Chợ vắng khách
Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) được xếp vào tốp 10 chợ truyền thống được yêu thích nhất nhờ mặt hàng đa dạng, giá cả phải chăng, tiểu thương vui vẻ, thân thiện. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 đến nay, bên trong nhà lồng chợ đìu hiu, nhiều sạp hàng bỏ phế. Khu vực bán hàng tươi sống nhếch nhác, bẩn thỉu; nước từ những chậu đựng cá, mực, cua, ốc… tràn ra lối đi, cộng với rác do tiểu thương vất ra ngổn ngang gây nên mùi hôi rất khó chịu.
Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu Huỳnh Thanh Trường cho biết, hiện chỉ có 588/1.473 sạp hàng hoạt động. “Thu phí không đủ chi, trong khi chợ là đơn vị sự nghiệp có thu nên không có kinh phí từ ngân sách để sửa chữa, nhiều hạng mục của chợ xuống cấp nhưng không thể làm gì được”, ông Huỳnh Thanh Trường xác nhận. Hơn 80 năm đi vào hoạt động, chợ chỉ có 2 lần được sửa chữa từ vốn tiểu thương góp, lần gần nhất là năm 1994. Do đó, nhiều kết cấu hạ tầng chợ xuống cấp, mái bị dột, tường thấm nước mỗi khi mưa xuống…
Tương tự, tại quận Gò Vấp hiện có 5 chợ nhưng chợ nào cũng chỉ hoạt động 50% công suất, hạ tầng xuống cấp, dơ bẩn. Sau khoảng 30 năm đưa vào hoạt động với hơn 300 sạp, chợ Tân Sơn Nhất nay vắng vẻ, nhiều sạp treo bảng cho thuê. Khu vực bán thực phẩm tươi sống bày biện nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà vệ sinh chợ không được đầu tư nâng cấp nên rất mất vệ sinh.
Những ngôi chợ hoạt động lâu năm, nằm ở những khu vực trung tâm mua sắm sầm uất nhất của TP.HCM cũng đang đối mặt với tình trạng tiểu thương bỏ chợ và hạ tầng xuống cấp. Chợ Bến Thành (quận 1) hiện có 1.300/1.437 sạp đang hoạt động, nhưng số lượng khách hàng đến mua sắm giảm từ 30%-40% so với thời điểm bình thường. Còn tại chợ Tân Định (quận 1), các sạp bán hàng tươi sống như cá, mực… lấn ra lòng đường; nước từ thực phẩm chảy ra đường trước khi tới miệng cống. Các khu vực bán hàng khác trong cảnh xuống cấp, xập xệ tương tự. Tiểu thương tại chợ Tân Định cũng giảm, hiện có 895/1.013 sạp hoạt động, lượng khách hàng mua sắm giảm khoảng 30%.
Cần nâng cấp chợ
Phó Ban Quản lý chợ Gò Vấp Nguyễn Văn Thoàn cho biết, chợ hoạt động hơn 100 năm, nhưng lần sửa chữa, nâng cấp gần nhất là năm 1990. Sau dịch Covid-19, hiện chợ chỉ có 200/484 sạp hoạt động. Riêng tình trạng nhếch nhác xảy ra ở khu vực thực phẩm tươi sống (khu C) có nguyên nhân do tiểu thương chưa ý thức thực hiện đúng yêu cầu của ban quản lý chợ. Để khắc phục những tồn tại, ban quản lý chợ đã đề xuất UBND quận Gò Vấp cho nâng cấp, cải tạo khu C, đồng thời chuyển đổi một phần công năng hoạt động mua sắm về đêm nhằm nâng cao hiệu quả. Ban quản lý các chợ truyền thống khác cũng xác nhận, hoạt động tại các chợ kém hiệu quả do hạ tầng xuống cấp, đồng thời tiểu thương phải cạnh tranh với kênh thương mại hiện đại, buôn bán hàng rong bủa vây chợ...
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, hiện thành phố có 232 chợ truyền thống. Các chợ hầu như được hình thành từ rất lâu, cùng với quá trình hình thành khu dân cư. Đến nay, phần lớn chợ truyền thống ở thành phố đã xuống cấp, các tiện ích công cộng vừa thiếu thốn vừa lạc hậu, thiếu hệ thống xử lý nước thải, thiếu kho bảo quản hàng hóa, diện tích điểm kinh doanh chưa đạt chuẩn.
Từ thực tế trên, Sở Công thương TP.HCM kiến nghị HĐND TP.HCM xem xét có cơ chế hỗ trợ các quận, huyện trong công tác cải tạo, nâng cấp chợ truyền thống thông qua việc phân bổ, điều tiết dự toán ngân sách cho các quận, huyện. Bên cạnh đó, để các chợ truyền thống tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường xử lý đối với các điểm bán hàng tự phát xung quanh các chợ; xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí các khu buôn bán hợp lý, thuận tiện; nêu cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường của tiểu thương…
Cuối năm 2016, chợ Bình Tây (quận 6) bắt đầu đóng cửa để sửa chữa, trùng tu với kinh phí hơn 100 tỷ đồng từ nguồn tiền thu sạp của tiểu thương, gồm: thay mới hệ thống rui và lợp lại ngói; sơn lại toàn bộ tường, cột, trần; cải tạo cầu thang, lan can; nâng nền và lát gạch sàn; xây mới khu vệ sinh công cộng và nhà đặt máy phát điện dự phòng; lắp đặt camera an ninh, hệ thống phòng cháy chữa cháy... Tuy nhiên, hiện các sạp (đặc biệt ở khu vực bán hàng tươi sống) vẫn tồn tại tình trạng nhếch nhác, bốc mùi hôi tanh. Hiện chợ có 1.900/2.358 sạp đang hoạt động.
Ngày 23-3, khoảng 100 thương nhân tại Trung tâm Thương mại An Đông Plaza (quận 5) tiếp tục đóng sạp, phản ứng cách thức cho thuê mới của Ban quản lý vào thời điểm hết hạn sang nhượng tháng 4 tới đây. Cụ thể, Ban quản lý đưa ra thời hạn hợp đồng thuê lại sạp cho thương nhân có thể lựa chọn gồm 6 tháng, 1 năm, 2 năm hoặc 5 năm. Trong đó, giá thuê là 36,9 triệu đồng/tháng. Nếu thanh toán 1 lần 6 tháng, được giảm 5%, tương ứng giá thuê còn 35,055 triệu đồng/tháng; thanh toán 1 lần 12 tháng cho hợp đồng thuê từ 1 - 5 năm được giảm 10% trên giá thuê, tương ứng 33,21 triệu đồng/tháng.
Trong đơn phản ánh, các thương nhân cho rằng, chỉ cần so sánh thông tin giá cho thuê của vài gian hàng thì giá thuê từ phía công ty đưa ra chưa hợp lý, thậm chí nhiều trường hợp giá thuê không được giảm mà còn tăng. Trong khi đó, hiện nay sức mua tại An Đông Plaza đang sụt giảm nghiêm trọng, nên những thương nhân này đề nghị Ban quản lý An Đông Plaza giảm tiền thuê sạp khoảng 55% để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tiến sĩ TRẦN QUANG THẮNG - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM:
Định vị phân khúc khách hàng phù hợp
Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều người chi tiêu cân nhắc hơn, cắt giảm mua sắm những thứ không cần thiết, chỉ chi trả các khoản tiêu dùng thiết yếu. Mặt khác, xu hướng bán hàng qua mạng ngày càng phổ biến, góp phần đa dạng sự lựa chọn của người mua. Tác động của sức mua cũng như thói quen tiêu dùng đã ảnh hưởng đến mãi lực tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, thậm chí có chợ rơi vào cảnh “người bán đông hơn người mua”.
Trước tình trạng này, ngoài việc tiểu thương các chợ nỗ lực thích nghi bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng kênh bán hàng thì cơ quan chức năng cần làm tốt vai trò “nhạc trưởng”, quy hoạch cụ thể với những chính sách phù hợp nhằm kích cầu tiêu dùng, thu hút khách. Về phía chợ truyền thống cũng nên định vị phân khúc khách hàng phù hợp để kích thích sức mua; tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương kinh doanh ngăn nắp, gọn gàng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh công cộng…
THI HỒNG ghi