Thứ ba, 23/04/2024

Nuôi tôm – Mũi nhọn để xuất khẩu Cà Mau đột phá

02/01/2023 8:00 AM (GMT+7)

Bất chấp biến động thị trường trên thế giới do chiến tranh, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đạt 1,3 tỷ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, xuất thủy sản trên 1 tỉ USD, đóng góp quan trọng vào việc Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ USD xuất khẩu thủy sản.


Nuôi tôm – Mũi nhọn để xuất khẩu Cà Mau đột phá - Ảnh 1.

Ngày 1/1/1997, tỉnh Cà Mau tái lập (tỉnh Minh Hải chia tách thành 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu) với bao bộn bề, khó khăn thách thức chính quyền. Nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cà Mau, đến nay tỉnh tận cùng cực Nam của Tổ quốc đã trở thành một địa phương có nền kinh tế năng động với những triển vọng bền vững. Một trong số đó chính là ngành thủy sản với thế mạnh của con tôm, con cua.

Nuôi tôm – Mũi nhọn để xuất khẩu Cà Mau đột phá - Ảnh 2.

3 năm liên tục, xuất khẩu thủy sản Cà Mau vượt 1 tỷ USD, trong đó, chiếm phần lớn là con tôm

Đầu đàn ngành tôm

Năm 2022, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1,150 tỷ USD, nhưng chỉ đến 10/2022 tỉnh đã hoàn thành vượt mức, khi giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này đã đạt trên 1,165 tỷ USD, riêng thủy sản đã đạt 960,2 triệu USD, vượt 1,3% kế hoạch, tăng 27% so với cùng kỳ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua kinh tế thuỷ sản luôn là thế mạnh của tỉnh, mà tạo ra giá trị lớn nhất là mặt hàng tôm. So với cả nước, Cà Mau đứng đầu về diện tích nuôi tôm và sản lượng, khi diện tích nuôi chiếm 40%, và sản lượng tôm chiếm đến 22%. Hiện đã ổn định diện tích nuôi tôm 280.000ha, sản lượng tôm nuôi đạt trên 220.000 tấn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, qua việc bố trí lại các loại hình nuôi, ngành tôm đã áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm phù hợp với các thị trường, nhất là ngoài nước.

Nuôi tôm – Mũi nhọn để xuất khẩu Cà Mau đột phá - Ảnh 3.

Cà Mau là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi và sản lượng tôm.

Thông tin từ Sở Công thương cho biết, hiện các đơn hàng xuất khẩu đã được thực hiện xong các hợp đồng với các đối tác nước ngoài đến tháng 12/2022. Các doanh nghiệp còn tiếp tục đàm phán, thoả thuận ký kết nhiều hợp đồng cho năm 2023. Do đó, hoạt động xuất khẩu tôm hiện tại cũng như những tháng sắp tới diễn biến ổn định và có xu hướng tăng, không có trường hợp bị ứ đọng hàng hoá.

“Do việc xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau đã được hoạch định bằng những giải pháp cụ thể. Nên năm 2022 tỉnh Cà Mau tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trên 1 tỷ USD, bất chấp biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh hay xung đột vũ trang của các nước, mà con tôm là sản phẩm chủ lực.” – ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết.

Duy trì thương hiệu con tôm Cà Mau

Trước những biến động mới của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và bảo vệ uy tín của thương hiệu con tôm Cà Mau. Theo đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền rà soát thống kê lại toàn bộ diện tích tôm nuôi với các loại hình trên địa bàn tỉnh. Qua xác định sản lượng từng đối tượng nuôi cụ thể, tỉnh hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các chuỗi siêu thị liên kết thu mua nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi cho người dân. Song song, rà soát xử lý kịp thời theo quy định các thông tin liên quan việc thương lái thu mua ép giá người nuôi trên địa bàn.

Nuôi tôm – Mũi nhọn để xuất khẩu Cà Mau đột phá - Ảnh 4.

Tôm Cà Mau là thương hiệu được yêu thích ở thị trường thế giới, đặc biệt ở Mỹ.

Bên cạnh, tiếp tục xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm tôm nuôi nhằm mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thêm nhiều nước trên thế giới. Xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới.

Sắp tới, tỉnh sẽ xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới. Khai thác và tận dụng tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh vào các thị trường Mỹ, EU, Canada, Úc, Trung Quốc.

Dự kiến năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức Festival tôm để quảng bá hình ảnh, sản phẩm thuỷ sản của Cà Mau. Lễ hội sẽ còn giới thiệu các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… nhằm góp phần kết nối giao thương giữa các vùng, giữa trong và ngoài nước.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm ở Cà Mau, ở các quốc gia trong khối EU với thu nhập đầu người 36.000 USD/năm, thị trường này rất khó tính, đòi hỏi hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn EU. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm luôn khắt  khe, đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cụ thể đối với tôm nuôi, khi nhập khẩu vào EU phải được kiểm soát danh mục thuốc thú y sử dụng. Thị trường EU buộc truy suất con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có mã số ao nuôi; thức ăn có nguồn gốc và an toàn; sản phẩm tôm nuôi phải đạt chất lượng; phải có mã số vùng nuôi, ao nuôi; quy trình nuôi, chế biến phải đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm. Thị trường xuất khẩu qua EU đang có nhiều cơ hội tăng mạnh do có lợi thế từ EVFTA.

Nuôi tôm – Mũi nhọn để xuất khẩu Cà Mau đột phá - Ảnh 5.

Nhiều năm nay, Cà Mau luôn có nhiều giải pháp, nhất là vấn đề kỹ thuật để con tôm Cà Mau đủ điều kiện vào các thị trường khó tính.

Ðối với thị trường Trung Quốc, chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thuỷ sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc có thể bị chậm ở một số thời điểm. Chính vì vậy, các doanh nghiêp luôn phải có chiến lược nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ điều kiện để sản phẩm tôm tiếp tục vào được này, nhất là các thị trường truyền thống nhiều năm qua.

Nuôi tôm – Mũi nhọn để xuất khẩu Cà Mau đột phá - Ảnh 6.

Thu hoạch tôm sinh thái, đây là mô hình nuôi tôm phổ biến ở tỉnh này có từ nhiều năm nay, phù hợp thổ nhưỡng điều kiện nuôi của vùng đất Cà Mau

Từ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội, tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng tổ chức triển khai quyết liệt.

Theo đó, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển xuất khẩu, Cà Mau đã xây dựng các nội dung hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu, doanh nghiệp của Cà Mau có thế mạnh. Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế; hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain)...

Ngoài lợi thế trên, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Cà Mau cũng đã tận dụng lợi thế Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8/2020) để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hiệp định EVFTA đã loại bỏ dần thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hoá Việt Nam, tạo ra khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư tại các nước EU, tạo cơ hội việc làm cho người lao động khi xuất khẩu tăng, các hoạt động sản xuất được mở rộng, dẫn đến những cơ hội việc làm được tạo ra tăng theo.

Ngoài thị trường EU có lợi thế về hiệp định EVFTA, tôm Cà Mau đang còn lợi thế từ nhiều thị trường tiềm năng và truyền thống khác. “Ðối với thị trường Mỹ, dự kiến tăng mạnh vào năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thuỷ sản tăng, khi 2 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, Canada, Australia là thị trường tiềm năm cho mặt hàng tôm Cà Mau trong thời gian tới. Một số thị trường khác vẫn giữ đà tăng trưởng tốt như: Anh, Hồng Kông, Hàn Quốc…”, ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm.

Theo Kinh tế & Đô thị

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bán lẻ hiện đại TP.HCM tiếp tục "quyến rũ"

Bán lẻ hiện đại TP.HCM tiếp tục "quyến rũ"

TP.HCM, đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, vẫn là thỏi nam châm cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Các kênh hiện đại như chuỗi bán lẻ và trung tâm mua sắm ghi nhận nhiều địa chỉ mới.

Những con số từ Singapore làm ấm lòng giới xuất khẩu gạo Việt Nam

Những con số từ Singapore làm ấm lòng giới xuất khẩu gạo Việt Nam

Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm 32.03% thị phần trong quý 1 năm nay, vượt qua kim ngạch của gạo Ấn Độ và Thái Lan.

Walmart và loạt đại gia bán lẻ ở Mexico, Venezuela đến Việt Nam săn hàng Việt

Walmart và loạt đại gia bán lẻ ở Mexico, Venezuela đến Việt Nam săn hàng Việt

Một loạt nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Mỹ la tinh cho biết sẽ đến Việt Nam tìm nhà cung cấp thuộc nhiều ngành hàng như thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng…

Thêm nhiều vé máy bay giá mềm dịp cao điểm 30-4

Thêm nhiều vé máy bay giá mềm dịp cao điểm 30-4

Chỉ còn 1 tuần nữa đến kỳ nghỉ 5 ngày từ 27-4 đến 1-5, giá vé máy bay từ Hà Nội/TP HCM tới các điểm du lịch nhiều chặng bay gần cạn vé, song có một số đường bay đã được bổ sung nhiều chuyến bay đêm, tăng cung nhiều vé giá mềm

Việt Nam bất ngờ trở thành nhà cung cấp lớn nhất tinh bột sắn cho Trung Quốc

Việt Nam bất ngờ trở thành nhà cung cấp lớn nhất tinh bột sắn cho Trung Quốc

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng trở lại trong tháng 3/2024 nâng sản lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 944.930 tấn, trị giá 430,44 triệu USD. Đặc biệt, Việt Nam vượt Thái Lan trở thành thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc.

Phân bón Cà Mau tiếp tục đưa bà con nông dân "Tham quan nhà máy - Gặt hái mùa vàng"

Phân bón Cà Mau tiếp tục đưa bà con nông dân "Tham quan nhà máy - Gặt hái mùa vàng"

Phát huy thành công và hiệu ứng tích cực năm 2023, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) tiếp tục triển khai chuỗi chương trình thực tế “Tham quan nhà máy – Gặt hái mùa vàng” năm 2024 dành cho bà con nông dân, các đại lý đồng hành.