Từ sau thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội, quen việc nấu ăn hàng ngày, Nguyễn Thị Minh Hiền (sinh năm 1992, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) giữ thói quen mua hải sản, rau củ ở quê nhà Sóc Trăng gửi lên Sài Gòn 2 lần/tháng.
Sau khi nhờ anh chị, ba mẹ tìm nơi bán hàng chất lượng, Hiền đặt hải sản làm sạch, cấp đông cho tươi, rồi gửi theo xe lên thành phố.
Những món như cá kèo, cua gạch, tôm sú, hay trái bầu, mớ rau mua online ở quê rẻ hơn chợ ở TP.HCM tới vài trăm nghìn, nhưng tươi, sạch hơn rất nhiều do được đánh bắt, tự trồng.
Cô chỉ cần thêm một ít tiền vận chuyển và khoảng 30 phút ra bến xe lấy đồ ăn.
"Cả hai vợ chồng làm việc văn phòng, chúng tôi không có quá nhiều thời gian để đi chợ, mua sắm thực phẩm. Đồ bán ở quê rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả hợp lý, đúng sở thích, hợp khẩu vị, lại được sơ chế sạch sẽ nên phù hợp với những người bận rộn như tôi", Hiền kể.
Những người như Minh Hiền không hề ít. Nhóm khách hàng là dân văn phòng đã tạo ra hội mua, bán đồ ăn đồng quê nhộn nhịp trên mạng xã hội, đồng thời cũng tạo ra thu nhập cho những người nông dân, giúp đưa thủy, hải sản, rau, củ quả sạch từ nơi nuôi trồng trực tiếp tới tay người tiêu dùng.
Lấy công làm lời
Trưa 20/3, anh Phạm Minh Đương (43 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) chở 5 kg cua gạch, 4 kg cá kèo, 5 kg tôm sú với 10 kg khô cá phi từ quê nhà ấp Tân Tĩnh lên TP Sóc Trăng để giao cho khách. Một vài người bạn mời ăn uống cuối tuần nhưng anh từ chối vì còn giao thêm một chuyến cá bống, tôm càng xanh trong ngày.
Giống anh Đương, nhiều nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chọn cách tăng thu nhập bằng việc mua bán thủy, hải sản tươi sống sau những buổi chăm sóc các ao tôm công nghiệp. Những người trồng lúa, củ hành tím cũng tham gia vào "đội quân" mua bán các loại cá đồng tươi ngon đang được dân văn phòng ở đô thị ưa chuộng.
Anh Đương có 2 ao tôm và làm đại lý tôm giống nhưng nhiều năm qua thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Để có thêm thu nhập, lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng mua hết cá, tôm, cua của các chủ lưới đáy trên sông (một loại dụng cụ để đánh bắt thủy, hải sản).
Chị Trúc Linh (vợ anh Đương) cho biết những loại hải sản này thường được bán trọn gói vào mỗi sáng. Vợ chồng chị sau khi thu mua sẽ phân chia ra từng loại cua gạch, cua thịt, cua yếm vuông, tôm sú, tôm thẻ, cá kèo, cá đối… rồi chụp hình, đăng lên mạng xã hội để bán.
Nếu khách chọn tôm, cá còn sống thì anh chị cho vào thùng nhựa có gắn hệ thống bơm oxy. Khách văn phòng không có thời gian làm cá, chị Linh giúp họ làm sạch, để vào thùng xốp, chuẩn bị thêm ít nước đá, giao tận nhà.
“Các chủ lưới đáy không cho lựa cá, tôm mà yêu cầu phải mua trọn gói. Lý do là nếu mình mua hết các loại ngon thì những con nhỏ họ bán không được. Cá bống nhỏ bằng chiếc đũa, làm sạch từng con mất rất nhiều thời gian nhưng khách ăn khen ngon khiến vợ chồng tôi vui và có thêm động lực kinh doanh. Mỗi ngày lấy công làm lời cũng có dư vài trăm nghìn đồng”, chị Trúc Linh chia sẻ.
Tại TP Sóc Trăng, vợ chồng chị Thu Trang chọn thú vui cuối ngày là dùng chày bắt cá, tôm dưới kênh thủy lợi trên các cánh đồng. Ngày nào có nhiều thời gian, hai vợ chồng chị ra sông Hậu chày thêm nhiều loại cá, tép tươi sống để cải thiện bữa ăn gia đình.
Hôm nào chày được nhiều cá, tôm, chị Trang chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội để bán cho bạn bè là dân văn phòng không có nhiều thời gian làm việc nhà. Số tiền thu lại không được nhiều, nhưng cũng đủ để chị có thêm một ít thu nhập.
"Ví dụ như chiều nay (ngày 19/3), cá phi sông làm sạch, tôi bán với giá 50.000 đồng/kg, rất được nhiều người mua. Món tiền này không đều đặn, không quá nhiều, lấy công làm lời là chính nhưng tôi được chia sẻ món ăn ngon, sạch tới bạn bè, lại thỏa sở thích với các món tôm, cá", chị Trang kể.
Không chỉ cá, tôm, nhiều nông dân ở quê lúa – tôm Bạc Liêu và Cà Mau còn trồng dưa leo, bầu, mướp và rau xanh để đăng bán qua mạng xã hội. Anh T.T.Q. (48 tuổi, ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau) mỗi sáng đi làm đều chở theo vài bó rau sạch với những quả bầu do gia đình trồng bằng phân hữu cơ để “chia” cho đồng nghiệp.
“Thấy nhà mình trồng nhiều rau xanh và rau quả sạch nên bạn bè đều đặt mua mỗi chiều. Những đơn hàng này mình chuyển về cho vợ để chuẩn bị sẵn. Sáng đi làm sớm, tranh thủ giao cho bạn bè hoặc mang vô công ty cho đồng nghiệp. Bán hàng như thế này mình có thêm thu nhập và bạn bè an tâm về chất lượng nông sản”, anh Q. nói.
Người bán chiều khách
Chị Ngọc Hằng (28 tuổi, ngụ phường 10, TP Sóc Trăng) cho biết không riêng gì vợ chồng chị Trúc Linh, Thu Trang, anh T.T.Q., mà nhiều người ở huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên… cũng bán thủy, hải sản tươi sống trên mạng.
"Nhóm bán hàng này chịu khó làm sạch đồ ăn khi khách có nhu cầu. Tôi làm việc văn phòng, không có thời gian, mua về chỉ cần ướp gia vị là có thể kho, chiên hoặc nấu canh tùy thích. Có những khi cần biếu, tặng bạn bè, tôi cũng đặt tôm, cá tươi, ngon, sạch vì mình biết rõ nguồn gốc xuất xứ", chị Hằng kể.
Từ hình thức đơn giản như rao bán cho người quen, nhiều người đã tạo ra các hội nhóm mua bán đồ ăn đồng quê, hoặc livestream tận vườn, kênh để khách được nhìn tận nơi đồ ăn.
"Tôi thử đủ cách để phục vụ khách hàng, miễn làm sao để họ thấy vui khi nhận con cá, con cua mình bán. Hiểu người mua của mình phần lớn còn trẻ, gia đình ít người ăn, không có nhiều thời gian nấu nướng, tôi tìm cách viết bài quảng cáo đơn giản, livestream tận nơi, đăng bán vào giờ ăn trưa hoặc tối muộn. Khách nhờ sơ chế, đóng gói thế nào tôi cũng đáp ứng. Một người hài lòng sẽ giới thiệu thêm nhiều khách nữa", chị Thu Trang nói.
Sau dịch, việc buôn bán những món ăn đồng quê cũng giúp giải quyết cả bài toán khó khăn kinh tế cho những người nuôi thủy, hải sản.
"Có nhiều khi khách nhờ mua thêm trái cây, tôi cũng tìm cách mua rồi đóng thùng, gửi xe lên thành phố. Sau những lúc làm việc ở đồng ruộng, việc bán online cũng dần trở thành một nghề, giúp cả nhà vượt qua khó khăn kinh tế hậu dịch", chị kết luận.