Theo văn bản khẩn gửi đến các quận, huyện và TP Thủ Đức, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh diễn biến dịch cúm A H5N1 đang phức tạp, đặc biệt sau ca tử vong ở nước láng giềng Campuchia.
Do đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) giám sát chặt người nhập cảnh đi ở vùng có dịch cúm A (H5N1) và phối hợp với các trạm Kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.
Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố sẽ giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh ổ dịch cúm và viêm hộ hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế.
Đặc biệt, các trường hợp được tăng cường giám sát là người bị viêm phổi diễn tiến bất thường, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết.
Trường hợp nghi ngờ sẽ được lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM để xác định nguyên nhân và triển khai phòng dịch lan rộng.
Tối 24/2, sau thông tin về 2 ca nhiễm virus H5N1 tại Campuchia, Viện Pasteur TP.HCM đã đưa ra công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía nam nhằm có biện pháp tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan cúm H5N1.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cúm gia cầm là căn bệnh truyền nhiễm do virus (type A) ở gia cầm. Tuy nhiên, năm 1997, chủng H5N1 lây lan ở người lần đầu được phát hiện.
Tại Việt Nam, bệnh cúm A H5N1 thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Kể từ khi xuất hiện ca nhiễm H5N1 đầu tiên cuối năm 2003, tính đến ngày 10/9/2008, tại Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm bệnh, 52 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc chung là 49%).