Tại Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành cuối năm 2022, Bộ Chính trị nêu rõ tập trung xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM. Lãnh đạo TP.HCM xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đóng góp vào tiến trình hồi phục chung của đất nước.
Thí điểm cơ chế thử nghiệm
Để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết 31-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu cần ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.
Trước đó, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đã thống nhất quan điểm đây là trung tâm tài chính của Việt Nam và đặt tại TP.HCM. Theo đề án, TP.HCM xác định mục tiêu trở thành hub (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), cho biết thành phố đã trình đề án với 6 nội dung cơ bản lên Chính phủ và đang chờ phê duyệt để triển khai. Một trong những nội dung là xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính, đối chiếu với thực trạng hiện nay; xác định rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố cùng những kiến nghị cơ chế, chính sách đột phá và đặc thù, có những cơ chế thử nghiệm thí điểm (sandbox). "Đề án cũng xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa việc xây dựng trung tâm này. Đến nay, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo quốc gia về đề án này và phân công công việc cụ thể cho các bộ, ban, ngành" - ông Hòa cập nhật.
Trao đổi với phóng viên chiều 7-2, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết lộ trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM không chỉ được đề cập tại Nghị quyết 31-NQ/TW mà có trong một số nghị quyết khác.
Lý giải việc dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố không đề cập đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM, TS Trần Du Lịch cho hay ban soạn thảo đã quyết định sẽ tách riêng đề án này thành một nội dung độc lập để đề xuất UBND TP.HCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đúng tầm.
"Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM là hướng đi "không thể không làm" và đã được đưa vào các nghị quyết như Nghị quyết 31-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, chương trình hành động của Chính phủ… Có điều thời điểm này vẫn đang cần nghiên cứu thêm một số chính sách, cơ chế phù hợp trước khi đề xuất" - TS Trần Du Lịch nói.
Các chuyên gia nhìn nhận TP HCM hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Ảnh: TẤN THẠNH
Không để vuột mất cơ hội
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM là chiến lược cần được triển khai quyết liệt để không vuột mất cơ hội trong chặng đường phát triển.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng TP.HCM đã và đang là trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu cả nước và nay muốn nâng quy mô lên tầm cỡ khu vực và quốc tế là điều nên làm. Trong quá khứ, thành phố từng có những mô hình đột phá như thành lập Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP.HCM - HIFU từ năm 1997 (sau này là HFIC).
Dù chỉ là mô hình thí điểm nhưng đã có sự đột phá khi xây dựng một cơ chế huy động vốn tập trung và hiệu quả để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng và một số lĩnh vực công nghiệp then chốt trên địa bàn.
"Đây là mô hình quỹ đầu tư đầu tiên của Việt Nam mang dấu ấn đậm nét, đáp ứng kịp thời cho kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố như chương trình kích cầu thông qua đầu tư; chương trình xây dựng hệ thống cầu đường, khu công nghiệp, khu đô thị mới; các dự án cung cấp nước sạch, dự án chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... Dẫn chứng câu chuyện của HIFU để thấy TP.HCM hoàn toàn có thể bứt phá qua việc thử nghiệm những mô hình mới, bao gồm cả trung tâm tài chính quốc tế, dù còn nhiều việc phải làm" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM", các chuyên gia cho rằng cần cơ chế đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút dòng vốn đầu tư từ các "đại bàng", thậm chí là "đại bàng chúa"… Chia sẻ tại tọa đàm thời điểm đó, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá ý tưởng xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế của TP.HCM có thể được xem là ý tưởng mang tính đột phá nhất và nên được ủng hộ.
TS Trần Du Lịch cũng từng chia sẻ đề án trung tâm tài chính quốc tế đã được ông đi cùng để nghiên cứu suốt 20 năm và cần được thực hiện với tinh thần tập trung, trong điều kiện có thể, để sớm nhất hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế, phù hợp xu hướng phát triển của TP.HCM.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhìn nhận: "Nếu đi đúng hướng trong việc thu hút các dòng vốn "khủng" từ quốc tế, cùng với cam kết chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong quá trình triển khai, sau 3-5 năm, chúng ta có thể xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế chứ không phải chờ 10-20 năm. Nhiều nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế sẵn sàng rót vốn vào trung tâm tài chính quốc tế này nếu có cơ chế phù hợp. Thực tế, chúng ta đã chờ đợi quá lâu và không nên để vuột mất cơ hội này cho TP.HCM".
Nghiên cứu mô hình của Hồng Kông (Trung Quốc)
Đề cập tiến trình hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM, GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phân tích các nghiên cứu cho thấy Hồng Kông (Trung Quốc) liên tục nằm trong tốp đầu các trung tâm tài chính quốc tế toàn cầu. Bởi họ có được hạ tầng mềm là "tấm thảm văn hóa độc đáo".
Ngoài những quy định đơn giản và minh bạch nhất thế giới, mọi điều ở đây còn xoay quanh một hệ thống mạng lưới phức hợp gồm các quy chuẩn, thủ tục, thông lệ kể cả phi chính thức và bán chính thức đến từ các cá nhân và tổ chức xã hội...
"Điều mà trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tập trung hướng tới nhiều hơn, theo tôi là tạo lập một "tấm thảm" độc đáo về chính trị, văn hóa không thua gì hướng đi như trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông. Đó sẽ là nền tảng bền vững cho sự thành công của một trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai" - GS-TS Trần Ngọc Thơ nói.
Th.Thơ
Theo Người Lao Động
Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.
Một nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Eximbank (đang nắm giữ 5,66% vốn điều lệ) nêu trong đơn kiến nghị rằng việc miễn nhiệm ông Ngo Tony, trưởng Ban Kiểm soát của Eximbank, là phạm luật.
Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan của Mỹ dự báo chỉ số USD Index có thể tăng thêm 7% trong vòng vài tháng tới. Trong khi đó, Barclays dự báo USD có thể ngang giá với đồng euro nếu ông Donald Trump thực hiện các biện pháp thuế quan mạnh mẽ để bảo vệ thị trường Mỹ.
Đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại tỉnh Long An qua châu Âu vừa ký kết 2 thỏa thuận về đầu tư dự án mới trị giá hơn 80 triệu USD.
Nhiều doanh nghiệp lớn như PV GAS, tổ hợp hóa dầu Bình Sơn, Thế Giới Di Động... đang gửi hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân hàng. Danh sách cũng bao gồm những công ty khác như Hòa Phát, Vinamilk, Masan, Hóa chất Đức Giang...
Giá Bitcoin tăng đến 31% trong tháng 11 này trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn và giới đầu tư lẫn Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ dành nhiều quan tâm đến tiền điện tử, loại tài sản số mà IMF từng cảnh báo có thể đi kèm với nhiều rủi ro.