Năm 2022 là năm thứ tư UBND TP.HCM không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Điều này được Liên sở Tài chính - Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lý giải, nếu điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất quá cao (theo giá thị trường) sẽ dễ gây đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất và an sinh xã hội vốn đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo quy định, hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành được dùng để tính giá đất, mỗi năm hệ số này thay đổi phù hợp điều kiện phát triển của địa phương. Người được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng ngoài hạn mức phải đóng tiền theo hệ số điều chỉnh hàng năm...
Năm 2021, TP.HCM phân ra 5 khu vực để áp dụng hệ số K. Trong đó, khu vực I là các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận; khu vực II gồm TP. Thủ Đức và các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú; khu vực III là các quận 8, 12, Bình Tân. Các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn thuộc khu vực IV, còn huyện Cần Giờ được xếp vào khu vực V.
Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TP.HCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất UBND TP.HCM ban hành ở khu vực I. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực V. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực. Để tính tiền sử dụng đất và tiền đền bù giải phóng mặt bằng, Nhà nước sẽ áp dụng giá đất tại bảng giá đất được ban hành 5 năm (2020-2024) nhân với hệ số K của từng khu vực sẽ ra số tiền cần nộp.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, hệ số K ở TP.HCM thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Đơn cử, theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 được UBND TP.HCM ban hành, giá đất đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) là 162 triệu đồng/m2, mức này nhân 2,5 lần (hệ số khu vực 1) là hơn 400 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường hiện không dưới 1 tỷ đồng/m2.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư TP.HCM, hệ số K tác động chủ yếu đến hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ngoài hạn mức. Ngoài ra, nó còn tác động đến doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khi thuê đất hoặc giao đất trong một số trường hợp và đối với dự án bất động sản quy mô nhỏ, có mức thu tiền sử dụng đất dưới 30 tỷ đồng.
Do đó, nếu hệ số K tăng sẽ dẫn đến hộ gia đình, cá nhân tại các quận ven và các huyện ngoại thành TP.HCM phải chịu tỷ lệ tăng cao hơn các quận nội thành, tác động trực tiếp đến số đông người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị cư trú xa trung tâm, nên việc giữ hệ số K không tăng trong bối cảnh các loại hàng hóa, kể cả bất động sản, đang tăng cao là điều hợp lý.
Đồng quan điểm, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty SeaHoldings cho rằng, sự thay đổi của bảng giá đất chỉ tác động nhẹ đến thị trường, nếu điều chỉnh tăng thì giá thực tế càng tăng theo, dù không nhiều. Chưa kể, tăng hệ số K có thể tác động đến tâm lý của người sở hữu đất trên tuyến đường và họ sẽ chào bán với mức giá cao hơn. Bởi vậy, việc TP.HCM giữ nguyên hệ số K là hợp lý vì giúp ổn định tâm lý chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua nhà, tạm ổn định thị trường trong năm 2022.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, giá nhà ở TP.HCM được dự báo sẽ khó kìm được đà tăng do chịu nhiều ảnh hưởng từ cung cầu thị trường, hơn là việc giữ nguyên hệ số K. Lấy ví dụ, sau cuộc đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào cuối tuần qua, bên cạnh mặt tích cực là ngân sách sẽ thu được đúng với mức giá thị trường, thì giá đất nơi đây cũng như khu vực lân cận sẽ xảy ra hiệu ứng “tát nước theo mưa”, điều từng diễn ra trước đó ở nhiều khu vực.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc CTCP Việt An Hòa đánh giá, việc đấu giá đất thành công tạo ra mặt bằng giá mới trên thị trường bất động sản. Khi kết quả đấu giá đất lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 được xem như việc hợp thức hóa mức giá tại các dự án căn hộ hạng sang, siêu sang hay những căn hộ thương hiệu mà trước đây cứ nghĩ là giá cao, thì nay xem như chưa cao.
“Sự kiện đấu giá đất ở Thủ Thiêm sẽ sớm tạo một ‘cơn sốt’ nhà đất mới tại TP.HCM”, ông Quang dự báo.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.
Ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.
TP.HCM đã có thông báo đến nhà đầu tư và doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.