Thông thường, thời điểm cận Tết, các cơ sở làm đẹp xe ở TP.HCM, đặc biệt là các khu vực An Dương Vương, Trần Bình Trọng (quận 5) luôn tấp nập khách đưa xe đến tân trang hoặc lắp thêm "đồ chơi". Ngược lại, năm nay, khách chủ yếu đem xe tới nhờ tháo các phụ kiện mà họ đã lắp trước đó.

 

Tháo pỏ mới được kiểm định

Nguyên nhân là do các trung tâm đăng kiểm gần đây siết chặt việc kiểm định, những xe gắn thêm phụ kiện hay thay đổi kết cấu, không còn nguyên bản đều bị từ chối kiểm định. Chưa kể, cảnh sát giao thông kiểm tra gắt gao những chiếc xe độ, gắn thêm phụ kiện và phạt rất nặng. Do đó, nhiều chủ xe trước đây gắn thêm phụ kiện để "làm đẹp" buộc phải mang xe đến các garage, cửa hàng để tháo ra và tìm hàng nguyên bản để lắp trở lại trước khi mang xe đi kiểm định.

Ông Hồ Quang Thái, chủ chiếc xe Honda Civic ở quận 3, cho biết đã bỏ ra gần cả trăm triệu đồng cách nay gần 3 năm để gắn thêm bộ bodykit, hạ gầm, cánh gió, thay cả 4 la-zăng (mâm xe), bộ đèn cũng như nhiều phụ kiện công nghệ khác. Nay đến thời hạn kiểm định thì bị từ chối nên phải tháo hết các phụ kiện ra để đưa xe trở lại tình trạng ban đầu. Tuy nhiên, những linh kiện đã tháo ra để độ xe ông không còn giữ, nên phải đến đại lý của hãng xe mua lại thì được báo giá rất cao, mà phải chờ cả tháng mới có hàng.

Rắc rối, tốn kém vì phụ kiện - Ảnh 1.

Dịch vụ tháo gỡ phụ tùng hàng độ trên xe hốt bạc

Ông Lý Hồng Minh, chủ một chiếc xe bán tải ở quân Tân Bình, cho hay phần lớn những người "chơi" xe bán tải khi mua về đều phải "độ" lại theo sở thích như thay phuộc, bánh mâm, bệ chân, cản trước, cản sau... ít nhất cũng vài chục triệu đồng. Còn những người có điều kiện hơn sẵn sàng chi một, hai trăm triệu đồng để "độ" đầy đủ các món, kể cả nâng công suất máy lên cho mạnh mẽ để di chuyển được ở bất cứ địa hình nào. "Để "độ" được chiếc xe ưng ý là cả một gia tài, là tác phẩm nghệ thuật. Nay phải tháo bỏ không chỉ tốn thêm chi phí để đưa xe về nguyên bản vừa tổn thất về tinh thần của chủ xe" - ông Minh chia sẻ.


Tốn tiền thuê linh kiện chính hãng

Ông Châu Hoàng Tuấn, quản lý cửa hàng phụ tùng ôtô trên đường An Dương Vương, cho biết khoảng 1 tháng trở lại đây, ít có khách nào hỏi gắn thêm phụ kiện hoặc "độ" lại xe cho bắt mắt mà chủ yếu mang xe đến để được lắp lại hàng nguyên bản theo xe như hồi mới mua như tháo mặt ca-lăng (lưới tản nhiệt) vì bên kiểm định cho rằng mặt ca-lăng độ sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình giải nhiệt của động cơ. Tương tự, nhiều xe đến để tháo đèn bi xenon, đèn bi Led để lắp lại đèn halogen hay thay mâm "độ" bằng mâm nguyên bản giá lên tới chục triệu đồng/chiếc.

"Ngay cả phim chống nóng dán trên kính xe nếu quá tối cũng bị đăng kiểm từ chối buộc phải tháo ra dán phim có độ sáng cao hơn khiến chủ xe tốn thêm cả chục triệu đồng để tháo ra dán lại. Hay chủ xe gắn thêm cản trước, cản sau mà làm thay đổi kích thước xe cũng bị cơ quan đăng kiểm từ chối kiểm định" - ông Tuấn kể.

Tuy nhiên, việc đưa xe về tình trạng nguyên bản không đơn giản là tháo phụ kiện ra để thay phụ kiện chính hãng mà đôi khi còn ảnh hưởng lớn đến kết cấu xe. Chẳng hạn khi tháo bỏ bộ bodykit sẽ tác động đến lớp sơn xung quanh thân xe, buộc chủ xe phải bỏ thêm tiền sơn lại gần như cả thân xe từ cản trước, sau và hai hông xe.

Còn theo ông Trương Thanh Châu, chủ cửa hàng phụ tùng ôtô trên đường Trần Bình Trọng, những mẫu xe đời quá cũ muốn tìm mua phụ tùng theo nguyên mẫu sẽ gặp nhiều khó khăn do bị bỏ mẫu, nên cần nhiều thời gian để săn tìm mới hy vọng có hàng. Do đó, nhiều chủ xe chấp nhận thuê đồ zin ở cửa hàng để mang xe đi kiểm định. Việc thuê phụ tùng được bên cho thuê tính theo ngày vì thời gian chờ đến lượt kiểm định mất khá lâu, không thể biết chính xác ngày giờ nào mới đến lượt.

Ông Châu cho hay phí thuê đồ zin, đồ theo xe từ vài trăm ngàn đồng cho đến hơn 1 triệu đồng/ngày nếu thuê một, hai món. Trường hợp thuê nhiều món phải mất chi phí từ vài triệu đồng/ngày trở lên. Ngoài ra, việc tháo ráp các món phụ kiện tốn khá nhiều thời gian, thậm chí mất cả ngày, tiền công cũng phải tính thêm vài triệu đồng nữa. Chẳng hạn tiền công tháo lắp cản trước, cản sau, 4 mâm xe, bậc cửa, đèn pha và thuê lại đồ zin khoảng 3 triệu đồng/ngày. 


Kinh doanh phụ kiện hết thời?

Theo ông Trương Thanh Châu, hiện nhiều chủ xe không còn mặn mà với việc độ xe, làm đẹp xe như trước đây. Nếu tình trạng này kéo dài, những người làm ăn, kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ khó sống.

Thực tế, ghi nhận tại cửa hàng phụ tùng ôtô trên đường An Dương Vương, Trần Bình Trọng, quận 5, phụ kiện ôtô đủ loại chất đầy mà người mua lại thưa thớt. Chủ một cửa hàng ở đây cho biết thời gian qua nhiều loại phụ tùng bị hụt hàng do đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch COVID-19. Nay thấy tình hình ổn định trở lại, các cửa hàng nhanh tay nhập hàng về với số lượng lớn để kinh doanh Tết. Tuy nhiên, do cơ quan chức năng siết chặt kiểm định xe khiến việc buôn bán phụ kiện rất ế ẩm.

Trong khi đó, những người làm dịch vụ tháo "đồ chơi" trên xe lại làm mỏi tay không hết khách. Sau khi tháo đồ gắn thêm trên xe, các cửa hàng còn kiếm thêm tiền từ việc xử lý các vết trầy xước cũng như sơn lại xe... với giá từ vài triệu tới vài chục triệu đồng mỗi lượt.

Theo Người Lao động