Thứ sáu, 19/04/2024

Thách thức giữ chân lao động hồi hương

20/10/2021 1:00 PM (GMT+7)

Quảng Nam, Nghệ An... muốn thu hút lao động hồi hương vào khu công nghiệp, nhưng nhiều người lại muốn quay lại các tỉnh thành phía Nam.

Gia đình chị Nguyễn Thị Dương đang lên kế hoạch cuối tháng 10 quay lại TP.HCM sau hơn 2 tháng về tránh dịch tại quê nhà xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. 10 năm trước, Quảng Nam chưa có nhiều khu công nghiệp, ruộng đất ít, những lao động phổ thông như vợ chồng chị không tìm được việc làm phù hợp. Thấy bạn bè vào TP.HCM lập nghiệp cho thu nhập cao hơn so với làm nông, cả hai rời quê tìm đến quận Gò Vấp mở quán mì Quảng.

Những ngày đầu, họ thuê trọ, sau tích góp mua được căn nhà cấp bốn rộng 40 m2, thêm gác lửng 20 m2 cho vợ chồng và hai con đang học lớp 3, lớp 6. Khi dịch bùng phát, quán mì đóng cửa, gia đình chị Dương không có việc làm nên trở về quê. Vào khu cách ly ở quê nhà, chị được chính quyền hướng dẫn đăng ký tạo việc làm song từ chối. "Sống nhiều năm ở TP.HCM, tôi đã quen rồi, công việc buôn bán ổn định, chỉ đứt đoạn khi dịch", chị giải thích.

Người phụ nữ 37 tuổi tính toán, ở quê được gần gia đình, có thể giảm thiểu rủi ro khi dịch bệnh, nhưng xin làm công nhân may mặc thì thu nhập những tháng đầu chỉ 6 triệu đồng, sau có thể tăng lên 8 triệu đồng, không bằng buôn bán ở TP.HCM. Nếu mở hàng ăn ở quê cũng phải làm lại từ đầu, khách hàng chắc chắn ít.

Thách thức giữ chân lao động hồi hương - Ảnh 1.

Hàng trăm lao động về quê vẫy tay cảm ơn lực lượng tình nguyện hỗ trợ thức ăn, nước uống trước khi được CSGT dẫn qua hầm Hải Vân, trưa 9/10. Ảnh: Nguyễn Đông

Tương tự, anh Lê Quốc Nhật, 29 tuổi, quê xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, đang chờ tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ hai để trở lại TP.HCM làm việc. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng rồi sang Israel du học, về nước Nhật vào quận 9, TP.HCM, làm tư vấn đầu tư chứng khoán được 4 năm.

Mong muốn môi trường làm việc năng động để học hỏi và trải nghiệm, Nhật cho rằng TP.HCM đáp ứng tiêu chí đó, xung quanh là bạn bè cùng công việc dễ trao đổi ý tưởng làm ăn, kinh doanh. Anh so sánh ở quê yên bình, gần gia đình, song không có công việc phù hợp với nghề của mình.

Bạn bè Nhật về quê tránh dịch hầu hết sẽ quay lại TP.HCM. Để trụ được ở thành phố, họ đã tốn thời gian, công sức nâng cao trình độ, tay nghề, có chỗ đứng trong công ty, có mối quan hệ đối tác làm ăn, thu nhập ổn định. "Quê nhà đã đưa ra một số cơ hội việc làm, nhưng cái khó của người lao động là không có được vị trí công việc, mức thu nhập giống trước. Nhiều người đã quá tuổi để học hỏi kỹ năng mới khi chuyển việc", Nhật nói.

Theo Tổng cục Thống kê, hơn 1,3 triệu lao động ở các đô thị lớn đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến ngày 15/9. Số này chưa bao gồm dòng người hồi hương sau khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Hiện dịch cơ bản được kiểm soát, cả nước chuyển trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, những người như chị Dương, anh Nhật lại đôn đáo quay trở lại công việc. Nhiều người khác vẫn trăn trở với câu hỏi làm gì trong thời gian tới.

Sáng 12/10, UBND huyện Bắc Trà My phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam tổ chức buổi giới thiệu việc làm cho người lao động, trong đó có nhiều người trở về từ vùng dịch. Ảnh: Đắc Thành

Với hơn 10.000 người về từ vùng dịch, Quảng Nam đã tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm. Trong hơn 6.500 người ở các khu cách ly tham gia khảo sát, chỉ 315 người dự tính tự tạo việc làm, 460 người tìm việc tại doanh nghiệp địa phương, 300 người muốn học nghề và 245 người muốn vay vốn làm ăn, số còn lại chưa rõ định hướng.

Ông Nguyễn Quí Quý, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Nam, chia sẻ tỉnh rất muốn tuyển lao động từ phía Nam trở về cho 9 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp. 100 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đang cần tuyển gần 17.000 vị trí việc làm, từ lao động phổ thông đến trình độ đại học.

Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm tại bốn huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Giang; ưu tiên tiếp nhận và giải quyết việc làm cho người trở về; xem xét điều chỉnh hơn 8,4 tỷ đồng cho vay đi làm việc ở nước ngoài chuyển sang cho vay giải quyết việc làm đối với lao động về quê tránh dịch.

Tuy nhiên, khảo sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy đa số lao động có xu hướng quay lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam chứ không muốn kiếm việc làm ở quê. Tỉnh cũng đang có khoảng 56.000 lao động từ Quảng Nam ra Đà Nẵng làm công nhân, vì việc đi lại thuận lợi, có thể về nhà trong ngày.

Lý giải nghịch lý lao động không muốn an cư lập nghiệp ở quê, ông Quý nói khoảng 20 năm trước khi Quảng Nam chưa có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì người dân rời quê làm ăn. Hàng chục năm qua, họ lập nghiệp ở đất khách, có nhà cửa, công việc ổn định, thu nhập cao. Khi bùng dịch, họ về quê với mục đích bảo toàn tính mạng.

"Nhiều người xem đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thăm người thân, quê nhà. Khi dịch lắng xuống, doanh nghiệp phía Nam hoạt động trở lại, họ tiếp tục đi làm như trước. Bởi nhà cửa trong đó, môi trường sống quen, công việc ổn định, làm lâu lương cao. Lựa chọn như thế nào là quyền của người dân", ông Quý nói, nêu quan điểm "chỗ nào lương cao, thu nhập ổn định thì tốt cho người lao động".

Tại Thừa Thiên - Huế, ông Hà Văn Tuấn, Bí thư thị xã Hương Trà, thừa nhận việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động hồi hương, trong đó chủ yếu là công nhân ngành may mặc, là bài toán khó của địa phương. Hương Trà có hơn 10.000 người về quê tránh dịch, đông nhất tỉnh. Trong khi đó thị xã mới có khu công nghiệp Tứ Hạ quy mô vừa, quy tụ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, sản phẩm phụ trợ.

Tính trên phạm vi toàn tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế thống kê có 25.160 người độ tuổi lao động về quê trong đợt dịch, trong đó 9.790 người có nhu cầu giới thiệu việc làm, 1.430 người muốn học nghề, 340 người muốn xuất khẩu lao động, hơn 4.610 người muốn vay vốn để tạo việc làm. Số còn lại muốn quay trở lại các đô thị phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ mong muốn của tỉnh là tất cả người dân có việc làm ở quê nhà để ổn định cuộc sống lâu dài và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của 25.160 người lúc này thực sự là thách thức. Trước mắt, tỉnh đang giao các cơ quan chuyên môn rà soát, nắm nguyện vọng của người lao động; hướng dẫn đăng ký tìm việc làm; tổ chức sàn giao dịch việc làm; tư vấn học nghề; hỗ trợ vay vốn...

Về lâu dài, Thừa Thiên Huế tiếp tục mở rộng khu công nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tỉnh cũng nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn...

Là tỉnh đông dân thứ tư cả nước, Nghệ An thống kê có hơn 320.000 người đi làm ăn, sinh sống ở ngoại tỉnh (chiếm khoảng 9% dân số). Khi dịch bùng phát, 87.000 người đã về quê và khoảng 60% người trong độ tuổi lao động, tương đương 52.000 người.

"Ước tính một nửa trong số lao động này có ý định quay trở lại các tỉnh phía Nam trong thời gian tới để tìm kiếm việc làm", lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An nói. Dự báo thời gian tới một lượng lớn người Nghệ An tiếp tục trở về địa phương, nhu cầu việc làm là rất lớn. Nhưng hiện mới có 84 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tuyển dụng hơn 29.000 lao động.

Không chỉ Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, rất nhiều tỉnh thành đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động về quê do số doanh nghiệp ít, nhu cầu tuyển dụng không lớn và ngành nghề không đa dạng. Nhiều lao động sau nhiều năm đi làm đã quá quen với cuộc sống ở các đô thị phía Nam.

Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp phía Nam đang rất lớn. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê tại 22.000 doanh nghiệp, gần 18% cho biết thiếu hụt lao động. Tình trạng khan hiếm ghi nhận nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với 30,6%. Một số ngành khát nhân lực, như: Sản xuất da và các sản phẩm liên quan gần 52%; sản xuất trang phục 49%; thiết bị điện 44%; dệt 39,5%. TP HCM 3 tháng cuối năm cần 57.000 lao động tập trung ở một số ngành kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dệt may - da dày...

Chênh lệch cung - cầu lao động, sự đa dạng trong ngành nghề tuyển dụng ở các tỉnh phía Nam là lực hút lao động quay trở lại. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dự báo khi dịch được kiểm soát, phần lớn lao động về các tỉnh sẽ trở lại thành phố làm việc.

Tuy nhiên, dòng người về quê để lại nhiều suy ngẫm về hoạch định cho phát triển đất nước trong tương lai. Đó là không thể chỉ khai thác sức lao động của người di cư mà phải chăm lo đời sống, có chính sách về nhà ở, an sinh, giáo dục cho con cái họ. "Chính quyền nơi đến cũng phải coi đó là dân của mình. Họ ấm no, có tương lai thì thành phố mới phát triển", TS Dũng nói.

Cũng cho rằng sau cuộc hồi hương của hàng chục nghìn người, sẽ rất lâu các tỉnh phía Nam mới có thể phục hồi nguồn nhân lực này, tuy nhiên TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhìn nhận nếu người dân chọn ở lại với vườn rau ao cá, cuộc sống lay lắt, kinh tế của gia đình và đất nước cũng khó phát triển được. Trong khi đó nhiều ngành ở TP HCM và các tỉnh phía Nam đang khát lao động.

Giải pháp lâu dài, ông Cường đề xuất là cần tính toán việc phân bổ lại khu công nghiệp về các vùng để tạo thêm công ăn việc làm, không để tập trung ở thành phố lớn - nơi có điều kiện phát triển nhưng lại tiềm tàng nguy cơ dịch bệnh. Nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư, bởi lựa chọn đầu tư luôn phải đi theo chuỗi cung ứng, logistics, không thể phân tán khắp mọi miền đất nước.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng không còn đứng ở mức đỉnh "chót vót" ghi nhận trong ngày hôm qua đối với vàng nhẫn 9999, song giá vàng miếng SJC vẫn đang "đu đỉnh" gần 85 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia chỉ điểm "bình thường" và "bất thường" khi vàng "nhảy múa".

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Trong khi phân khúc chung cư tăng giá vùn vụt suốt cả năm 2023 kéo dài tới hiện tại vẫn ở biểu đồ đi lên thì đất nền, nhất là đất ven đô lại "ngủ" khá lâu.