Thời gian qua, nhiều tập đoàn đa quốc gia từ Intel, Samsung đã có động thái mở rộng đầu tư nghiên cứu, sản xuất chip cũng như chất bán dẫn tại Việt Nam.
Sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư thuận lợi và sự nhất quán trong chính sách đã giúp Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ðó cũng là nhận định của nhiều chuyên gia và báo chí quốc tế gần đây.
Nhiều trang báo quốc tế gần đây đưa tin về việc Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ sẽ đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch và hỗ trợ thành lập trung tâm thiết kế chip bán dẫn tại Việt Nam. Trong bối cảnh chạy đua công nghệ Mỹ - Trung Quốc tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đang chuyển hướng đầu tư và đào tạo sang Việt Nam như một chiến lược tái cân bằng hoạt động.
"Lợi thế chính của Việt Nam là cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi, với chi phí lao động tương đối thấp. Việt Nam cũng tự hào có một chính phủ rất cởi mở và tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư nước ngoài, một hệ sinh thái kinh doanh ngày càng phát triển, sẵn sàng học hỏi và cải thiện. Mạng lưới Hiệp định thương mại tự do rộng khắp cũng giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường các nước khác", ông Fillippo Botorletti, Giám đốc Văn phòng Dezan Shira Việt Nam, đánh giá..
Trang Vietnam-Briefing đánh giá, việc Samsung lựa chọn Việt Nam để sản xuất chất bán dẫn nói lên tiềm năng của Việt Nam như một trung tâm sản xuất mới nổi. Các khoản đầu tư này cũng sẽ là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều doanh nghiệp địa phương, qua đó nâng cao sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.
"Việc Việt Nam xuất hiện trong các phương án cân nhắc của các tập đoàn công nghệ lớn là một điều tuyệt vời. Nhờ đó, xuất khẩu từ khối FDI sẽ được đẩy cao hơn nữa, không chỉ dừng lại ở con số ấn tượng hiện tại", ông Philipp Rosler, nguyên Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhận định.
Dù triển vọng tích cực, song các chuyên gia cũng khuyến cáo Việt Nam cần tăng cường ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, cũng như mở rộng chính sách thu hút các doanh nghiệp tầm trung nằm trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
"Tôi nghĩ Việt Nam đã làm khá tốt, Việt Nam đã trở thành quốc gia thu hút FDI nhiều thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore, tuy nhiên vẫn còn một số nút thắt. Ví dụ như tinh giản hơn nữa thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và tiếp tục cải thiện khung pháp lý, cũng cần cải thiện trình độ của lao động địa phương, bởi đó là một trong những điểm nghẽn chính của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, chứ không riêng gì ngành bán dẫn", ông Fillippo Botorletti, Giám đốc Văn phòng Dezan Shira Việt Nam, cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần có chiến lược trung và dài hạn để hướng đến tự chủ công nghệ chip bán dẫn, thu hút một lượng lớn các tập đoàn công nghệ gia tăng đầu tư trực tiếp, thành lập hoặc mở rộng trung tâm nghiên cứu và sản xuất các thiết bị công nghệ ngay tại Việt Nam.