Theo các chuyên gia, một hộp bánh Trung thu thương hiệu quốc gia tầm trung có giá từ 200.000 đến 400.000 đồng/tùy loại. Năm nay, nguyên liệu tăng từ 10% đến 15%, nên nhiều hãng bánh tăng giá bán. Trong khi đó, các mặt hàng bánh siêu rẻ, không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng xã hội với rất nhiều lời giới thiệu hấp dẫn, như không có chất bảo quản, hương vị truyền thống, an toàn..., song giá thành lại rất rẻ.
Qua tìm hiểu trên thị trường, bánh Trung thu mini được quảng cáo là sản phẩm nhập khẩu, trên vỏ bao bì đều ghi chữ nước ngoài, nhưng không ghi hạn sử dụng. Tại sàn thương mại điện tử, giá bán loại bánh này chỉ dao động từ 3.000-6.000 đồng/chiếc với nhiều chủng loại mới hút khách. Hay tại nhiều con đường, tuyến phố tại Hà Nội, bánh Trung thu “cân” (bán theo cân) được bày bán tràn lan.
Chuyên gia thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh cho biết, để làm ra một chiếc bánh Trung thu, cần rất nhiều nguyên liệu như bột mì, trứng, sữa, các loại hạt… Với giá chỉ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc thì rất khó để đảm bảo chất lượng sản phẩm. “Chưa kể, để có giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng, nhà sản xuất có thể sử dụng các loại phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng”, ông Thịnh nêu.
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. Cụ thể, sáng 16/8, tại khu vực ngõ 80 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) phát hiện 50 hộp bên trong chứa 4.000 chiếc bánh Trung thu, trên vỏ hộp và vỏ bánh đều in chữ Trung Quốc.
Một ngày trước đó, 15/8, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội bất ngờ kiểm tra Cơ sở kinh doanh bánh kẹo Dũng Hải tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, giá bán niêm yết tại cửa hàng là 2.500 đồng/bánh. Đại diện cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh Trung thu và khai nhận đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về bán.
Không dễ dãi lựa chọn sản phẩm
Để mỗi sản phẩm bánh Trung thu đến với các gia đình, trẻ nhỏ được an toàn, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng đề xuất, các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, không để sót các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác hoặc có dấu hiệu vi phạm khác lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, liên ngành chức năng y tế, công thương, quản lý thị trường cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh Trung thu ký cam kết không vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đối với cơ sở kinh doanh bánh Trung thu, phải bảo đảm vệ sinh quanh quầy hàng, việc nhập khẩu và công bố sản phẩm, bánh Trung thu phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Có như vậy chúng ta mới có thể hạn chế được tình trạng mất an toàn thực phẩm các loại bánh Trung thu khi “đến hẹn lại lo” như hiện tại.
Ông Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi, đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế. Cần xem kỹ nhãn mác của sản phẩm, thông tin về ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Đặc biệt, không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác, hay bao bì bị rách, có màu sắc khác thường hoặc mùi vị khác lạ.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, nhiều quận, huyện của Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh Trung thu ký cam kết không vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm...
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.