Thứ ba, 05/11/2024

Cây chè xưa đang trở lại

27/02/2022 6:30 PM (GMT+7)

Đón Xuân mới này, gia đình tôi được nhiều bạn bè tặng trà đặc sản. Những gói trà Thái Nguyên hút chân không đựng trong hộp gỗ, hộp giấy, đặt trên lụa đỏ… thật sang trọng. Nhưng, điều khiến tôi ngạc nhiên là hầu hết sản phẩm trà tôi được tặng đều là trà xưa.

Cây chè xưa đang trở lại - Ảnh 1.

Đồi chè trồng từ năm 1962.

Dường như người thưởng trà truyền thống đang tăng lên? Dường như cây chè trung du đang hồi sinh? Tôi đã đến vùng chè Sông Cầu, nơi có diện tích chè lớn của tỉnh để tìm câu trả lời.

Thời các cụ, chè trung du (chè truyền thống, chè bản địa) được gọi giản dị là “chè ta”. Cây chè hoài thai từ hạt, rễ cọc nhọn hoắt cắm sâu vào lòng đất; lá chè giòn ngọt pha chát nhẹ; búp chè mập mạp lăn mình qua lửa, chịu xoa, chịu vò trở nên cứng cỏi, bung nở hương sắc trong nước bỏng.

Chắc hẳn, gọi “chè ta” là các cụ phân biệt với “chè tây” khi uống thường thêm chút đường phèn, uống bằng cốc thủy tinh như ở bên “tây” chăng? Chỉ bằng hai từ “chè ta”, ông cha muốn xác quyết vị trí cây chè của người Việt và phù hợp nhất với người Việt?

Ngược dòng thời gian, không phải “bỗng dưng” mà năm 1962, nhà nước cho thành lập Nông trường quốc doanh Sông Cầu, nông trường lớn nhất toàn quốc khi đó với gần 2.000ha đất xen kẽ dân cư của 17 xóm thuộc 5 xã (của huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai) để chủ yếu trồng chè. Chắc hẳn đó phải là kết quả của công trình nghiên cứu về chất đất, khí hậu, giống cây, giá trị kinh tế… trước khi người công nhân bổ cuốc gieo hạt “chè ta” đầu tiên xuống mảnh đất trung du này.

Cây chè bén rễ, trưởng thành, ra hoa, quả, lại nảy mầm, thành cây, nuôi sống bao thế hệ. Họ là người bản xứ Thái Nguyên hay từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng đến, dần trở thành công dân Sông Cầu. Nay dù không còn nông trường, không còn nhà máy chè, nhưng con cháu người làm nông trường năm xưa vẫn lấy cây chè làm “vi bản”, buồn vui, sống chết với chè.

Hăm hở dẫn tôi leo đồi ngắm vùng chè đẹp như tranh vẽ, anh Đức Trọng - Tổ trưởng Tổ hợp tác trà hữu cơ thị trấn Sông Cầu, Trưởng làng nghề chè xóm 9 - chỉ cho tôi nhận diện những cây chè da thẫm sậm, gốc bằng bắp chân: “Rặng chè ta này trồng từ năm 1964. Nhìn sức vóc thì thấy, dù đã “lên lão” nhưng cây còn sung sức lắm, lá chè rộng bản, xanh đậm, răng cưa rõ, búp to, chắc, mập. Đặc biệt, hoa chè cánh dày, nhiều phấn, thơm phức, mật đầy ứ”.

Hái đưa tôi búp chè mỡn màng, anh Trọng bảo: “Cô nhai búp chè ta này rồi nhai sang “anh” chè lai xem, khác hẳn phải không ạ? Chè ta đậm ngọt, thơm ngát vì có hàm lượng đường, axitamin, vitamin cao. Chè ta còn có dòng chè tím rất quý hiếm, có thể chữa bệnh hiểm nghèo…”.

Nhìn anh Trọng say sưa nói về cây chè trung du truyền thống, tôi biết anh yêu chè, yêu nghề mẹ cha để lại lắm. Sinh năm 1979, tuổi thơ của anh là những ngày chơi đùa bên gốc chè, nhìn ánh điện nhà máy ngóng bố mẹ tan ca. Trọng và vợ anh sau này cũng trở thành công nhân nhà máy chè. Trước năm 2008, Nhà máy chè Sông Cầu vẫn chạy 3 dây chuyền: Chè xanh, chè Nhật, chè đen. Công nhân lương 6 triệu đồng/tháng. Từ năm 2009, thị trường chè xuất khẩu gặp khó khăn, cũng là thời điểm cây chè Sông Cầu đến tuổi cỗi, nhà nước khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống chè mới vào.

Anh Trọng trầm ngâm: Quả thực, chế biến chè ta khó hơn chè lai. 4 công đoạn gồm: Thu hái bảo quản, diệt men, tạo hình, làm khô đều phải chuẩn, nhất là khâu “ốp chè” (diệt men), nếu làm sai kỹ thuật thì nước trà sẽ đỏ, độ ngái nhiều.

Thế nên khi chè cành giống mới xuất hiện với nhiều ưu điểm: Nước đẹp, mùi thơm, năng suất cao, nhanh cho thu hoạch, mã chè đẹp, chế biến dễ... nhiều người phá chè ta trồng chè mới. Hiện nay ở vùng chè Sông Cầu, diện tích chè ta còn khoảng 40% (vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 6 xã diện tích này chỉ còn 20%).

Dù bị đối xử “lạnh nhạt”, nhưng chè ta vẫn bền bỉ chứng minh giá trị của mình. Thứ nước “cắm tăm”, ngọt hậu, thơm hương cốm có “dòng” khách hàng riêng, hợp vị những người thưởng trà chậm rãi, nhẩn nha suy ngẫm chuyện đời. Hơn nữa, do có nhiều loại men quý, búp mập, cứng cáp nên chè ta là lựa chọn khôn ngoan để chế biến các loại chè xanh, chè Nhật dẹt, chè đen, chè đinh, bột matcha, kẹo trà. Các sản phẩm dành cho giới trẻ như trà lipton, trà sữa; những cân chè đặc sản bán tiền triệu và thương hiệu Thái Nguyên Đệ nhất Danh trà cũng từ chè ta mà có.

Cây chè xưa đang trở lại - Ảnh 2.

Cây chè 60 tuổi.


Là thế hệ thứ 2 của Nông trường chè Sông Cầu như anh Trọng, chị Vũ Thị Thương Huyền (sinh năm 1974) xót lòng khi nhìn những cây chè gắn bó bị chặt hạ. Thế nên Hợp tác xã chè Thịnh An của chị vừa đáp ứng thị hiếu bằng sản phẩm chè cành, vẫn đồng thời duy trì dòng chè trung du truyền thống.

Năm 2021, sản phẩm chè Thịnh An Trung du thuần chủng đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Chị cũng lẳng lặng thuê, mượn từng mảnh đất nhỏ, mua hạt về ươm, dự kiến sẽ trồng 2ha chè ta. Huyền thổ lộ: “Tôi muốn làm như “các cụ”, nghĩa là ươm cây từ hạt. Dẫu biết cây chè trồng hạt phải 4 năm mới cho thu hoạch (chậm 1 năm so với chè ươm cành) nhưng bù lại cây sung sức đến vài chục năm. Với HTX chè Thịnh An, tôi muốn trà trung du là dòng sản phẩm chính”.

Tôi thấy Huyền có lý khi lên thăm đồi chè gần 2ha của anh Phạm Văn Trang (xóm Tân Tiến). Những cây chè trồng từ năm 1962 (đã “đốn đau” một lần), búp trổ tua tủa, chưa hề có dấu hiệu lão hóa. Được biết, ở Sông Cầu hiện còn các gia đình như Hùng Mai, Minh, Hiền, Nam Khánh, Dịu, Mi Quân... vẫn giữ được những đồi chè ta như thế.

-Làm thế nào để nông dân quay lại trồng chè ta? Trả lời câu hỏi của tôi, anh Trọng nói chắc: Tất cả nằm ở đầu ra sản phẩm.

Hiện Tổ hợp tác của anh Trọng có 12 hộ sản xuất 2ha chè trung du và 6ha chè giống mới. Giá chè trung du nguyên liệu anh Trọng đang mua cao hơn 10 nghìn đồng/kg so với giá chè mới. Những đồi chè “cổ” trong vùng đang được người mua săn đón bao tiêu nguyên liệu cả năm.

Nhiều người địa phương đi nơi khác kinh doanh chè vẫn lấy Sông Cầu làm vùng nguyên liệu chính. Đơn cử như chị Lại Ngọc Hà, về Hà Nội lập Công ty Ngọc Thiên Trà với dòng sản phẩm thế mạnh là trà nõn lửng, trà đinh lấy nguyên liệu từ vùng chè trung du Sông Cầu. Bằng câu chuyện làm chè của gia đình, bằng hình ảnh thật của vùng chè, Hà đã lấy được lòng tin của khách về nguồn gốc “cổ xưa” của dòng trà cao cấp và đã có lượng khách VIP ở Thủ đô.

Một thế mạnh của những người trẻ như Huyền, Trọng, Hà… là tiếp cận, sử dụng công nghệ khá thành thạo. Họ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối thông tin đến khách hàng bằng các nền tảng số và mạng xã hội. Thậm chí các video vui vui, các đoạn Tiktok giải trí cũng là cách họ tăng tương tác bán hàng.

Cây chè xưa đang trở lại - Ảnh 3.

Tác giả tại vườn ươm chè giống của gia đình ông Nông Quốc Trường.


Ở vùng chè Sông Cầu, tôi đến thăm vườn ươm của anh Nông Quốc Trường, kỹ sư trồng trọt, nguyên cán bộ kỹ thuật của Công ty Chè Sông Cầu. Về hưu gần 10 năm, anh vẫn say sưa với nghề trồng trọt và nay là người cung cấp cây giống “mát tay” nhất vùng. Các giống chè như San Tuyết, Long Vân, VN20, Phú Thọ 10, PH8… mua tại vườn nhà anh cho tỷ lệ sống cao. Đầu năm 2022, anh Trường nhận ươm 1,5 vạn hom giống chè trung du, dòng chè Tân Cương lá bầu, phục vụ cho dự án của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Anh Trường nói với tôi: Chè trung du vẫn là cây thủy chung, giá trị với nông dân Việt Nam.

Còn theo anh Trọng dự báo thì 5 năm tới diện tích chè trung du của Sông Cầu sẽ “nở” ra ít nhất 10%. Riêng tôi thấy rõ tình yêu của khách hàng với trà xưa đang nồng trở lại. Cũng giống như nhiều giá trị truyền thống khác, có thời nhạt đi bởi cái mới xuất hiện, nhưng rồi thời gian lại đưa nó quay về ở một hình thái giá trị cao hơn.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Du lịch TP.HCM thu hơn 16.251 tỷ đồng trong tháng 10

Du lịch TP.HCM thu hơn 16.251 tỷ đồng trong tháng 10

Theo Sở Du lịch TP.HCM, tổng thu du lịch tháng 10/2024 trên địa bàn thành phố ước đạt 16.251 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Mỹ vị mì và bánh trong câu chuyện ẩm thực Chợ Lớn

Mỹ vị mì và bánh trong câu chuyện ẩm thực Chợ Lớn

Lễ hội Ẩm thực Chợ Lớn Food Story lần 2 với chủ đề “Mỹ vị Mì và Bánh”, thể hiện những tinh túy của nền ẩm thực truyền thống đặc trưng của đồng bào người Hoa ở Sài Gòn

Những số tiền 'làm run người' từ cầu thủ đoạt Quả bóng vàng 2024

Những số tiền 'làm run người' từ cầu thủ đoạt Quả bóng vàng 2024

Danh hiệu Quả bóng vàng (Ballon d'Or) danh giá của bóng đá thế giới không đi kèm với khoản thưởng tiền mặt nào, nhưng đó là ước mơ cả cuộc đời của mọi cầu thủ chuyên nghiệp. Vinh dự kèm theo còn mang tới những hợp đồng quảng cáo lớn sau đó.

Khởi công chỉnh trang trục đường Thùy Vân biển Vũng Tàu

Khởi công chỉnh trang trục đường Thùy Vân biển Vũng Tàu

UBND Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hôm nay khởi công Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân ở Bãi Sau với mục tiêu tạo được không gian mở, sống động, đẳng cấp phục vụ người dân và tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.

Cơ hội đón tàu biển toàn khách đại gia chi tiêu cao đến Việt Nam

Cơ hội đón tàu biển toàn khách đại gia chi tiêu cao đến Việt Nam

Ngành du lịch tàu biển đang nhộn nhịp hơn vào dịp cuối năm. Đây là phân khúc cao cấp, khách có tiền và chi tiêu cao cho các hoạt động. Vì vậy, đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch.

Sắp xuất hiện nhiều tour du lịch mới kết nối TP.HCM với Vũng Tàu

Sắp xuất hiện nhiều tour du lịch mới kết nối TP.HCM với Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sắp có thêm 9 tour mới kết nối với TP.HCM. Sở Du lịch tỉnh kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tour hơn nữa để tiếp tục thúc đẩy mạnh nền công nghiệp không khói.