Hiện có đến 30% lượng chai LPG của các thương hiệu đang bị thu giữ, chiếm đoạt, thậm chí bị huỷ hoại trái phép. Do vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên có quy định siết chặt hoạt động kinh doanh khí, nhằm ngăn chặn những đối tượng làm ăn không chân chính, đồng thời nên có quy định doanh nghiệp không có chai LPG thì không được phép kinh doanh.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam đánh giá, Nghị định 87 về kinh doanh khí đang nới lỏng điều kiện được cấp phép của các doanh nghiệp trong nhiều thành phần khi tham gia thị trường khí, dẫn tới những doanh nghiệp không đầu tư bài bản, không vì quyền lợi người tiêu dùng đã trục lợi, vi phạm pháp luật nhằm thu lợi ích riêng.
Do vậy, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam đề xuất, khi cấp phép kinh doanh khí cần xem lại năng lực của doanh nghiệp, tránh tình trạng “tay không" - tức là không sở hữu chai mà chỉ thuê, là doanh nghiệp có thể kinh doanh được khí.
Thời gian tới, các doanh nghiệp khí đề nghị sửa đổi Nghị định 87 theo hướng tăng cường vai trò quản lý cơ quan nhà nước đảm bảo thị trường phát triển công bằng hiệu quả, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp làm ăn chân chính và có chế tài loại bỏ doanh nghiệp vi phạm pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật làm nhiễu loạn thị trường. Trong đó cần cân nhắc tới việc xử lý hình sự các đối tượng vi phạm để phát triển thị trường lành mạnh, tạo niềm tin kinh doanh trong và ngoài nước. Theo đó, ông Bình cho rằng, nên chăng cần có quy định doanh nghiệp sở hữu chai thì mới được kinh doanh khí.
Ông Đỗ Trọng Hiếu, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ, thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số vấn đề nổi cộm, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ khí, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng. Theo thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện nay có đến 30% lượng chai LPG của các thương hiệu đang bị thu giữ, chiếm đoạt, thậm chí bị hủy hoại trái phép.
Các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, trạm chiết nạp LPG vào chai chưa có quy định cụ thể trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG nên khó kiểm soát hoạt động kinh doanh.
Thêm vào đó, ông Hiếu cũng chỉ ra còn tồn tại một số loại hình thương nhân kinh doanh LPG đang hoạt động trên thị trường nhưng chưa được điều chỉnh trong Nghị định 87, một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân như: thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh mua bán khí.
Đồng thời, quy định về thuê chai LPG, nhãn hiệu hàng hóa chai LPG đã và đang gây cản trở cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng chống các hành vi gian lận thương mại, chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu LPG chai… gây mất an toàn cho người tiêu dùng và tạo sự bất ổn trên thị trường khí.
Được biết, trên cơ sở báo cáo đánh giá thực hiện về kinh doanh khí và đề nghị của Bộ Công Thương, ngày 14/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí theo quy trình, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (từ năm 2022-2023).
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng được các yêu cầu như tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí.
Mục tiêu là thiết lập thị trường khí cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo lập hệ thống phân phối khí gắn kết, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước những biến động thị trường của các mặt hàng năng lượng quốc tế và tình hình bất ổn địa chính trị trên thế giới, đảm bảo phát triển bền vững thị trường khí của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số quy định đối với các loại hình thương nhân có hoạt động kinh doanh khí trên thị trường: Rà soát, bổ sung quy định đối với loại hình thương nhân kinh doanh LPG chai là tổng đại lý/đại lý kinh doanh LPG chai, bao gồm quy định về điều kiện, quyền và nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh LPG chai; Rà soát các quy định về điều kiện về kinh doanh đối với một số loại hình thương nhân kinh doanh LNG/CNG phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh LNG/CNG.
“Đồng thời, từng bước đưa giá khí vận hành theo cơ chế thị trường cạnh tranh, đảm bảo phản ánh đúng các chi phí hợp lý hợp lệ, minh bạch, công khai. Nhà nước chỉ điều tiết mức giá, phí đối với các khâu mang tính độc quyền tự nhiên trong ngành hoặc tại các lĩnh vực, khu vực chưa có cạnh tranh”, ông Đông nhấn mạnh.
Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường khí, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là gần 20 năm khai thác, từ năm 2018, các nguồn khí trong nước suy giảm dần. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho hay, dự kiến để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ LPG trong nước, cơ sở hạ tầng tồn trữ của các kho LPG phải đạt quy mô khoảng 3,5 - 4,0 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 4,5 - 5,0 triệu tấn/năm vào năm 2035, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp.
Trong giai đoạn 2010-2020, năng lượng khí của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,7%, xét trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng chiếm tỷ trọng 2,3%. Tuy nhiên, xét về cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam, tỷ trọng năng lượng khí đối với tổng nguồn năng lượng sơ cấp đang có xu hướng giảm, từ 16,1% trong năm 2010 xuống 8,2% trong năm 2020.
Vì vậy, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần có định hướng mở rộng và xây mới kho LPG để nhập khẩu LPG đủ cho nhu cầu phát triển các nhà máy công nghiệp và các khách hàng dân dụng tại các vùng cung ứng bảo đảm nhu cầu tiêu thụ LPG tăng trưởng từ khoảng 5%; Xây mới và mở rộng kho LNG hiện có để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các dự án điện khí, các khách hàng công nghiệp và dân dụng.
Đồng thời, định hướng xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ trạm chế biến khí trên bờ và kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng, đặc biệt quan tâm phát triển mạng tuyến ống khí thấp áp đến các nhà máy, sân bay, bệnh viện, khách sạn lớn, trường học. Sớm nghiên cứu tuyến ống khí kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Xây dựng thêm các trạm phân phối khí thiên nhiên, các trạm chiết nạp LPG.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 18 thuộc Cục QLTT TP.HCM liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc ở huyện Hóc Môn. Đặc biệt, đã chuyển 1 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu cho cảnh sát để điều tra.
Các lò giết mổ công nghiệp tại TP.HCM vẫn "ế" khách dù chi phí đầu tư cao và thành phố đã chấm dứt hoạt động giết mổ thủ công từ ngày 1/4/2023.
Không khí mua sắm hiện nay phần nào phản ánh nỗi lo lớn của doanh nghiệp về doanh số hàng Tết. Dự báo người Việt sẽ chi tiêu dè dặt và tiết kiệm hơn cho Tết 2025.
Việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử (TMĐT) tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kết thúc vào ngày 30/11/2024, cạnh tranh trên thị trường ô tô Việt Nam sẽ càng gay gắt hơn.
Nhiều trung tâm thương mại tại TP.HCM vắng vẻ khách mua trong dịp Black Friday (29/11) năm nay. Không những vậy, các cửa hàng trên tuyến đường thời trang lớn nhất Sài Gòn cũng vắng bóng người mua.