Quốc lộ 22 (đi qua huyện Hóc Môn, TP HCM), tuyến đường huyết mạch kết nối TP HCM - Tây Ninh (cửa khẩu quốc tế Mộc Bài) đã quá chật so với nhu cầu giao thông hiện tại. Hầu như ngày nào đoạn từ ngã tư Bến xe An Sương đến cầu An Hạ đều ùn ứ vào giờ cao điểm.
Mong sớm triển khai
Ghi nhận trên tuyến đường này cho thấy mỗi sáng, hàng trăm lượt phương tiện từ Tây Ninh xếp hàng, nối đuôi nhau vào trung tâm TP HCM, nhất là các đoạn qua ngã tư Hóc Môn, ngã tư Trung Chánh.
Mỗi tuần đều đặn 6 lượt đi - về vận chuyển rau củ từ Tây Ninh đến TP HCM, anh Nguyễn Văn Trung (tài xế Công ty Vận chuyển Hàng hóa AX) lắc đầu ngán ngẩm: "Từ Tây Ninh xuống An Sương mất gần 2 giờ, hôm nào không kẹt xe thì hơn 1 giờ. Bởi vậy, nghe cao tốc TP HCM - Mộc Bài được đầu tư, ai cũng mừng, chỉ mong ngày khởi công đến sớm".
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, nói tầm quan trọng và tính cấp thiết đã quá rõ, bởi tuyến này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa tỉnh Tây Ninh với TP HCM mà còn kết nối thông thương với các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên qua tuyến Vành đai 3, Vành đai 4.
"Hành trình rút ngắn thì chi phí vận chuyển sẽ giảm, doanh nghiệp và người dân đều được lợi. Vấn đề là Vành đai 3 đã khởi công rồi, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ cao tốc TP HCM - Mộc Bài để bảo đảm tính đồng bộ khi Vành đai 3 đưa vào khai thác" - ông Quản đề xuất.
Phân tích sâu về vai trò của cao tốc trên đối với Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nói khu kinh tế này nằm trên trục đường xuyên Á, tuyến hành lang phía Nam quan trọng của tiểu vùng Mê Kông, kết nối TP HCM - Phnom Penh - Bangkok, có độ mở giao thương lớn.
Mộc Bài có thể trở thành điểm trung chuyển quan trọng kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ - TP HCM - Mộc Bài - Vương quốc Campuchia và tiểu vùng sông Mê Kông.
Bên cạnh đó, Mộc Bài nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trục kết nối giữa cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hình thành bộ 3 cửa khẩu, cảng quan trọng hội đủ yếu tố "đường biển - đường hàng không và đường bộ" của vùng.
Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài góp phần mở rộng không gian phát triển cho TP HCM và vùng Đông Nam Bộ gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại của quốc gia. Vì vậy, việc đẩy nhanh thực hiện tuyến đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài là vô cùng cấp thiết.
Cơ chế đặc thù đẩy nhanh dự án
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông), để đẩy nhanh tiến độ dự án, cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ thực hiện những cơ chế đặc thù tương tự dự án Vành đai 3.
Theo đó, Ban Giao thông sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng ngay khi có chủ trương đầu tư dự án.
Song song đó, Nghị quyết 98 cho phép tăng tỉ lệ góp vốn của nhà nước với nguồn vốn góp thêm 2.900 tỉ đồng (tỉ lệ 48%) sẽ tăng tính khả thi, thu hút nhà đầu tư tham gia khi thời gian thu phí chỉ còn 19 năm 9 tháng.
Ngoài ra, Nghị quyết 98 cho triển khai dự án theo mô hình TOD, giúp tạo thêm nguồn lực cho dự án.
Về phía tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng cho dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Để tăng cường sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ về hạ tầng, ngoài đầu tư cao tốc, tỉnh Tây Ninh kiến nghị nghiên cứu hình thành đường sắt tốc độ cao Mộc Bài - TP HCM; xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như kết nối giữa Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen với các điểm du lịch trong nước và quốc tế.
Cho rằng cao tốc TP HCM - Mộc Bài không chỉ cần thiết mà rất cấp thiết, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ phân tích đây là tuyến cao tốc kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở rộng ra các tỉnh biên giới và vùng Đông Nam Á.
Trong phạm vi hẹp, cao tốc TP HCM - Mộc Bài cùng với đường Vành đai 3, Vành đai 4 sẽ kết nối phía Đông và phía Tây, vùng Nam Tây Nguyên, mở ra một cửa ngõ mới phía Tây Bắc TP HCM, không thua cửa ngõ phía Đông và phía Tây đang khai thác tốt nhờ các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
"Có cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM sẽ phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó mở ra cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải hàng hóa - logistics... cho vùng kinh tế, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm, đóng góp tăng trưởng kinh tế - xã hội cho TP HCM, Tây Ninh lan tỏa qua Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Tháp, An Giang" - kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ nhấn mạnh.
Dự kiến khởi công trước ngày 30-4-2025
Theo ông Lương Minh Phúc, dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài hiện đã được bổ sung vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia về giao thông.
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài.
Tổng mức đầu tư sơ bộ được điều chỉnh lên hơn 21.517 tỉ đồng do tuyến dài hơn, chiều rộng nền đường được tăng từ 17 m lên 25,5 m, bổ sung 2 làn đường khẩn cấp...
TP HCM đang hoàn chỉnh tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định nhà nước, tháng 8-2023 trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương, cuối năm 2023 phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Năm 2024, bồi thường giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, phấn đấu khởi công dự án trước ngày 30-4-2025, thông xe toàn tuyến năm 2027, đồng bộ với cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia vừa được khởi công.
Theo Người Lao Động
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc