo hiểm tiêu chuẩn hiện nay là 250.000 USD cho mỗi người gửi tiền, mỗi ngân hàng được bảo hiểm và mỗi loại tài sản sở hữu. Người gửi tiền cũng không phải mua bảo hiểm do trách nhiệm này thuộc về ngân hàng tham gia.

Các ngân hàng Việt Nam có tham gia bảo hiểm?

Tác dụng của bảo hiểm tiền gửi lan tỏa nhanh chóng và được hàng loạt quốc gia trên thế giới đón nhận, ví dụ như Nhật Bản thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi vào năm 1971, Hàn Quốc vào năm 1996, Philippines vào năm 1963, Đài Loan vào năm 1985, Indonesia vào năm 2005.

Tại Việt Nam, Điều 17 Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 đã trở thành cơ sở để thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Theo đó điều này quy định “Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn tiền gửi hoặc bảo hiểm tiền gửi”.

Cuối năm 1999, Chính phủ ký Quyết định 218/1999/QĐ-TTg thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng và đóng góp vào việc nâng cao niềm tin của công chúng. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến nay là tổ chức duy nhất triển khai hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam.

Đây là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, với nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ bảo hiểm các khoản tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm. Tổ chức hoạt động bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.



Người gửi tiền tại ngân hàng Việt Nam được bảo vệ ra sao? - Ảnh 3.

Các ngân hàng đóng phí 0,15%/năm tính trên toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Hà.

Chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quy định. Tổ chức cũng được miễn nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng là người quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Hàng năm, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam một khoản phí bằng 0,15%/năm tính trên toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia. Mức phí này được áp dụng kể từ thành lập tổ chức đến nay.

Theo Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 và Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP, các tổ chức phải tham gia bảo hiểm tiền gửi gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng Đồng Việt Nam. Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng Đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm dưới hình thức có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp tiền gửi của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó hay là thành viên HĐTV, HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc…

Trước ngày 12/12/2021, Điều 3 Quyết định 21/2017/QĐ-TTg quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một ngân hàng tối đa là 75 triệu đồng. Tuy nhiên từ thời điểm đó trở đi áp dụng Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, tức số tiền tối đa công ty bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Trên thực tế dù Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cho phép ngân hàng, các tổ chức tín dụng yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận bất cứ ngân hàng nào rơi vào tình trạng này. Mặt khác, cơ quan quản lý thường áp dụng phương án xử lý ngân hàng yếu kém thông qua nghiệp vụ kiểm soát đặc biệt hoặc mua lại bắt buộc.

Theo Zing

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Cổ phiếu tăng phi mã, tài sản của gia đình Cường Đô La tăng gần 1.360 tỷ đồng sau 1 tháng

Cổ phiếu tăng phi mã, tài sản của gia đình Cường Đô La tăng gần 1.360 tỷ đồng sau 1 tháng

Cổ phiếu QCG đã tăng phi mã tới 89%, từ mức 9.160 đồng/CP lên tới 17.350 đồng/CP. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, tài sản của gia đình Cường Đô La đã tăng gần 1.360 tỷ đồng, lên hơn 2.880 tỷ đồng.

Lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện, VN-Index giảm tới hơn 23 điểm

Lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện, VN-Index giảm tới hơn 23 điểm

Sát giờ nghỉ trưa, VN-Index có thời điểm giảm sâu tới hơn 23 điểm khi lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện.

Quý đầu năm, kiều hối về TP.HCM hơn 2,8 tỷ USD

Quý đầu năm, kiều hối về TP.HCM hơn 2,8 tỷ USD

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của kiều hối trong 3 năm gần đây.

Giá vàng bật tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, vượt 84 triệu đồng/lượng

Giá vàng bật tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, vượt 84 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay (19/4) đã đảo chiều tăng trở lại do lo ngại rủi ro địa chính trị, nhà đầu tư cũng tăng nhu cầu trú ẩn với vàng.

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (19/4): Vì sao cổ phiếu "quốc dân" HPG có tiềm năng tăng giá tới 21%?

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (19/4): Vì sao cổ phiếu "quốc dân" HPG có tiềm năng tăng giá tới 21%?

Ngành thép kỳ vọng đi vào hồi phục từ năm 2024 nhờ sự ấm dần lên của ngành bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công. Từ đó, SHS đặt giá mục tiêu của HPG là 34.300 đồng trong vòng 12 tháng tới, tiềm năng tăng giá 21% (giá hiện tại của cổ phiếu này là 28.000 đồng).

Thị phần môi giới chiếm 9,32%, công ty của ông Nguyễn Duy Hưng báo lãi quý I tăng 53%

Thị phần môi giới chiếm 9,32%, công ty của ông Nguyễn Duy Hưng báo lãi quý I tăng 53%

SSI ước doanh thu hợp nhất đạt 2.022 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 945 tỷ đồng, tương ứng tăng 36% và 53% so với quý I/2023.