Quyết định 15 có nhiều ưu điểm nhưng còn tồn tại bất cập
Là một trong những địa phương "nóng" về tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, đặc biệt là vụ việc Công ty CP địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện làm Chủ tịch HĐQT đã cầm đầu nhóm 18 bị can là anh em, người thân ruột thịt của Luyện lập ra 22 công ty trực thuộc Alibaba và lập nhiều dự án "ma", phân lô bán nền trái phép để lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng.
Sau khi các vụ việc phân lô bán nền trái phép diễn ra tràn lan, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong vấn đề tách thửa, vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể, ngày 20/9/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Quyết định 15 được đánh giá có nhiều ưu điểm, kịp thời khắc phục được những hạn chế của Quyết định 18/2019/QĐ-UBND ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nội dung tương tự được ban hành và áp dụng trước đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Quyết định 15 còn tồn tại những bất cập về điều kiện tách thửa đất ngoài đô thị như phải thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt.
Cụ thể, điểm d khoản 2 Điều 3 Quyết định 15 quy định: "Đối với thửa đất ngoài đô thị, thực hiện tách thửa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt thì áp dụng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy chế quản lý kiến trúc (nếu có) được duyệt".
Thực tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều khu vực như huyện Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Côn Đảo và một phần thị xã Phú Mỹ chưa bao phủ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, là một trong những điều kiện để được tách thửa.
Nhiều Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, thị xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã áp dụng Quyết định 15, từ chối xử lý nhiều hồ sơ của người dân có nhu cầu tách thửa do không có quy hoạch 1/500, quy hoạch 1/2.000 trong khi việc lập quy hoạch là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thời gian qua, nhiều người dân đã phản ánh vướng mắc này đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mong muốn chính quyền sớm sửa đổi Quyết định 15 nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân cũng như tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về vấn đề đất đai, xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Phương, người dân ngụ tại xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ phản ánh, gia đình ông có nhu cầu tách thửa nhưng đã bị Văn phòng đăng ký đất đai từ chối với lý do khu vực này chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2000 theo quy định.
"Quyết định 15 của UBND tỉnh còn nhiều bất cập khiến quyền lợi chính đáng của người dân bị "treo", chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm sửa đổi quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu tách thửa đất", ông Phương bày tỏ.
Theo ông Thái Tăng Lâm - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Đức, Quyết định 15 của UBND tỉnh ngoài những ưu điểm tạo điều kiện cho người dân cũng như cơ quan chức năng, nhưng cũng gây khó khăn trong việc tách thửa đất ở tại các địa phương.
Còn theo ông Trần Thanh Nhàn – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đất Đỏ, hiện nay nhu cầu tách thửa của người dân trên địa bàn rất nhiều, đa phần là tách thửa để chuyển nhượng hoặc cho con cái. Khi giải quyết hồ sơ tách thửa, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện phải căn cứ vào những quy định của Quyết định số 15.
Từ đầu tháng 10/2021 đến cuối tháng 3/2022 , Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện mới chỉ giải quyết tách thửa cho 11 hồ sơ xin tách thửa đất ở và 52 hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá, đã có những phát sinh khó khăn, vướng mắc khi một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh chưa được phủ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng về tách thửa của người dân.
Tiếp nhận phản ánh từ người dân, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp với UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các sở ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định nào được thay đổi.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã giao Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn theo thẩm quyền.
Để chấn chỉnh tình trạng tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp sai Quyết định 15, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương lập đoàn thanh tra kiểm tra tình hình quản lý đất đai, xây dựng, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm tại các huyện, thị xã, thành phố, có biện pháp xử lý, chế tài đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức thi công công trình hạ tầng kỹ thuật mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Đồng thời khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 15, làm rõ các phản ánh liên quan đến điều kiện để được tách thửa, và các tồn tại hiện nay; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng đất khi thực hiện thủ tục tách thửa đất, nhằm hạn chế sử dụng đất không đúng mục đích và xây dựng trái pháp luật.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc