Biến bánh mì Việt Nam thành món ăn phổ biến toàn cầu, ai cũng có thể thưởng thức
Tường Thụy
01/04/2025 11:16 AM (GMT+7)
Phiên bản quốc tế đầu tiên của Lễ hội Bánh mì Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức ở Úc vào tháng 9/2025, đánh dấu bước tiến đầy hứng khởi nhằm quảng bá món ăn được yêu thích của Việt Nam đến với nhiều thực khách hơn nữa.
Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 3 (tại TP.HCM) vừa diễn ra ngày 21-24/3/2025 ở công viên Lê Văn Tám, quận 1, với hơn 150 gian hàng, tăng hơn 30% so với lần thứ nhất và lần thứ hai vào năm 2023 và 2024. Với chủ đề "Giòn ngon bánh mì - đậm vị cà phê", lễ hội nhấn mạnh sự kết hợp giữa hai biểu tượng ẩm thực Việt Nam là bánh mì và cà phê Việt.
Một mô hình bánh mì tại Lễ hội Bánh mì Việt Nam 2025 tại TP.HCM
trong tháng 3/2025. Ảnh: Nam Anh
Hàng ngàn người yêu thích ẩm thực, đầu bếp và chuyên gia trong ngành đã quy tụ tại sự kiện Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 3để cùng vinh danh món ăn tuy giản dị nhưng rất nhiều người Việt và người nước ngoài dùng thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, “tiết lộ” rằng lễ hội Bánh mì Việt Nam phiên bản quốc tế dự kiến lần đầu sẽ có mặt tại Úc vào tháng 9/2025.
Nếu tăng thêm nhiều ý tưởng mới, Lễ hội Bánh mì có thể nâng tầm tính phong phú, đa dạng và nghệ thuật của ẩm thực Việt Nam trên toàn cầu, theo TS Daisy Kanagasapapathy, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam (thuộc Đại học RMIT tại Úc).
Bà chia sẻ: “Trong lễ hội lần 3, tôi có cơ hội tham dự một hội thảo khoa học nơi các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện đầu ngành chia sẻ hiểu biết sâu sắc về lịch sử phát triển, tác động kinh tế và chiến lược quảng bá bánh mì Việt trên toàn cầu. Các cuộc thảo luận đã củng cố ý tưởng rằng bánh mì không chỉ là một món ăn mà còn là đại sứ ẩm thực của Việt Nam”.
Thành công to lớn của Lễ hội Bánh mì lần 3 đã đặt ra một câu hỏi thú vị: Liệu lễ hội này có thể mở rộng ra ngoài phạm vi thành phố hay không? Câu trả lời từ TS Daisy là: "Hoàn toàn có thể”! Theo nhận định của bà, giống như cách pizza, taco và burger đã trở thành biểu tượng toàn cầu của các nền văn hóa nơi những món ăn này ra đời, bánh mì Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành món ăn đường phố được yêu thích trên toàn thế giới.
Văn hóa ẩm thực đường phố ưu tiên tính tiện lợi nhưng quan trọng là vẫn phải hạn chế tác động đến môi trường, đặc biệt là tác động tiêu cực từ rác thải bao bì. Lễ hội Bánh mì Việt Nam có thể tiên phong khuyến khích các nhà cung cấp áp dụng chính sách không sử dụng nhựa. Đây là một đề xuất của vị tiến sĩ từ RMIT.
Thứ nhì, các ý tưởng sáng tạo là rất cần thiết để duy trì sự sôi động và phong phú của Lễ hội Bánh mì. Giải thích cho đề xuất thứ nhì, bà Kanagasapapathy cho biết dù những công thức chế biến truyền thống vẫn là nền tảng vững chắc để thu hút thực khách, người tiêu dùng hiện đại cũng ngày càng ưa chuộng các hương vị mới, các lựa chọn tốt cho sức khỏe và những cách biến tấu sáng tạo.
Món bánh mì Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu. Ảnh:
Pexels
Theo đó, lễ hội có thể giới thiệu một không gian dành riêng cho những ý tưởng đổi mới, nơi các đầu bếp và thợ làm bánh có thể thử nghiệm với các loại nhân bánh làm từ thực vật, vỏ bánh không chứa gluten và phong cách Fusion (xu hướng pha trộn các món ăn từ truyền thống đến hiện đại) lấy cảm hứng từ ẩm thực toàn cầu. Bằng cách giới thiệu hạng mục bánh mì hảo hạng mà thế giới gọi là Gourmet, lễ hội có thể nâng tầm món bánh mì với các phiên bản cao cấp có thành phần như thịt bò wagyu, pa-tê nấm truffle và phô-mai thủ công, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa ẩm thực đường phố và ẩm thực cao cấp.
Đối với giải pháp kế tiếp, TS Daisy đề xuất rằng các lễ hội trong tương lai có thể tích hợp các tọa đàm hay hội thảo tương tác nhằm giúp khách tham quan tìm hiểu quy trình phức tạp để chế biến từng thành phần trong một chiếc bánh mì, từ nướng vỏ bánh đến pa-tê tự làm và chế biến đồ chua đi kèm sao cho có được hương vị hài hòa lý tưởng. Những trải nghiệm “tận mắt, tận tay” như vậy sẽ làm phong phú thêm lễ hội và khuyến khích khách tham quan đưa món ăn Việt này vào chính căn bếp của họ, giúp lan tỏa hơn nữa ảnh hưởng của bánh mì Việt.
Danh tiếng toàn cầu của bánh mì có thể được mở rộng hơn nữa thông qua việc hợp tác với các đầu bếp trong và ngoài nước. Vì vậy, việc mời các đầu bếp đạt sao Michelin đến để biến tấu lại món bánh mì hoặc tổ chức cuộc thi nếm thử bánh mì do các chuyên gia ẩm thực đánh giá sẽ thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông, theo gợi ý của bà Kanagasapapathy.
Trong đề xuất kế tiếp, vị tiến sĩ cho rằng để duy trì đà phát triển của lễ hội, cần có các chiến dịch marketing sáng tạo nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của bánh mì vượt khỏi khuôn khổ sự kiện. Có thể tổ chức "Thử thách Bánh mì" trên mạng xã hội, nơi những người có sức ảnh hưởng và các tín đồ ẩm thực giới thiệu các biến thể yêu thích của họ, qua đó thúc đẩy tương tác “viral” để lan truyền mạnh mẽ trên mạng. Để thu hút khách du lịch ẩm thực, có thể tổ chức các tour du lịch ẩm thực đường phố có hướng dẫn viên, đưa du khách đến với những hàng bánh mì ngon nhất trên cả nước.
Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, Phó chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam
Ngoài ra, việc bán sách dạy nấu ăn, túi vải và quần áo theo chủ đề bánh mì có thể biến món ăn này thành một biểu tượng phong cách sống, giống như các món ăn đường phố khác được công nhận trên toàn cầu.
Vị tiến sĩ người Malaysia tin rằng Lễ hội Bánh mì Việt Nam không chỉ là dịp tôn vinh món bánh mì mà còn là cơ hội để định nghĩa lại bản sắc ẩm thực toàn cầu của Việt Nam, đồng thời tạo tiền lệ tốt về tính bền vững và đổi mới cho các sự kiện ẩm thực trong tương lai. Bà tin rằng câu hỏi sẽ không còn là “liệu bánh mì có trở thành biểu tượng toàn cầu hay không?” mà là “khi nào điều đó sẽ trở thành hiện thực?”.
TS Daisy chia sẻ: “Lễ hội Bánh mì Việt Nam là một lời nhắc nhở vô cùng hấp dẫn rằng đôi khi những món ăn đơn giản nhất lại có tác động mạnh mẽ nhất”.
Nắm bắt nhu cầu yêu thích “săn” mây của giới trẻ, dọc tuyến đường của đỉnh đèo Vi ô lắc, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum, một số cá nhân đã chọn điểm và dựng chòi để phục vụ cho số này.
Nhiều quán cà phê ở Hà Nội đã sớm tô điểm không gian bằng sắc đỏ rực rỡ của cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ Giải phóng, hướng về ngày 30/4 – dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước....
Không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế đến TP.HCM dịp lễ 30/4 này cũng tăng mạnh; các tour tham quan di tích lịch sử, thăm địa đạo Củ Chi đông khách từ tháng 3.
Theo đó, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Nam tại Hội chợ VITM Hà Nội 2025, Sở Du lịch Quảng Nam đã công bố chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến với xứ Quảng.
Nắm bắt nhu cầu yêu thích “săn” mây của giới trẻ, dọc tuyến đường của đỉnh đèo Vi ô lắc, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum, một số cá nhân đã chọn điểm và dựng chòi để phục vụ cho số này.
Nhiều quán cà phê ở Hà Nội đã sớm tô điểm không gian bằng sắc đỏ rực rỡ của cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ Giải phóng, hướng về ngày 30/4 – dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước....
Không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế đến TP.HCM dịp lễ 30/4 này cũng tăng mạnh; các tour tham quan di tích lịch sử, thăm địa đạo Củ Chi đông khách từ tháng 3.
Theo đó, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Nam tại Hội chợ VITM Hà Nội 2025, Sở Du lịch Quảng Nam đã công bố chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến với xứ Quảng.