Hồi đó, cụm từ “tham ô”, “tham nhũng” không hề thấy xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người Hà Nội sinh hoạt trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề. Từ cây kim, sợi chỉ, đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm đều khan hiếm. Mọi vật dụng đều trở nên quý giá, đôi khi có tiền cũng không mua được vì Nhà nước quản lý theo chế độ tem phiếu, phân phối, nhưng chẳng ai kêu ca phàn nàn. Tất thảy đều vô tư, trong sạch với lòng tự trọng và danh dự, dù là người dân hay cán bộ cơ quan công quyền. Công nhân lao động ở nhà máy, xí nghiệp đều chấp hành các chính sách, nội quy nghiêm ngặt, không có ai mảy may ý định tơ hào, vụ lợi tài sản Nhà nước làm của riêng.
Lương tâm không cho phép làm sai
Ông bạn thân Lê Kế của tôi hồi ấy là giáo viên. Đến ngày cưới vợ, vì không muốn dùng thiếp mời in sẵn ngoài chợ, anh bèn nhờ một người bạn họa sĩ viết thiếp bằng bút sắt và trang trí họa tiết bằng màu nước. Trước đó, anh đã phải lên cửa hàng văn phòng phẩm ở phố Tràng Tiền mua 20 tờ giấy Roki (gần giống như giấy A4 bây giờ, nhưng giày hơn). Sau khi cắt cắt, xén xén để làm thiếp mời, đến phút chót thì mới thấy thiếu 5 tờ, anh lại đạp xe từ nhà lên Tràng Tiền xếp hàng mua tiếp. Ai dè đến lượt mình thì người ta báo hết giấy Roki, chỉ còn loại giấy phấn khổ to mà mỏng. Cực chẳng đã anh đành quay về hỏi ý kiến anh bạn họa sĩ. Ngờ đâu người thiết kế lại kỹ tính, nhất định không chấp nhận làm thiếp mời bằng 2 loại giấy. Anh tiếp tục cất công lên phố tìm đến các cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm ngoài luồng ở Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt để tìm mua đúng loại giấy Roki nhưng đều không có.
Đêm đó, anh Kế mất ngủ vì ngày cưới đã cận kề. Đang vắt tay lên trán thì anh chợt nhớ ra nhà trường vẫn còn một cuộn giấy Roki to để phát cho các lớp làm báo tường, mà anh lại là người giữ chìa khóa văn phòng. Một ý tưởng lóe lên, sáng mai anh sẽ đến trường sớm rồi rút vài tờ, ai mà phát hiện được. Nghĩ đến đấy anh an tâm rồi cứ thế ngủ thiếp đi. Nhưng sáng hôm sau đứng ở cổng trường, ý định “tham ô” mấy tờ Roki trở nên nặng nề. Anh Kế bảo: “Tự nhiên tôi thấy xấu hổ. Mình là một nhà giáo đứng trên bục giảng dạy học sinh “giấy rách phải giữ lấy lề”, không được tơ hào những gì không phải của mình, vậy mà bản thân mình lại làm thế này. Thật đáng hổ thẹn”.
Khi lòng tự trọng lên tiếng
Tôi cũng có ông anh từng là y sĩ đơn vị chống sốt rét của Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội (tiền thân của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). Cơ quan thường cử anh đi cùng các đoàn lên vùng sâu, vùng xa đồng bào dân tộc ít người để tuyên truyền, phun thuốc diệt muỗi Anopheles. Các thiết bị phun thuốc và hóa chất diệt muỗi ngày đó đều do Liên Xô (cũ) viện trợ và chuyển giao cho ngành y tế dự phòng Việt Nam, trong đó có hàng trăm bình bơm thuốc, mỗi bình lại kèm theo 1 chiếc bơm bằng kim loại rất đẹp (kiểu như bơm xe đạp). Hàng được cất giữ ở căn phòng rộng trong cơ quan, anh tôi lại là người giữ chìa khóa. Cơ quan hồi ấy không có thủ kho và cũng chẳng ai quản lý thiết bị vật tư chuyển về. Anh bảo: “Nhìn những chiếc bơm thuốc muỗi bằng kim loại sáng loáng đẹp đẽ, trong đầu đã nảy ý định lấy 1 chiếc mang về nhà làm bơm xe đạp để mỗi sáng đi làm đỡ phải ra lão Cổn đầu ngõ bơm xe mất béng 2 hào”. Nghĩ sao làm vậy. Cuối tuần cơ quan vắng vẻ, anh liền “thủ” ngay chiếc bơm rồi lấy vỏ bao xi măng bọc vào. Nhìn trước ngó sau không có ai, anh buộc chiếc bơm vào sau xe đạp rồi chở về nhà.
Thế nhưng có được cái bơm rồi thì cả đêm hôm ấy anh mất ngủ. “Là cán bộ, lại là đảng viên, việc làm của mình dù không ai biết nhưng cũng tự xấu hổ vì lấy của công”. Nhưng điều làm anh áy náy nhất là mỗi bình phun thuốc muỗi luôn phải kèm theo chiếc bơm mới sử dụng được. Không có bơm thì coi như bình phun mất tác dụng. Những đứa trẻ trong nhà thấy có chiếc bơm đẹp chưa từng gặp bao giờ liền phấn khích lôi ra bơm xe. Nhìn cảnh ấy, anh dằn vặt suốt cả ngày chủ nhật, rồi sáng hôm sau lặng lẽ đi làm sớm hơn mọi ngày. Chiếc bơm lại được buộc vào phía sau xe và bí mật quay về chỗ cũ.
Sai phạm nhỏ, ảnh hưởng lớn
Còn chuyện nữa tôi vẫn nhớ như in là chị Sen ở xí nghiệp cũ của bạn tôi. Chị từng là công nhân xây dựng và ở trong khu tập thể xí nghiệp. Căn buồng chị được phân chừng hơn 10m2 nhà cấp 4, đôi vợ chồng cùng 2 đứa con nhỏ chen chúc trong đó. Nền nhà trước láng xi măng, sau bị bong tróc nhiều chỗ trơ cả đất, tường thì xây bằng gạch xỉ. Hàng ngày đi làm chị mang theo cặp lồng nhôm đựng cơm cho bữa trưa. Công việc của chị là trộn vữa, vôi, xi măng, cát. Mỗi khi tháo bao xi măng, chị thường mắt trước mắt sau vốc vài vốc xi măng gói vào giấy rồi giấu sau đống gạch. Chờ tan giờ làm chị sẽ đổ gói xi măng vào cặp lồng cơm rồi cho vào làn mang về nhà. Ngày nào cũng vậy, cuối cùng chị đã tích được số xi măng kha khá đủ để sửa lại nền nhà đã hư hỏng.
Từ khi nền nhà được láng lại, căn buồng của chị đã sạch sẽ, đẹp đẽ hẳn lên, nhưng cũng vì thế mà nó không tránh khỏi những con mắt tò mò của các gia đình sống cùng dãy tập thể. Và việc gì đến ắt phải đến. Nhận được báo cáo của một gia đình hàng xóm về nghi vấn xi măng láng nền nhà của chị Sen là tham ô từ công trường mang về, lãnh đạo xí nghiệp liền gọi ngay chị Sen lên để tường trình về việc nguồn gốc chỗ xi măng lấy từ đâu ra. Cũng cần nói thêm rằng, ngày ấy xi măng là mặt hàng Nhà nước quản lý chứ không được bán tự do. Chỉ cơ quan, xí nghiệp có giấy giới thiệu kèm theo công văn xin sửa chữa, tu bổ công trình mới được lệnh xuất kho. Cuối cùng chị Sen cũng không giấu được mà phải tường trình toàn bộ về vụ lấy trộm xi măng và sau đó phải làm kiểm điểm.
Thời ấy, ai cũng sống và làm việc theo pháp luật. Dù khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng tính tự giác của mỗi người rất cao. Chẳng ai dám và nỡ xâm phạm của công, dù là giá trị vật chất rất nhỏ. Trong lý trí mỗi người đều mặc định, tham ô chính là ăn cắp, mà chẳng ai muốn mang tiếng xấu dù chỉ mỗi mình biết mình là kẻ xấu cũng vậy.
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.