Một trong những nút thắt quan trọng khiến bất động sản tê liệt là vấn đề pháp lý đang dần được cơ quan quản lý quan tâm và tìm giải pháp tháo gỡ. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc tại 156 dự án bất động sản của 121 nhà đầu tư trên địa bàn.
Trước đó, ngày 20/2, UBND TP ban hành Thông báo 96 tháo gỡ vướng mắc tại 116 dự án nhưng đến ngày 24/3, con số dự án được tổng hợp đã tăng lên 156 dự án. Đối với các dự án được tổng hợp bổ sung, nằm ngoài nội dung chỉ đạo tại Thông báo 96, UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi, thống nhất với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị báo cáo lại UBND TP chỉ đạo, phân công các đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc; hoàn thành trước ngày 15/4.
Hay mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 178/TTg-CN, ngày 27/3, về thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành bám sát tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với nhau, với các cơ quan liên quan và cùng quyết tâm của các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc cho thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng hoàn thiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, chủ trì rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán theo đúng quy định.
Đặc biệt, đối với UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Các nhà đầu tư bất động sản đang dần lấy lại niềm tin vào thị trường khi đón nhận các thông tin vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các bộ, ban ngành và địa phương…
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đánh giá, hàng loạt quyết sách mới từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang góp phần giải quyết vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đây là trợ lực quan trọng để thị trường có thể vượt qua khó khăn hiện tại, đi đến hồi phục và phát triển trong thời gian tới.
"Những nỗ lực này giúp tháo gỡ điểm nghẽn từ tài chính đến pháp lý và được quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Mọi thứ minh bạch là cơ sở cho nhà đầu tư trái phiếu, bất động sản hay chứng khoán thêm niềm tin rót vốn vào thị trường", vị đại diện HoREA chia sẻ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản ngay trong quý 1/2023 cũng đang có dấu hiệu tích cực, khi triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ, bằng những văn bản quy định pháp luật.
Nhiều doanh nghiệp đã đảm bảo thực trạng "sức khỏe" thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng và hấp thụ dễ hơn. Sang quý 2/2023, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung sửa đổi, xử lý vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư, với dự án nhóm nhà ở gồm: Dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ.
"Với nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm vượt khó, cùng tinh thần hội nhập, phát triển của các đơn vị, tổ chức, nhà môi giới, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ dần ấm lên. Từ đó khích lệ tinh thần, tạo ra sức lan tỏa cho các phân khúc, đưa thị trường vực dậy, phát triển vững mạnh theo đúng định hướng, mục tiêu 2023", ông Đính nhận định.
Mặt khác, các chuyên gia cũng khuyến cáo bản thân các doanh nghiệp chủ động tìm cách vượt qua khó khăn, vì Chính phủ hay ngân hàng sẽ không thể bỏ tiền để cứu doanh nghiệp này, rồi bỏ tiền ra để cứu doanh nghiệp khác.
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bất động sản phải có kế hoạch cụ thể, khả thi nhằm đa dạng nguồn vốn, thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư…. Đồng thời giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết.
Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ
Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?
Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?
Cuộc thi gameshow kiến thức học sinh Olympia năm 2024, nam sinh người Huế bấm được nút giành quyền trả lời câu hỏi; chưa trả lời thì bạn đã la hét hò reo, lăn ra sàn ăn mừng chiến thắng. Dư luận có người khen nhưng cũng có người nghĩ khác.
Vàng đang lên giá từng ngày, nhưng người có vàng chưa chắc đã vui nếu họ mua tích trữ từ nhiều năm trước và không may bị mất hóa đơn. Nhiều trường hợp chỉ vì mất hoá đơn mà bây giờ khó bán lại được.
Bắt đầu từ tháng 1/2026, dự kiến giá Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào sẽ thấp hơn so với giá hiện nay vì lượng mua sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Đây là điều bình thường trong thương mại.