Đóng vai trò “đi trước một bước”, công tác quy hoạch được coi là giải pháp lớn, tạo điều kiện cho kinh tế đô thị phát triển.
Chưa phát huy được lợi thế
Nhận diện về kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, từ lâu, kinh tế thành phố thường được tổng hợp chung cả khu vực thành thị với khu vực nông thôn. Việc đi sâu phân tích, đánh giá tình hình phát triển riêng cho khu vực đô thị chưa được chú trọng, thiếu toàn diện.
Điểm lại văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội từ khóa XIII năm 2000 đến nay cho thấy, đến Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2021-2025), lần đầu tiên kinh tế đô thị mới được đặt ra trong nghị quyết đại hội và đưa vào nội dung của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là điểm mới, rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu, định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế Thủ đô.
Những điểm cơ bản nhất của nội hàm khái niệm kinh tế đô thị bao gồm cả ngành sản xuất vật chất, kinh doanh và các ngành sinh hoạt xã hội. Như vậy, bên cạnh yếu tố vật chất như đất đai, tài nguyên, lao động, kinh tế đô thị còn bao gồm các yếu tố sinh hoạt đô thị như các loại hàng hóa lưu động, kiến trúc, công trình công cộng... Với nội hàm rộng và tính đặc trưng như vậy, kinh tế đô thị Hà Nội sẽ được tạo đà phát triển nếu có quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy nhận định, về cơ bản các đồ án quy hoạch hiện đã đáp ứng được yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, dần hoàn thiện. Tuy nhiên, một số định hướng lớn của quy hoạch còn chưa được thực hiện. Quá trình phát triển đô thị chậm, tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch. Việc tổ chức không gian hệ thống đô thị và kết cấu quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế.
Chia sẻ quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong đợt lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới đây, cần tính đến các phương án quy hoạch đô thị gắn kết chặt chẽ, tạo điều kiện cho kinh tế đô thị phát triển.
Giải pháp tạo đột phá
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phát triển kinh tế đô thị đòi hỏi sự đồng bộ ở các lĩnh vực, ngành và rất cần quy hoạch đi trước một bước cùng với hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý đô thị. Hiện, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030 theo hướng tích hợp. Đây không chỉ là đổi mới trong quy hoạch mà còn là điều kiện để phát huy kinh tế đô thị, xác định những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cũng cho rằng, khi điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, ngoài xem xét các yếu tố phát sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch, việc nghiên cứu quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển chung, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị cũng cần được hoàn thiện, tránh vướng mắc ngay từ khâu lập quy hoạch.
Về các giải pháp quy hoạch nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế đô thị, Tiến sĩ Lê Văn Hoạt cho rằng, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch, nhất là việc phân bố và tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ; rà soát lại các khu công nghiệp hiện có và khu công nghiệp dự kiến thành lập mới theo hướng hình thành các tổ hợp khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Cùng với đó, sắp xếp lại hệ thống bệnh viện, trường học theo hướng không tập trung phân bố vào khu vực đô thị, quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi nông thôn thành đô thị theo quy hoạch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị, Hà Nội cần chuyển dịch tất cả cơ quan, công sở đến khu vực tập trung; đồng thời dịch chuyển các doanh nghiệp trong nội đô ra ngoại thành. Phần đất của các tổ chức di dời đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch, tạo vốn phát triển phần đô thị của Thủ đô.
“Cần sớm thực hiện quy hoạch chỉnh trị hai bên bờ sông Hồng, coi phát triển đô thị hai bên sông Hồng như một giải pháp tạo lập nguồn lực để phát triển đô thị của Hà Nội. Huy động nguồn lực đất đai hai bên sông Hồng để đầu tư trở lại hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị cho Hà Nội. Bài học này có thể lấy từ việc quy hoạch sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc)”, ông Trần Kim Chung nói.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.
Ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.
TP.HCM đã có thông báo đến nhà đầu tư và doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.