Thứ ba, 30/04/2024

Vài nét Năm Căn xưa

15/02/2022 6:30 PM (GMT+7)

Quê tôi ở vùng Giáp Nước, Vàm Đình, thuộc huyện Cái Nước, cách Năm Căn chỉ vài chục cây số. Cái Nước được xem như miệt đồng gạch nối giữa hai cánh rừng U Minh và Năm Căn. Ở đây ruộng lúa là chính, xen lẫn với vườn dừa, vườn tạp, lung trấp, đầm lầy, rừng chồi…


Năm 17 tuổi (1973), lần đầu tiên tôi đặt chân tới rừng đước Năm Căn. Là dân Cái Nước nên tôi không xa lạ gì với cây đước, cây mắm, cây giá…, với con cá thòi lòi, con vọp, ba khía, ốc len… do vùng này vẫn xen lẫn mặn - ngọt theo mùa. Nhưng quả tình, rừng Năm Căn ngày đó đã gây ấn tượng không phai mờ với tôi cho tới bây giờ. Sau mấy ngày nằm phục ở trạm giao liên, đêm đầu tiên khi vượt qua sông Bảy Háp, chúng tôi đến được với kinh Tư Là, xã Hàm Rồng (hồi đó là ấp).

Đặt chân tới rừng đước, đêm đầu tiên tôi thật sự hoảng sợ vì… muỗi. Muỗi ở Giáp Nước quê tôi cũng không phải ít, không ai có thể ngủ được khi không có mùng. Nhưng muỗi ở Năm Căn thì thật khủng khiếp, nếu bước ra khỏi vùng khói mẻ un, quơ tay là đụng muỗi lộp độp. Ngồi ăn cơm cũng thật khó bề, vì phải buông chén, buông đũa để liên hồi đập muỗi, cứ nơm nớp lo muỗi bay vào miệng đang nhai cơm. Thế nhưng, lạ thay, dân tại chỗ thì vẫn ngồi ăn điềm nhiên như không, như muỗi chẳng hề đốt họ. Thậm chí có anh say rượu cứ tự nhiên lăn ra ngủ trần, lâu lâu mới thấy cựa mình xua muỗi.


Vài nét Năm Căn xưa - Ảnh 1.

Gỗ đước ngày trước được khai thác chủ yếu để hầm than. Ảnh: TRẦN NGỌC LÂM

Cũng trong đêm đầu tiên đó, đám dân miệt đồng chúng tôi gặp ngay sự cố đầu tiên do không biết phong thổ. Khi chúng tôi đến đang lúc nước ròng, phải leo thang mới lên được đường cầu để đi vô nhà. Con rạch cạn nước trông thật nhỏ bé. Nhưng sáng ra vừa mở mắt đã thấy nước ngập lai láng cả rừng, nước lên mấp mé đường cầu và sàn nhà, con rạch trở nên lớn rộng. Nhưng nguy nhất là xuồng đậu dưới bến đã biến đâu mất dạng, dù hồi đêm mình đã cẩn thận cột cả dây mũi, dây lái. Hóa ra, vì nước lớn cao hơn nước ròng cả thước nên xuồng bị nhấn chìm đưới đáy nước, do xuồng bị cột dây hai đầu, be xuồng lại bị gài vô chang đước lúc nước dâng, báo hại dầm, chèo, sạp xuồng trôi mất hết.

Là dân miệt đồng, lần đầu tiên đi trên con đường cầu cả cây số, lót bằng những cây đước, dài theo xóm nhà nép mình hoàn toàn dưới tán rừng, vừa có cảm giác kinh ngạc, vừa thật đã mắt, cứ như đi trong một thế giới khác. Nhà cũng không phải ít, có đến vài chục cái. Cũng chẳng phải nhà nhỏ đơn sơ, có nhà rộng như cái hội trường, sàn lót ván đước láng bóng, chỉ có điều không nhà nào có cửa nẻo gì cả. Giữa xóm còn có ngôi Đền thờ Bác Hồ rất tôn nghiêm.

Nhưng phải sau khi vượt được sông Cửa Lớn đến với Rạch Gốc, Khai Long, Rạch Tàu… thì tôi mới cảm nhận được hết cái hùng vĩ của rừng đước Năm Căn. Có thể nói, ngày đó cỡ trên 80% diện tích tự nhiện của huyện Duyên Hải (gồm 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển ngày nay) nằm phủ kín dưới tán rừng, chủ yếu là đước. Chuyến đi ấy, suốt hàng chục ngày len lỏi trong rừng, ít khi nào nhìn thấy được bầu trời. Trên là lá đước, dưới là thân cây suôn thẳng, cao cỡ 15-20 thước. Bây giờ những vùng đước như vậy không còn nhìn thấy.

Gỗ đước ngày trước được khai thác chủ yếu để hầm than. Một tài liệu cũ cho biết, trước cách mạng Tháng Tám, than đước Cà Mau cung cấp 90% than đốt cho cả Nam Bộ. Sách "Cà Mau xưa" của Huỳnh Minh thống kê, trước năm 1960, vùng rừng đước Năm Căn có 838 lò than. Than đước có nhiệt lượng rất lớn, mỗi ký than đước cho đến 6.660 calo, gấp 2, 3 lần các loại than gỗ khác, chỉ sau than đá. Địa danh Năm Căn cũng liên quan đến than đước. Ngày xa xưa, địa điểm nằm bên bờ sông Cửa Lớn này xuất hiện 5 lò than đầu tiên. Khách thuỷ hành qua lại gọi đây là xóm Năm Căn, người trước truyền lại người sau, gọi mãi thành tên.Còn một ấn tượng khó quên nữa của vùng rừng đước Năm Căn với tôi trong chuyến đi này, đó là sự giàu có quá mức của tôm, cua, cá, nhất là con tôm, vì khi đó chỉ có con tôm khô là có được giá trị thương phẩm. Hồi đó rất ít người làm vuông. Cách khai thác tôm chủ yếu là đóng đáy. Khi nghe các chủ đáy hỏi nhau, hôm nay đáy anh kiếm được bao nhiêu? Có người thì 5, 7 chục ký, có người hơn trăm. Xin được nói cho rõ, những con số này là đã được người ta quy ra tôm khô. Nên biết, phải có 6 kg tôm tươi thì mới làm ra được 1 kg tôm khô. Tôm cá sau khi đóng đáy đem về được đổ trên mặt sàn rộng thường nằm kề mép nước, gọi là liếp lựa. Trên liếp lựa người ta chỉ lựa bắt con tôm thôi, còn cua thì để chúng tự do bò khỏi liếp, rơi rớt xuống nước, cá cũng bị gạt bỏ đi, thảng hoặc người ta mới bắt lại vài con cua gạch hay cá ngon, chủ yếu để làm mồi nhậu cho cánh đàn ông.

Vài nét Năm Căn xưa - Ảnh 2.

Đóng đáy bè trên sông Tam Giang. Ảnh: THANH DŨNG


Cũng trong chuyến đi đầu tiên này, tại bãi biển Rạch Tàu, tôi còn được chứng kiến một cách khai thác sò huyết hết sức ngoạn mục, đó là sạc sò. Người sạc sò ngồi trên một tấm ván, dùng chân đẩy nhẹ cho tấm ván trượt đi trên mặt bùn. Cứ phát hiện một lỗ tròn trên bãi hay nghe tiếng cọ nhẹ dưới tấm ván, đưa tay lượm ngay một con sò, bỏ vào cái thùng gỗ trên ván. Bằng cách đơn giản ấy, người lướt ván có thể di chuyển như bay trên bãi bùn, chẳng khác người ta trượt băng. Phương tiện thô sơ nhưng với tốc độ đáng ngạc nhiên ấy, trong một buổi nước ròng, người sạc sò có thể di chuyển đến vài chục cây số trên vùng đất mới hình thành này của Tổ quốc.

Trên con sông Cửa Lớn ngày đó còn có một cách đánh bắt rất hấp dẫn, là phóng lao để bắt cá dứa. Cá dứa là loại cá da trơn, mình trắng bạc, đuôi vàng lợt, có con nặng đến chục ký, thịt rất ngon, là loại thủy sản quý hiếm. Cá dứa rất mê ăn trái mắm. Tháng 9, tháng 10 âm lịch vào mùa trái mắm rụng, trôi theo sông, cá dứa ăn no trái mắm nổi lên, trôi lờ đờ trên mặt nước. Người đi săn một tay ghìm lao, gọi là cây xà búp, một tay lách chèo, xuồng nhẹ nhàng nương theo nước. Mỗi lần ngọn xà búp phóng đi, người đánh cá kéo cọng dây dài nối với cây xà búp là thu về một con cá dứa còn mắc trong mũi lao.

Đã nói đến đặc sản của rừng ngập mặn Năm Căn ngày đó không thể bỏ qua món ba khía Rạch Gốc. Rạch Gốc nằm phía bờ biển Đông, cách chót Mũi Cà Mau chỉ vài chục cây số. Cũng như hầu hết các nơi trên rừng đước, ở Rạch Gốc ba khía vẫn có quanh năm, nhưng hồi ấy người dân ở đây thường chỉ tập trung làm món ba khía muối vào mùa ba khía hội. Mùa hội của ba khía tập trung vào những đêm tối trời cuối tháng 9 và tháng 10 âm lịch. Vào những đêm hội, ba khía kéo nhau ra ven các sông rạch có dòng nước chảy đeo bám oằn cả thân cành các cây mắm, cây đước ven sông. Người đi bắt ba khía hội luôn thủ trên ghe những lu, hũ đã chứa sẵn nước muối hoà tan. Sau khi bắt, ba khía được rửa sạch bằng nước sông và đổ ngay vào các lu, hũ, xem như cả việc khai thác và chế biến đều hoàn tất.

Bắt ba khía vào mùa hội đa phần là ba khía cái và con nào cũng sẵn trong mai khối gạch son dự trữ, thành ra nó dễ thành món ngon. Một vài phân tích gần đây còn cho biết, vùng rừng Rạch Gốc là nơi tập trung loài cây mắm đen với mật độ cao. Tháng 9 và tháng 10 âm lịch cũng là mùa trái mắm chín rụng. Mắm đen là cây tích tụ nhiều nhất chất đạm trong lá và trái so với mọi loài cây của rừng ngập mặn. Trong quá trình phân huỷ, lá và trái mắm đen được các loài nấm tảo, các vi sinh vật ký sinh làm tăng lên từ 2-3 lần hàm lượng đạm, chúng cung cấp cho các loài thuỷ sản và giáp xác sống trên đất sa bồi ngập nước nguồn thức ăn phong phú dạng hạt. Con ba khía Rạch Gốc đã thụ hưởng thứ tinh hoa này của rừng và biển nên thành ra món ngon nổi tiếng.

Tôm khô Đất Mũi, than đước Năm Căn và ba khía Rạch Gốc từng có một thời kỳ dài đóng vai trò chỉ dẫn địa lý cho vùng rừng ngập mặn Cà Mau.

Vài nét Năm Căn xưa - Ảnh 3.

Làng nghề tôm khô ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Ảnh: THANH DŨNG


Dấu vết xa xưa nhất về sự có mặt của cư dân người Việt đến định cư ở Mũi Cà Mau còn lưu được đến ngày nay là sắc phong của vua Tự Đức cho người có công quy dân, lập ấp đầu tiên ở vùng Viên An, đó là ông Nguyễn Văn Đức. Ngày xưa, xã Viên An chỉ là một xóm nhỏ ở rạch Cái Xép. Thời kỳ Lê Văn Khôi nổi loạn chống triều đình nhà Nguyễn, đánh chiếm thành Phiên An (Gia Định) và 6 tỉnh Nam Kỳ (năm 1833), vùng Viên An nổi lên nạn giặc cướp Chà Và (hải tặc Mã Lai), dân địa phương quen gọi là giặc Tàu Ô (tàu có buồm đen), thường hay theo sông Cửa Lớn vô đánh cướp của cải, tàu bè và bắt đàn bà con gái. Nguyễn Văn Đức là người can trường, giỏi võ nghệ, đã quy tập tráng đinh đánh dẹp giặc cướp tại rạch Đốc Neo (Nhưn Miên). Từ đó, dân chúng tôn ông làm thủ lĩnh bảo vệ lương dân, mở mang việc làm ăn, quy tập được nhiều tráng đinh đổ về và lập nên làng Viên An. Khi ông mất, dân làng lập đền thờ ông như một tiền hiền khai khẩn và vua Tự Đức đã ban sắc phong thần cho ông. Sắc phong đó con cháu ông vẫn còn lưu giữ đến ngày nay và đã được Bảo tàng Cà Mau ghi nhận.



Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Nắng nóng, các điểm vui chơi tại TP.HCM vẫn đông đúc dịp lễ 30/4

Nắng nóng, các điểm vui chơi tại TP.HCM vẫn đông đúc dịp lễ 30/4

Người dân TP.HCM bắt đầu đổ về các điểm tham quan, vui chơi nhiều hơn vào ngày 29/4, tức ngày thứ ba của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bất chấp nắng nóng. Suối Tiên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhộn nhịp, khách chuộng những nơi có nhiều khu vực "giải nhiệt".

Đông đúc chợ đêm TP.HCM

Đông đúc chợ đêm TP.HCM

Dịp nghỉ lễ này, thời tiết nắng nóng nên nhiều gia đình ở TP.HCM không đi chơi xa và buổi tối thường đi đến các chợ đêm (còn gọi là phố ẩm thực) để vui chơi, mua sắm, ăn uống. Có chợ đêm lượng khách tăng gần gấp đôi ngày thường.

Thái Lan có đến 3 thành phố được người Việt đổ xô tìm kiếm, đi du lịch lễ 30/4

Thái Lan có đến 3 thành phố được người Việt đổ xô tìm kiếm, đi du lịch lễ 30/4

Các thành phố được mệnh danh là thiên đường du lịch ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á được người Việt yêu thích. Đáng chú ý, Thái Lan có đến 3 thành phố được người Việt quan tâm dịp lễ 30/4 này.

Những món nghe tên ngồ ngộ nhưng thưởng thức thơm ngon tại Cần Giờ

Những món nghe tên ngồ ngộ nhưng thưởng thức thơm ngon tại Cần Giờ

Cần Giờ được biết là một ốc đảo xanh tươi nhờ thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt với nhiều sản vật tươi sống, tạo nên nền ẩm thực Cần Giờ phong phú và đa dạng như Gỏi cá thòi lòi trộn lá lìm kìm, Lẩu ba khía lá buôi, Cá dứa một nắng, địa sâm...

Du khách ùn ùn lên đường đi chơi lễ 30/4

Du khách ùn ùn lên đường đi chơi lễ 30/4

Người dân ùn ùn đi du lịch lễ 30/4. Các điểm đến như du lịch biển và vùng núi với khí hậu mát mẻ được ưu tiên hàng đầu.

Đặc sắc Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Đặc sắc Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn, Quận 1, TP.HCM đang thu hút nhiều người dân, du khách đến vui chơi và thưởng thức. Đây là lần đầu tiên Thảo cầm viên Sài Gòn tổ chức lễ hội ẩm thực để thu hút thêm nhiều du khách đến đây vui chơi vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.