Hàng chục mã ở mức giá “rác”
Theo thống kê, ở thời điểm hiện tại trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM có 511 mã CP hiện đang giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP). Trong đó, số mã đang giao dịch dưới mức giá của bó rau muống (5.000 đồng/CP) là 208 mã, số mã giao dịch dưới mức giá ly trà đá (3.000 đồng/CP) là 96 mã.
Đáng chú ý hiện có hàng chục mã niêm yết trên UPCoM đang giao dịch ở mức mức giá “rác” (dưới 1.000 đồng/CP) như: BCB, CPH, DNN, FBA, HHR, PTG, PTX, PXC, VDB, VKP. Trong đó 2 mã CP có giá thấp nhất TTCK là DNN và PTG, hiện đang giao dịch ở mức giá 200 đồng/CP. Đây là mức giá không thể xuống thấp hơn vì bước giá thấp nhất trong phiên là 100 đồng.
Đáng nói là nhiều mã đang giao dịch ở mức giá thấp nhưng từng ghi nhận đợt sóng đẩy giá CP lên hàng chục lần trong năm 2021 vừa qua. Đơn cử là mã HLA, từ mức giá chỉ 200 đồng/CP tăng vọt lên 2.300 đồng/CP (tăng hơn 11 lần), nhưng nay chỉ còn 1.100 đồng/CP; G20 từ mức giá 200 đồng/CP tăng lên 2.200 đồng/CP (tăng 11 lần), nay chỉ còn hơn 1.000 đồng/CP; DPS từ mức giá 400 đồng/CP tăng lên gần 3.000 đồng/CP (tăng gần 8 lần), nay chỉ còn 1.200 đồng/CP; PPI từ mức giá 300 đồng/CP tăng lên gần 3.000 đồng/CP (tăng gần 10 lần), nay giảm chỉ còn 1.300 đồng/CP; VHG từ mức giá 600 đồng/CP tăng lên hơn 10.000 đồng/CP (tăng hơn 16 lần), sau đó giảm xuống chỉ còn hơn 4.000 đồng/CP; VKC từ mức giá 2.600 đồng/CP lên 18.400 đồng/CP (tăng 7 lần), nay còn dưới 5.000 đồng/CP.
Ấn tượng nhất là 2 mã CP liên quan đến Louis Holdings là: BII từ 700 đồng/CP lên gần 24.000 đồng/CP (tăng 34 lần), sau đó lao dốc xuống chỉ còn hơn 4.000 đồng/CP, và TGG từ 800 đồng/CP lên gần 75.000 đồng/CP (tăng 93 lần), rồi lao dốc về chỉ còn 6.000 đồng/CP.
Dù số lượng CP giao dịch với giá “bèo” tập trung chủ yếu ở sàn UPCoM. Thế nhưng, cũng trên sàn này số lượng CP có mức giá hơn 100.000 đồng/CP nhiều hơn số mã của sàn HoSE và HNX cộng lại.
Cụ thể, sàn UPCoM có 14 mã đang giao dịch trên mốc 100.000 đồng/CP là: CFM, FOC, GVT, HLB, IDP, IME, IN4, MCH, NDC, NTC, PAT, SIP, TAG, VEF. Trong khi đó, số mã CP đang giao dịch trên mức giá này tại sàn HoSE là 9 mã: GAB, GAS, MSN, PDN, PNJ, SAB, SVC, VCF, VJC. Sàn HNX chỉ có vỏn vẹn 3 mã là L14, SLS, WCS.
Hiện tại, mã CP có giá đắt nhất trên TTCK là VCF với giá tham chiếu trong phiên giao dịch ngàycuối tuần qua là 232.600 đồng/CP. Đáng nói là những mã CP có giá cao “chót vót” này cũng mất thanh khoản trầm trọng như: GVT, CFM, FOC, IN4, NDC, TAG, HLB, IDP, IME.
NĐT quá sợ CP rẻ
Có thể thấy, dù số lượng CP đang ở mức giá không thể thấp hơn, nhưng nhóm CP kể trên vẫn bị NĐT “ngó lơ”. Đơn cử 2 mã DNN và PTG không có bất cứ giao dịch nào trong vài năm trở lại đây. Thậm chí, các mã có giá nhỉnh hơn cũng nằm trong tình trạng không khả quan hơn như BCB, CPH, FBA, HHR, PTR, PTX, PXC, VDB.
Nguyên nhân khiến NĐT không còn “mặn mà” với nhóm CP giá rẻ, ngoài lý do đến từ sự thiếu vắng dòng tiền đầu cơ, còn có yếu tố tâm lý. Thực tế, sau chuỗi tăng giá không tưởng, những mã CP này thường tụt giảm kinh hoàng như đã nhắc ở trên. Chính vì vậy, nhiều NĐT, đặc biệt là NĐT F0 lỡ “đu đỉnh”, nay không thể bán cắt lỗ vì nhiều mã rơi vào tình trạng mất thanh khoản khi dòng tiền đầu cơ rút ra.
Ngoài các yếu tố trên, hoạt động sản xuất bết bát là nguyên nhân khiến cho giá CP giảm sâu. Lấy dẫn chứng từ các mã CP liên quan đến Louis Holdings, sau khi ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT bị bắt vì tội danh thao túng giá CK.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý II-2022, TGG gần như không có doanh thu tài chính, trong khi các chi phí khác lại tăng cao. Kết quả, TGG đã lỗ 13 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ lãi 43,6 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 quý bứt phá, doanh nghiệp này lại rơi vào vòng xoáy thua lỗ. Tương tự, BII báo lỗ hơn 9,4 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ ròng, EPS âm 274 đồng/CP.
Không chỉ hoạt động kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp này còn thường xuyên vi phạm các quy định về công bố thông tin trên TTCK. Đơn cử là DPS từng bị UBCKNN xử phạt 100 triệu đồng vì không công bố thông tin trên hệ thống các tài liệu gồm: BCTC các năm 2018, 2019, 2020 đã được kiểm toán, BCTC soát xét bán niên các năm 2019, 2020, 2021, nghị quyết và biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, 2020, 2021…
Hay như HLA bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch (chỉ giao dịch buổi chiều) với hàng loạt vi phạm như: không công bố thông tin ĐHĐCĐ thường niên, chậm công bố thông tin BCTC 45 ngày so với quy định.
Lý giải về hiện tượng CP “rác” của một bộ phận NĐT cá nhân, một chuyên gia CK, cho rằng việc NĐT F0 giải ngân vào CP giá rẻ có tính đầu cơ là điều hết sức bình thường.
Một khi vào đúng sóng thì hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn rất nhiều so với CP cơ bản. Tuy nhiên, rủi ro vô cùng lớn, nhất là với các NĐT chưa có kinh nghiệm. Thông thường NĐT đặt lệnh bán khó hơn rất nhiều so với mua, đặc biệt khi giá CP giảm mạnh với tâm lý chờ CP hồi.
Thực tế, doanh nghiệp dù xấu đến mức nào thì giá CP cũng có khả năng phục hồi sau đợt suy giảm, nhưng việc giữ CP mà chỉ dựa vào niềm hy vọng thường dẫn đến mất mát nhiều hơn.
“Một khi quyết định chờ đợi CP tăng trở lại, NĐT có thể bỏ lỡ rất nhiều CP khác. Để tránh sai lầm này, NĐT nên cân nhắc các cơ hội mà họ có thể bỏ lỡ nếu cố giữ một khoản đầu tư đang thua lỗ.
Hơn hết, NĐT nên xây dựng một danh mục đủ đa dạng để không một khoản đầu tư nào có thể khiến họ rơi vào khủng hoảng khi nó giảm giá mạnh”- vị chuyên gia này chia sẻ.
Hiện có hàng chục mã niêm yết trên UPCoM đang giao dịch ở mức giá “rác”: dưới 1.000 đồng/CP. Trong đó 2 mã CP có giá thấp nhất TTCK đang giao dịch ở mức giá… 200 đồng/CP. Đây là mức giá không thể xuống thấp hơn vì bước giá thấp nhất trong phiên là 100 đồng.