Từ khoảng 5 năm nay, người dân đã dần quen với những điểm giao dịch ngân hàng không cần nhân viên đứng quầy theo mô hình LiveBank của Tiên Phong – ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ trên môi trường số, từ bước đầu tiên là mở tài khoản, cho đến mở thẻ, gửi tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm.
Lần lượt sau đó, dưới các hình thức khác nhau, đã có 20 ngân hàng triển khai việc mở tài khoản, mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC). Theo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 11-2022, cả nước có khoảng 18,8 triệu tài khoản, thẻ eKYC được người dùng khai mở chỉ bằng máy tính, điện thoại di động, thiết bị điện tử cá nhân mà không cần tiếp xúc nhân viên ngân hàng.
Ngành ngân hàng cũng đang đi tiên phong so với nhiều lĩnh vực khác trong lĩnh vực chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa 100%. Các ngân hàng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân...
Ngân hàng điện tử, nền tảng pháp lý còn sơ khai
Trong khi các sản phẩm dịch vụ có ứng dụng công nghệ của ngành ngân hàng đang bùng nổ như vậy thì khung pháp lý dành cho hoạt động này còn có phần khiêm tốn.
Luật Các các tổ chức tín dụng 2010 dù được sửa đổi bổ sung năm 2017 vẫn chỉ có duy nhất hai điều khoản đề cập tới “ngân hàng điện tử” với nội dung là “theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”. Dưới luật thì năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 101, nhưng tập trung điều chỉnh vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, chưa bao quát được “ngân hàng điện tử”.
Còn văn bản quy phạm pháp luật dưới cùng là cặp thông tư của Ngân hàng Nhà nước, gồm Thông tư 23/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, được sửa đổi, bổ sung năm 2020; Thông tư 19/2016 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ ngân hàng, mới được sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Ở một trục pháp lý khác điều chỉnh “giao dịch điện tử”, đạo luật duy nhất đến thời điểm này là Luật Giao dịch điện tử 2005, khi mà internet mới vào Việt Nam được vài năm. Ở tầm thấp hơn là Nghị định 35/2007 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, và dưới cùng là Thông tư 28/2015 của Ngân hàng Nhà nước về chữ ký số và chứng thực chữ ký số, được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Liệu có thể luật hóa chi tiết hơn?
Tại thời điểm này, khi Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng, vấn đề mà các nhà băng quan tâm là liệu khuôn khổ pháp lý của ngân hàng điện tử có được quan tâm hoàn thiện?
Nếu theo dự thảo mà Ngân hàng Nhà nước công bố lấy ý kiến xã hội thì đã không còn khái niệm “ngân hàng điện tử” nữa. Thay vào đó là một điều luật về “giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng”, quy định chung chung, dẫn chiếu sang quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật về giao dịch điện tử. Liền đó là điều khoản về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) do Chính phủ quy định khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại cuộc tọa đàm góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hôm qua, 8-3, đại diện các ngân hàng thương mại tỏ ra băn khoăn về khả năng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoàn thiện quy định về giao dịch điện tử. Chẳng hạn, BIDV cho rằng các sản phẩm công nghệ, sản phẩm số đang phát triển không ngừng, và các ngân hàng với nguồn lực sẵn có sẽ liên tục ứng dụng công nghệ mới. Nếu quản lý nhà nước không theo kịp thì sẽ cản trở sự phát triển…
Một chi tiết khác, dự thảo quy định việc ngừng giao dịch phải được ngân hàng, công ty tài chính công bố tại nơi giao dịch trước 24 giờ. Vậy với các hình thức giao dịch điện tử trên website, ứng dụng điện tử thì đâu là nơi giao dịch, và các tình huống sự cố mạng hoặc thiết bị nằm ngoài phạm vi ngân hàng thì dự liệu thế nào?
Điểm mới nhất của dự luật là điều khoản về sandbox, cho phép cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Một vị Phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại cho rằng tại nhiều diễn đàn, các ngân hàng liên tục đề nghị sớm có hành lang pháp lý cho sandbox. Ngân hàng Nhà nước cũng đã mấy năm nay dự thảo một nghị định sandbox trong lĩnh vực ngân hàng, với nhiều lần lấy ý kiến nhưng vẫn chưa thể ban hành.
Vậy nên chăng, với việc sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng lần này, Quốc hội nên quy định cụ thể hơn khuôn khổ pháp lý về “ngân hàng điện tử” hay “giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng”, và cả cơ chế sandbox trong lĩnh vực ngân hàng nữa, thay vì giao lại cho Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.
Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.
Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ
Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?
Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?