Mùa mưa, khí hậu Bảy Núi trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn. Các con suối, hồ nước bắt đầu tích nước, rừng xanh tươi, vườn cây ăn trái xum xuê trĩu quả. Thêm vào đó, người dân Bảy Núi biết cách ứng phó với khí hậu khắc nghiệt, cải tạo vùng đất khô cằn sau nắng hạn trở nên tươi tốt, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, phát huy việc trồng trọt dưới tán rừng và trồng xen vườn cây ăn trái.
Mùa này, dọc theo các con đường ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, rất dễ thấy sạp, kệ nhỏ bên vệ đường, trong chiếc mâm gỗ, rổ nhựa hay giỏ tre bày bán: Bơ sáp, bơ muỗng, bơ tròn, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm, trâm rừng, hồng quân, nho rừng… vừa được thu hoạch từ núi. Đây là những loại trái cây bản địa được bày bán theo mùa. Có lẽ do phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu đất núi nên trái cây phát triển rất tốt, năng suất và phẩm chất cao, hương vị đậm đà khác biệt so với vùng đồng bằng, được người tiêu dùng ưa thích. Mặt khác, lợi thế của bà con nhà vườn Bảy Núi là canh tác theo hướng thuận tự nhiên, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, mùa nào thức đó đảm bảo đúng chuẩn hương vị, khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Điển hình như cây trâm sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên ở vùng Bảy Núi. Dọc theo tuyến đường từ xã Núi Tô đến thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn), hàng trăm gốc trâm rừng cổ thụ mọc tự nhiên theo triền núi, bờ ruộng. Hàng năm, cây trâm cho ra hoa khoảng giữa tháng 3 và cho thu hoạch trái đến tháng 6 (âm lịch). Trái lúc còn non có màu xanh, khi già chuyển sang đỏ, lúc chín có màu tím đen, to gần bằng đầu ngón tay. Trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát rất đặc trưng.
Thời gian này, những cây bơ được trồng xen với tán rừng ở núi Cấm, Cô Tô, núi Dài… cũng đang bắt đầu cho trái. Cây bơ bén rễ và gắn bó rất lâu với vùng đất Bảy Núi, đa dạng chủng loại, như: Bơ sáp, bơ muỗng, bơ hột gà… Hương vị bơ thơm ngon, chất lượng trái có thể sánh với bơ miền Đông và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, những cây dâu da xanh và dâu da vàng bắt đầu cho trái xum xuê. Cây dâu được trồng chủ yếu từ lưng chừng lên đến đỉnh núi, vỏ bóng, múi to, hương vị rất khác biệt với dâu trồng ở đồng bằng.
Ngoài ra, đang là mùa sầu riêng núi Cấm, núi Dài. Sầu riêng tuy trái nhỏ nhưng múi nhiều, to, hạt lép, hương vị thơm, béo ngon mà khô ráo, không nhão. Các loại trái cây này tuy sản lượng mỗi mùa không nhiều, nhưng thường được du khách gần xa chọn làm quà biếu cho bạn bè, người thân sau chuyến đi về vùng Bảy Núi.
Mùa mãng cầu ta Bảy Núi cho trái bắt đầu vào mùa mưa. Đây là loại cây chống chịu hạn rất tốt, được trồng phổ biến ở khu vực Tân Lợi, Ô Tứk Sa, Tà Lọt… Đặc biệt, khu vực bến Bà Chi - núi Dài lớn (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn), chân vồ Chư Thần (xã An Cư), Latina (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên)… được cư dân trồng xen cây rừng và cây bản địa. Mãng cầu ta tuy trái không to, không đẹp, nhưng có hương vị thơm ngon, thanh ngọt, hạt nhỏ, thịt dày, dai, được xem là trái cây đặc sản của miền núi, thu hút du khách vãn cảnh và người tiêu dùng đồng bằng. Chính vì vậy, mãng cầu ta Bảy Núi được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu sang Campuchia với số lượng lớn.
Mùa mưa, hồng quân được người dân trồng xen dưới tán rừng và vườn đồi ở núi Dài Nhỏ, núi Két, núi Cấm, núi Cô Tô... đang bắt đầu cho trái. Trái hồng quân lúc còn sống có màu xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ tím, có mùi thơm nhẹ, vị chua ngọt, hơi chát. Trước khi ăn, phải vò cho mềm, càng mềm ăn càng ngọt. Nếu trái chưa chín hẳn, thịt có vị chát và hơi chua, không ngon bằng trái chín mùi. Hồng quân trở thành loại trái cây đặc sản không thể nào quên với cách ăn đặc biệt này.
Bảy Núi mùa mưa còn có các loại rau rừng, như: Đọt bứa, đọt muối, dâu rừng, sung, tam lan, cát lồi, chồi mòi, hồng đào, cẩm xuyên lá gối, kim thất, rau ngành ngạnh… xanh ngon, hấp dẫn ăn cùng với bánh xèo. Bên cạnh đó là những dãy núi đồi được mưa tưới mát, phủ cây xanh nghiêng mình, ngả bóng xuống mặt hồ, tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, trở thành điểm “check-in” không thể bỏ qua của các bạn trẻ.
“Tôi và bạn bè rất thích về Bảy Núi mùa mưa. Thời điểm này, không khí mát mẻ, dễ chịu làm tinh thần sảng khoái. Cây cối mùa mưa cũng nhiều hơn, xanh tươi hơn, chụp hình “check-in” đẹp hơn. Đặc biệt, mùa mưa ở Bảy Núi có rất nhiều trái cây đặc sản, hương vị đặc trưng không nơi nào có được…”- chị Nguyễn Thị Trúc Đào (du khách đến từ tỉnh Bình Dương) chia sẻ. |
Những tấm ảnh chụp mặt trời bằng điện thoại ở nhiều địa điểm, nhiều thời gian trong ngày hết sức sống động khiến khách tham quan thích thú. Chủ nhân những bức ảnh là một nữ doanh nhân, bà có niềm yêu thích chụp mặt trời bất tận.
Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, An Giang vừa được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tạp chí Condé Nast Traveler nổi tiếng của Mỹ đã đề xuất TP.HCM trong danh sách 25 điểm đến hàng đầu để ghé thăm vào năm 2025.
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.