Kể từ khi TP. Đà Nẵng ký hợp tác triển khai đô thị thông minh với IBM vào năm 2012, việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam đã được hàng loạt địa phương triển khai. Số liệu mới nhất công bố tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam (Vietnam Urban Sustainability Summit) cho thấy, đến nay, trên cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển đô thị thông minh.
Trong đó, có 40 tỉnh, thành phố triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC); 17 tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh… Nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đô thị thông minh chiếm 50-90%.
Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng các chiến lược phát triển đô thị thông minh dựa trên nhu cầu phát triển của địa phương, như TP.HCM đặt mục tiêu dùng giải pháp đô thị thông minh giải quyết nạn kẹt xe, ngập lụt; các thành phố như Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang) dùng đô thị thông minh phát triển du lịch; tỉnh Quảng Ninh gắn phát triển đô thị thông minh với cải cách hành chính công…
“Một số địa phương tiêu biểu thực hiện phát triển đô thị thông minh và đã đạt được một số kết quả bước đầu như tỉnh Bình Dương đã triển khai và vận hành thành công Hệ thống thông tin địa lý GIS, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh. Tỉnh Bình Phước đang phát triển hệ thống chiếu sáng, cấp nước thông minh ứng dụng GIS để quản lý mạng lưới. Tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng Hue-S sử dụng trên thiết bị di động thông minh có khả năng tích hợp các thông tin, dịch vụ, tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu của người dân, xã hội… Nhiều địa phương khác cũng đang nỗ lực, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh để hướng đến nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, chất lượng cuộc sống, tiện ích đô thị”, TS. Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nhận xét.
Còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Thực tế, sự phát triển của đô thị thông minh ở nhiều địa phương vẫn còn chậm, chưa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng. Một số địa phương còn mang tính “phong trào”, hình thức.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập như mới tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ đô thị thông minh, mà chưa thực sự chú trọng các nội dung về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý xây dựng đô thị thông minh.
“Còn ít dự án đô thị thông minh có cách tiếp cận toàn diện với mục tiêu hướng tới không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị, mà xa hơn là hướng tới một quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là những bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư. Tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu, biểu tượng, điển hình là vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các đô thị thông minh còn hạn chế. Tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu; việc huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội còn thiếu bài bản”, ông Hiển nhận xét.
TS. Trần Quốc Thái cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, các nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh còn chưa có nhiều tiến bộ rõ nét ở nhiều góc độ, như cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp; các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân… còn ít.
“Những nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị như cây xanh, mặt nước tự nhiên, nỗ lực để đô thị xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn chưa nhiều. Các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh chưa nhiều…”, ông Thái nhận xét.
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến đô thị thông minh; hoàn thiện Quy chế Thí điểm quản lý đầu tư phát triển đô thị thông minh và các tiêu chí đánh giá khu đô thị mới thông minh, cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật.
TS-KTS Nguyễn Tất Thắng, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, Nhà nước và các cấp chính quyền đô thị cần phải công khai và minh bạch các chủ trương, chính sách trong quản lý, quản trị, đầu tư xây dựng đô thị thông minh.
“Đây là vấn đề có tính tiên quyết, nếu muốn khả thi và phát triển hiệu quả đô thị thông minh”, ông Thắng nói.
Tình trạng nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch hiện nay là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của TP.HCM. Vì vậy, lãnh đạo địa phương đang quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý.
Việc bàn giao tài sản gói thầu CP3 từ nhà thầu Hitachi cho đơn vị vận hành là bước đệm quan trọng đưa tuyến Metro số 1 tại TP.HCM đi vào hoạt động chính thức.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Đường sắt số 1 TP.HCM và Grab Việt Nam, hành khách đặt Grab đi/đến các trạm ga Metro sẽ được áp dụng các mã giảm giá khi di chuyển. Việc này giúp hành khách thêm tiết kiệm và khuyến khích sử dụng Metro.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải tập trung tháo gỡ vướng mắc để tiếp tục triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang bị ngưng tại TP.HCM.
Quyết định mới nhất của Chính phủ tạo điều kiện cho việc quản lý, phát triển đô thị và khu chức năng ở Đà Năng được linh hoạt và hiệu quả hơn nhưng vẫn bảo đảm sự tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trong tổng số hơn 81.000 căn nhà ở chờ cấp giấy chứng nhận tại TP.HCM, cơ quan chức năng đã thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 43.121 căn, chiếm tỷ lệ 53%.