Gần cả tuần nay, trên đường Mai Chí Thọ (thành phố Thủ Đức), những chậu bưởi Diễn vàng ươm được chở từ các tỉnh phía bắc về thành phố Hồ Chí Minh phục vụ người dân chơi Tết. Những cây bưởi có gần cả trăm trái vàng ươm, lúc lỉu, được trang trí thêm nơ đỏ nhìn rất bắt mắt. Giá mỗi chậu bưởi từ 6 triệu đến 100 triệu đồng tùy theo số trái, dáng cây... Theo các chủ vườn kinh doanh, bưởi Diễn là loại cây cảnh chuyên chơi Tết, có mầu sắc đặc trưng, hương thơm thoang thoảng khác với bưởi miền nam nên được nhiều người dân thành phố chuộng chơi trong dịp Tết khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do bưởi chỉ trồng được ở phía bắc nên hằng năm cứ gần đến Tết, các nhà vườn đều nhập hàng trực tiếp, đưa bưởi Diễn “nam tiến” để bán lẻ, phân phối. Chủ vườn kiểng Hoàng Phương, Lê Hoàng Phương cho biết: “Dù bưởi mới về được ít ngày nhưng đã có khá nhiều khách đến xem cây, đặt hàng và gửi nhà vườn chăm sóc, gần Tết mới chở về nhà chơi Xuân. Vài hôm nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục vận chuyển hai đợt bưởi Diễn vào thành phố Hồ Chí Minh”. Theo anh Phương, thời gian này, người mua chủ yếu là khách quen. Họ đặt bưởi Diễn chơi Tết khá sớm, đặt cọc và nhờ vườn chăm sóc. Từ giữa tháng Chạp, nhà vườn sẽ bắt đầu đi giao. Theo ghi nhận, số lượng gốc bưởi Diễn nhập về năm nay giảm khoảng 20% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đơn vị nào cũng thận trọng vì lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như người dân thắt chặt chi tiêu. Ngoài bán tại chỗ, nhà vườn còn chào hàng trên mạng, bán hàng qua mạng trực tuyến để thu hút khách mua nhiều hơn. Nhờ đó, bưởi Diễn không chỉ được tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh mà còn có khách hàng ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An đặt hàng.
Đặc sản vùng, miền cũng xuất hiện nhiều trên quầy kệ tại các sạp chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng đặc sản. Tại chợ Bà Hoa (quận Tân Bình), bà Nguyễn Thị Tường Vy (chủ sạp 54) bày đủ các loại bánh dân gian như bánh in, bánh thuẩn, bánh nổ, mứt dừa, mứt bí… với giá cả phải chăng. Bà cho hay: “Hàng Tết có tăng so với ngày thường nhưng giảm gần 50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, do giá nguyên liệu tăng cao, nhiều sản phẩm đứt hàng; ngoài ra dự báo sức mua giảm, nên chúng tôi không dám nhập số lượng lớn. Thông thường, sức mua sẽ bắt đầu tăng từ 23 tháng Chạp. Đến lúc đó mới biết có cần phải nhập thêm hàng hay không, còn hiện tại, sức mua đang khá chậm”. Tại một cửa hàng đặc sản ba miền ở quận Bình Thạnh bày cả trăm loại đặc sản. Với những khách hàng yêu mến các sản phẩm đặc trưng của miền bắc có thể chọn cam Canh, nấm hương rừng Sa Pa, bánh chưng Hà Nội, cá kho làng Vũ Đại... Đặc sản miền trung như bánh khô Nghệ An, chả bò Đà Nẵng. Các sản phẩm phương nam như mắm tôm chà, cá phi-lê, bánh pía Sóc Trăng, nem Lai Vung Đồng Tháp, các loại mứt dừa, đu đủ, xoài… được trưng bày khá nhiều. “Năm nay, cửa hàng không dám nhập số lượng lớn nhưng lại tăng cường sự đa dạng để cho khách hàng có thêm lựa chọn. Về giá cả có nhích nhẹ khoảng 10% do chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu đều tăng”-chủ cửa hàng Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Trên mạng cũng sôi nổi các hội nhóm buôn bán đặc sản ăn Tết. Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận Bình Tân) cho biết: Quê chị ở Cao Bằng, dịp cuối năm người thân thường gửi cho quà đặc sản quê như lạp xưởng heo, thịt trâu gác bếp, nếp nương hay dồi lợn xông khói, mắc khén để chị làm quà biếu tặng bạn bè. Nhiều người ăn thấy ngon, lạ liền ngỏ ý nhờ mua giúp. Từ đó, cứ đến tháng 11 âm lịch hằng năm, chị lên danh sách các loại đặc sản quê mình và khảo sát giá cả. Sau đó, nhận đặt hàng bán Tết. “Năm nay, chắc chắn sẽ không nhiều người về quê mà ở lại thành phố ăn Tết. Do đó, tôi đã nhận gom đơn hàng đặc sản vùng Tây Bắc từ khá sớm để phục vụ khách muốn đổi vị ngày Tết. Hiện đơn hàng cũng kha khá do mình buôn bán nhiều năm nên có uy tín, chất lượng sản phẩm lại bảo đảm vì chế biến theo phương thức thủ công và hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản, hóa chất, phẩm mầu…”-chị Hoa khẳng định.
Năm nay, đặc sản ngoại cũng đổ bộ tại nhiều cửa hàng cao cấp, được nhân viên ra tận vỉa hè chào hàng. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, Trần Văn Trường cho biết: Nhờ các Hiệp định thương mại tự do nên thuế nhập khẩu hải sản sang Việt Nam giá rẻ hơn trước. “Cuối năm, nhu cầu tiệc tùng, tặng quà tăng cao, nên sức mua nhiều loại hải sản cao cấp như tôm hùm, cua hoàng đế, bào ngư, cá bơn… tăng mạnh. Với phân khúc khách hàng cao cấp, họ không bị ảnh hưởng nhiều về thu nhập, nên sức mua vẫn tốt. Nhiều người ngại ra ngoài ăn sẽ mua hải sản chế biến sẵn về dùng. Chúng tôi dự trù sức mua hải sản sẽ tăng 200-300%, nên đang chuẩn bị lượng hàng tương ứng”.
Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, người dân cần chọn nơi uy tín, có thương hiệu khi mua đặc sản, thực phẩm ăn Tết. Hiện, Ban đang triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2022. Theo đó, các đoàn kiểm tra của thành phố và quận huyện sẽ tập trung thanh kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết và lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; bia rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm. Hoạt động kiểm tra sẽ được thực hiện từ nay đến hết ngày 22/3.