Hàng loạt dự án “đắp chiếu”
Một trong số các dự án trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm, phải kể đến là Dự án Đông Bình Dương tọa lạc tại phường Tân Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có tổng diện tích 126 ha, do Công ty TNHH Phát triển Đông Bình Dương làm chủ đầu tư.
Vào năm 2018, khi mới có quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chủ đầu tư đã tiến hành thi công các hạng mục hạ tầng trong dự án. Sở Xây dựng Bình Dương đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc chủ đầu tư ngưng thi công và khắc phục.
Mặc dù chưa đủ pháp lý nhưng chủ đầu tư đã giao cho đơn vị phân phối mở bán, tiến hành thu tiền, huy động vốn từ khách hàng thông qua hình thức “hợp đồng hợp tác đầu tư” với mức thu từ 70%-95% tổng giá trị hợp đồng.
Đến nay, khách hàng trong tình trạng “chới với”, chờ đợi trong vô vọng vì dự án “đắp chiếu”. Theo Sở Xây dựng Bình Dương, hiện chủ đầu tư dự án đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương về phân kỳ tiến độ và dự án vẫn chưa đền bù, giải tỏa xong.
Dự án Khu nhà ở thương mại Suối Giữa đang là bãi đất trống bị người dân liên tục khiếu kiện |
Tương tự, Dự án Khu nhà ở Suối Giữa (TP Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu TPHCM làm chủ đầu tư. Dự án được UBND TP Thủ Dầu Một phê duyệt theo quyết định 1192 ngày 24/10/2012 với tổng diện tích tự nhiên 306.348,6m2. Sau đó, dự án được điều chỉnh diện tích còn 306.328,3m2, giảm 20,3m2 so với tổng diện tích đã được duyệt trước đó.
Ngày 3/8/2015, UBND TP Thủ Dầu Một tiếp tục có quyết định 2577 về việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch dự án nhà ở thương mại Suối Giữa. Theo đó, dự án được tiến hành theo 2 giai đoạn: Từ năm 2015 – 2017, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hệ thống giao thông và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Từ năm 2017 – 2019, chủ đầu tư phải hoàn thiện các hạng mục chức năng còn lại trong quy hoạch. Các công trình công cộng sẽ hợp tác với chủ đầu tư cấp II tham gia đầu tư.
Đến cuối năm 2017, dù chưa đủ tính pháp lý, chủ đầu tư đã cho đơn vị phân phối rao bán đất nền qua hình thức tổ chức ký hợp đồng nhận tiền đặt cọc của hàng trăm khách hàng. Đến nay, dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, khách hàng treo băng rôn gây sức ép với chủ đầu tư.
Năm 2017, anh Nguyễn Văn T đã chi tiền mua các lô đất tại dự án Suối Giữa. Tuy nhiên, sau gần 5 năm, dự án vẫn “đắp chiếu”. Anh T và rất đông khách hàng nhiều lần tập trung căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án hoặc trả lại tiền và vẫn mòn mỏi chờ đợi.
Khách hàng treo băng rôn tố cáo chủ đầu tư tại dự án Khu nhà ở thương mại - dịch vụ Contentment Plaza |
Dự án Khu nhà ở thương mại - dịch vụ Contentment Plaza (Roxana Plaza) tại TP Thuận An, do Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Đầu tư bất động sản Tường Phong làm chủ đầu tư, được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2010. Mặc dù dự án chưa đủ điều kiện để bán nhà hình thành trong tương lai nhưng chủ đầu tư đã ủy quyền cho đơn vị phân phối mở bán, huy động vốn trái phép. Đây là dự án liên tục bị khách hàng kéo đến treo băng rôn, tố cáo chủ đầu tư lừa đảo. Đáng nói, trong khi khách hàng đang đi đòi quyền lợi thì chủ đầu tư và đơn vị phân phối “đấu tố” nhau khiến những ai bỏ tiền mua nhà như đứng trên “đống lửa”.
Anh Nguyễn Anh Đức, người mua căn hộ A1-0939 của dự án Khu nhà ở thương mại - dịch vụ Contentment Plaza, cho biết: “Sau 5 năm đóng tiền cho chủ đầu tư, đến nay tôi và hàng khách hàng khác đều chưa được bàn giao nhà. Chúng tôi đang rất lo lắng”.
Một dự án khác cũng trong tình trạng “đắp chiếu” dù đã xây dựng xong phần thô là Dự án Vista Riverside (TP Thuận An) có tổng diện tích gần 4.000 m2, gồm 2 block với 528 căn hộ. Trước đó, năm 2018 tuy dự án chưa đầy đủ pháp lý, chưa được phép bán nhà hình thành trong tương lai, đơn vị phát triển dự án vẫn tiến hành mở bán, huy động vốn.
Sau khoảng 4 năm đóng tiền mua căn hộ tại dự án Vista Riverside đến nay nhiều khách hàng vẫn mòn mỏi chờ đợi nhận nhà trong vô vọng.
Dự án Vista Riverside hay còn gọi là Eden Riverside sau nhiều năm vẫn chưa bàn giao nhà khiến khách hàng bức xúc |
Anh Nguyễn Thái H (một khách hàng của dự án Vista Riverside) cho biết, anh và nhiều người khác đóng tiền mua căn hộ của dự án từ năm 2018, đã hoàn tất số tiền đợt 6 (70% tiền nhà). Theo cam kết ban đầu của đơn vị phát triển, anh H sẽ được bàn giao căn hộ vào quý 2/2020 (hợp đồng mua bán với chủ đầu tư cam kết giao nhà trong quý 2/2021).
“Đến nay, chúng tôi vẫn chưa được chủ đầu tư thông báo ngày nhận nhà dù rất nhiều lần đến hỏi và họ hứa rồi thất hứa”, anh H. nói.
Ngành chức năng nói gì?
Đại diện Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh có trên 520 dự án phát triển nhà ở thương mại. Ngoài các dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành, toàn tỉnh có trên 350 dự án nhà ở đang triển khai.
Qua kiểm tra, ngành chức năng Bình Dương đã thống kê được đến nay có trên 20 dự án phát triển nhà ở thương mại đang phát sinh hiện tượng người dân tập trung đông người khiếu kiện.
Lý giải việc các dự án trong tình trạng “đắp chiếu”, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương) cho biết hầu hết các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ lâu. Có dự án được chấp thuận từ năm 2003, dẫn đến phải chịu điều chỉnh chuyển tiếp của nhiều văn bản quy định pháp luật được ban hành sau thời điểm dự án được chấp thuận chủ trương.
Theo ông Vinh, các dự án chậm triển khai dẫn đến năng lực tài chính thực hiện dự án của các chủ đầu tư bị suy giảm do chi phí đầu tư tăng theo thời gian, như giá vật liệu, nhân công, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, lãi suất ngân hàng… dẫn đến việc chậm triển khai.
Ngành chức năng sẽ thông báo về pháp lý của dự án và khu đất được phép xây dựng để người dân nắm |
Ông Vinh cho biết thêm, Sở Xây dựng đã đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp với chủ đầu tư tổ chức cắm bảng thông tin liên quan đến pháp lý dự án, thông tin dự án đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm, tránh mập mờ khiến người dân mua phải dự án chưa đủ pháp lý.
“Chúng tôi liên tục cập nhật, công bố trên cổng thông tin điện tử của sở các dự án đủ điều kiện mở bán, đồng thời nêu tên các dự án có hành vi vi phạm để người dân nắm, tránh rủi ro về sau", Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương Võ Hoàng Ngân nói.
“Từ năm 2021 đến nay trên địa bàn đã xảy ra 25 vụ khiếu kiện với hơn 1.000 lượt người dân là khách hàng mua đất nền, căn hộ tại các dự án bất động sản tụ tập, căng băng rôn tố cáo các chủ đầu tư dự án. Công an tỉnh Bình Dương vào cuộc điều tra, đã khởi tố 5 vụ án, bắt tạm giam 12 bị can để điều tra liên quan đến 18 dự án bất động sản trên địa bàn”, đại tá Trịnh Ngọc Quyên – Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết
Theo Tiền Phong
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc